Người đàn bà phải đi cả bằng tay, mắc bệnh hiểm nghèo và nỗi lo chết bỏ con bơ vơ

Mạnh Mường |

Từng bị người thân phản đối, chị Vi Thị Kiều vẫn quyết tâm sinh con. Tuy nhiên, khi đối diện với cơn thập tử nhất sinh, người phụ nữ 36 tuổi rất sợ sẽ không về được để gặp con.

Mẹ đi bằng ‘4 chân’ nằm viện và nỗi lo con đói ăn, thất học

Chị Vi Thị Kiều (SN 1986), người dân tộc Thái ở Làng Lự, xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, là con gái út trong gia đình nông dân có 5 anh chị em.

Bốn anh chị sinh trước đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Duy chỉ có chị Kiều vẫn sống cùng cha mẹ già trong ngôi nhà tình thương được chính quyền và nhân dân xây dựng cho.

Theo chia sẻ của cha mẹ và người thân thì từ khi sinh ra, Kiều đã bị khuyết tật chân nên không vận động bình thường như mọi đứa trẻ khác.

Càng lớn, chân chị Kiều càng teo và cong lại, hai chân không đều nhau, lòng bàn chân hướng lên trên, chủ yếu di chuyển bằng một phần mu bàn chân. Do đó, chị không thể đứng bằng hai chân, mà việc đi lại hầu như phải đi bằng ‘bốn chân’ – cả 2 tay và 2 mu bàn chân chạm đất để di chuyển.

"Đã 36 năm rồi, em chấp nhận và phải quen với việc đi lại bằng 4 chân như con dê rồi, nhưng chưa bao giờ thấy lo sợ như lúc này", chị Kiều nói, giọng rất ngậm ngùi.

Được biết, thời gian này chị Kiều đi viện triền miên từ tuyến huyện rồi đến tuyến tỉnh. Lúc thì đau đầu, lúc thì đi mổ u vú, lúc thì cấp cứu vì chảy máu dạ dày, đau bụng....

Bà Vi Thị Thanh (SN 1946), mẹ đẻ chị Kiều nói rằng, đợt này thấy con gái hay đau nhiều, đau từng cơn, có nhiều lúc ngất lịm đi.

"Có lần hắn đang rửa bát, tự dưng lăn ra ngất, cắm đầu vô cả mấy nồi nước và mấy cái bát luôn...", bà Thanh nói đặc giọng địa phương, chia sẻ về cô con gái út của mình.

Theo bác sĩ Khắc Thị Phương - khoa Nội, BV huyện Như Xuân người trực tiếp điều trị cho Kiều chia sẻ:

"Kiều là bệnh nhân mà chị tiếp xúc và điều trị nhiều lần về các bệnh lý khác nhau, rất phức tạp, tới mức Bệnh viện phải làm thủ tục để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên."

Người đàn bà đi bằng bốn chân mắc bệnh hiểm nghèo và nỗi lo chết bỏ con bơ vơ - Ảnh 2.

Chị Vị Thị Kiều được thầy giáo Vi Văn Ái ở trường Tiểu học Thanh Phong đẩy đi chụp, chiếu, làm xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân.

Hiện tại, chị Kiều đang nằm điều trị tại Khoa Nội Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng cơ thể suy nhược trầm trọng. Theo kết luận của các bác sĩ, bệnh nhân Vi Thị Kiều ngoài bị khuyết tật bẩm sinh, thì hiện tại còn bị viêm gan B.

"Em không biết là có đi được cùng con không hay chỉ còn được mấy ngày nữa. Em sợ em chết bỏ con bơ vơ thôi ạ", chị Kiều nói xong, nước mắt đã lăn dài trên má.

Khuyết tật vẫn mang bầu, người nhà giận lấp cả giếng

Cha mẹ tuổi đã cao, các anh chị đều có gia đình riêng nên khi nói về tương lai của chị Kiều thì ai cũng cảm thấy lo lắng.

"Em biết là thân hình em thế này không ai thèm lấy đâu. Từ bé đến giờ không được đi học, lớn lên không có ai chơi cùng, người ta toàn tránh em thôi. Nhiều người trong làng cũng động viên em là, nên có một đứa con bầu bạn, lúc trái gió trở trời còn có người bên cạnh".

Rồi cũng có người cũng đã đồng tình, giúp chị Kiều có thai. Nhưng cũng kể từ đó mọi điều được giấu kín, chỉ mình chị biết ai là tác giả của cái thai.

"Từ lúc có bầu đến nay anh ấy không liên lạc gì với em, cũng không hỏi han gì đến hai mẹ con em cả. Em nghĩ, người ta không thương thì cũng đành, em có được đứa con là em thấy may mắn lắm rồi."

Năm 2016, chị Vi Thị Kiều sinh được bé gái kháu khỉnh, đặt tên là Vi Thị Nhung. Chị nói, từ lúc có bé Nhung chị vui nhiều dù vất vả và bận rộn hơn, khó khăn hơn.

Tuy nhiên, trong gia đình cũng có người rất phản đối việc Kiều có con, vì cho rằng, việc một người khuyết tật bẩm sinh như vậy mà có con vừa gây nguy hiểm, vừa vất vả.

"Lúc em có con thì bố mẹ cũng không nói gì, nhưng anh trai thì giận tới mức lấp cả giếng... Nhưng giờ thì con bé lớn rồi, anh cũng đã sang nhà được mấy lần, chắc anh cũng thương em gái và cháu nhưng không nói ra."

Hiện tại, nguồn kinh tế của gia đình chị Kiều vô cùng eo hẹp. Chị gái lấy chồng xa, nhưng chồng bị ung thư đã qua đời mấy năm; các anh trai đều nghèo. Trong khi đó, bố chị Kiều là ông Vi Văn Thành (SN 1946) đã 2 lần bị tai biến, nay tuổi đã cao, mọi sinh hoạt đều khó khăn hơn.

Vì không làm được các công việc nặng, nên chị Kiều rất chăm chỉ trồng rau, nuôi gà để cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, chị có học và may thủ công váy Thái rồi đem bán.

"Từ ngày có con, bố mẹ và làng xóm làm riêng cho mẹ con em cái nhà gác nhỏ ở góc vườn. Em có nhận làm váy Thái cho người ta, một chiếc váy được trả 300 nghìn, nhưng có khi phải 2 tháng em mới làm xong một chiếc do bị đau và phải đi viện nhiều quá", chị Kiều trải lòng khi nói về cuộc sống hiện tại.

Trong căn nhà gác nhỏ xập xệ của 2 mẹ con chị Kiều, thứ đồ giá trị nhất là chiếc nồi cơm điện được mua hơn một năm. Đối với chị Kiều, chiếc nồi này như một kỷ vật. Chị kể:

"Năm trước, có lần em ốm nặng, nằm li bì tới nỗi không nấu được cơm, để con nhịn đói. Rồi sau cũng phải cắn răng, đi vay tiền mua cái nồi cơm điện 800 nghìn. Vì không muốn để con bị nhịn đói lần nào nữa."

Căn nhà nơi mẹ con chị Vi Thị Kiều và bé Vi Thị Nhung đang sinh sống.

Bé Nhung xuất hiện trong cuộc đời này như một món quà tuyệt vời đối với chị Kiều. Dù còn quá nhỏ nhưng cô bé tỏ ra hiểu chuyện và rất thương mẹ.

Những ngày chị Kiều nằm viện, bé Nhung dù rất nhớ mẹ những không đòi, thi thoảng lại nhờ ông bà ngoại và hàng xóm gọi để nói chuyện với mẹ.

Người đàn bà đi bằng bốn chân mắc bệnh hiểm nghèo và nỗi lo chết bỏ con bơ vơ - Ảnh 4.

Hai mẹ con chị Vi Thị Kiều và bé Vi Thị Nhung rất cần được giúp đỡ.

"Lúc nào cũng luôn miệng, mẹ ơi, mẹ cố lên, mẹ đừng bỏ con, mẹ nhanh về với con nhé", chị Kiều lại rơm rớm nước mắt khi nhắc đến con gái nhỏ.

Cuối cuộc trò chuyện, khi được hỏi về ước mơ thì chị Kiều nói: "Đã thiếu thì cái gì cũng muốn ước ạ, nhưng ước mơ lớn nhất của mẹ con em là có căn nhà kiên cố hơn. Ước thì ước vậy thôi, chứ lúc nào em cũng ốm cũng đau thế này... đến sách vở quần áo cho con chuẩn bị vào lớp 1 em còn chưa mua được", nói đoạn, nước mắt Kiều lại rơi, giọng lạc đi, chị đưa tay miết hàng nước mắt đang chảy như thấm vào làn da khô sạm.

Chị chia sẻ dự định, đợt này về, sẽ bán con lợn mà chính quyền hỗ trợ rồi bán cả mấy con gà đi xem có được hòm hòm để trả bớt nợ cho bà con, và tính đến việc mua sách, vở cho bé Nhung đi học.

Em Lò Thị Chuyên (SN 2005) - con của chị gái chị Kiều đang được nghỉ hè, tranh thủ đi làm thêm, nhưng nghe tin dì ốm thì xin nghỉ về thăm. Chuyên cũng là người duy nhất bên cạnh, chăm sóc chị Kiều tại BV đa khoa Thanh Hóa.

"Trước khi đi viện thì dì Kiều đi vay đâu được mấy triệu, xuống đây đóng viện phí và ăn uống cũng gần hết rồi ạ. Dì cứ nằng nặc đòi về suốt, mà cháu khuyên mãi không được", Chuyên chia sẻ thêm.

Qua trao đổi, ông Vi Văn Sen - trưởng thôn Làng Lự xác nhận: "Chị Kiều có 3 anh trai, 1 chị gái và đặc điểm chung là gia đình họ đều khó khăn. Bố thì bị tai biến liệt nửa người, còn mẹ thì già yếu. Hiện tại chị Kiều và con gái đang sống rất khó khăn trong căn nhà gác làm bằng tre nứa và lợp tranh. Bản thân chị Kiều đang phải nằm viện, nên phải gửi con gái cho hàng xóm."

Cuốn sách, quyển vở, chiếc bút, đôi dép, bộ quần áo hoặc hơn thế nữa, lúc này đều rất quý giá đối với mẹ con chị Kiều, bé Nhung. Họ đang rất cần sự chung tay từ Quý độc giả cùng các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân hảo tâm gần xa.

Địa chỉ: chị Vi Thị Kiều, Làng Lự, xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Số tài khoản: 3520205173457. Agribank chi nhánh Như Xuân, Thanh Hóa.

Chủ tài khoản: Vi Thị Kiều.

Số điện thoại: 0833604345 (chị Kiều)

Mọi thắc mắc vui lòng gọi số hotline: 0943.113.999

Trân trọng cảm ơn!

(Bài viết có tham khảo kênh Youtube Vùng Cao Xứ Thanh, cùng sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy giáo Vi Văn Ái - trường Tiểu học Thanh Phong, Như Xuân, Thanh Hóa.)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại