Giới chức Nhà Trắng từng hy vọng Hội nghị cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina trong ngày 30-11 và 1-12 (giờ địa phương) là cơ hội để Tổng thống Donald Trump chứng tỏ kỹ năng đạt thỏa thuận.
Giờ đây, họ ngại diễn biến gây chấn động mới nhất từ cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đe dọa phủ bóng "màn trình diễn" của ông chủ Nhà Trắng tại hội nghị.
Ông Rudy Giuliani, luật sư của ông Trump hôm 29-11, chỉ ra sự trùng hợp trong những bước đi pháp lý của ông Mueller.
Ngay trước khi ông Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Helsinki - Phần Lan hôm 16-7, ông Mueller truy tố 12 quan chức quân sự Nga bị cáo buộc tấn công mạng hệ thống máy tính Đảng Dân chủ để phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Đến ngày 29-11, ngay trong ngày ông Trump lên đường đến thủ đô Buenos Aires - Argentina, cựu luật sư Michael Cohen của ông đã nhận tội nói dối quốc hội về nỗ lực bất thành của Tập đoàn Trump Organization trong việc đạt thỏa thuận xây dựng một tòa tháp ở thủ đô Moscow trong thời gian ông Trump tranh cử.
Theo trang Politico, không có bằng chứng nào cho thấy ông Mueller cố tình "phá" các chuyến đi nước ngoài của ông Trump. Dù vậy, tại Hội nghị cấp cao G20 lần này, ông chủ Nhà Trắng chắc chắn sẽ đối mặt không ít câu hỏi về lời nhận tội từ luật sư cũ mà ông gọi là "kẻ nói dối" ngay trước khi lên đường.
Đài CNN nhận định cuộc điều tra của ông Mueller đang dần phơi bày những "dối trá" mà những người quanh ông Trump đưa ra nhằm che giấu mối quan hệ với người Nga từ năm 2016 trở về trước. Với thỏa thuận nhận tội của ông Cohen, ông Mueller có trong tay một nhân chứng có thể biết nhiều điều về hoạt động kinh doanh và đời sống riêng tư của ông Trump trong quá khứ.
Diễn biến trên xảy ra một tuần sau khi xuất hiện thông tin cuộc điều tra của ông Mueller theo đuổi một hướng đi khác - khả năng một số phụ tá của ông Trump có thể đã liên lạc với trang WikiLeaks. Đây là trang web đã công bố nội dung những email bị đánh cắp từ chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Dù vậy, không phải mọi chuyện diễn ra suôn sẻ với cuộc điều tra. Đầu tuần này, các công tố viên Mỹ cáo buộc ông Paul Manafort, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, phá vỡ thỏa thuận nhận tội trước đó khi thường xuyên nói dối các nhà điều tra của Cục Điều tra Liên bang (FBI).
Theo Reuters, diễn biến gây ngạc nhiên trên đồng nghĩa ông Mueller mất đi những đóng góp của một nhân chứng có các mối liên hệ gần gũi với Nga vào thời điểm quan trọng. Công tố viên đặc biệt này dự kiến trong vài tháng tới hoàn thành báo cáo về những phát hiện của cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và thông đồng với chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Trong động thái gây sức ép lên ông Mueller, ông Trump hôm 29-11 đăng đàn Twitter chỉ trích cuộc điều tra trong buổi sáng thứ 4 liên tiếp. Ông chủ Nhà Trắng gọi "cuộc săn phù thủy" này là lãng phí tiền bạc và thắc mắc liệu nó có kéo dài mãi không.
Điều đáng nói là nhà lãnh đạo Mỹ vừa gửi các câu trả lời bằng văn bản đến ông Mueller liên quan tới cuộc điều tra dù không ngừng công kích nó.
Mặt khác, tờ The Washington Post chỉ ra rằng cuộc điều tra kéo dài 18 tháng của ông Mueller đã dẫn đến các cáo buộc nhằm vào 32 người, trong đó có 26 người Nga. Ngoài ra, 4 cựu phụ tá của ông Trump cũng nhận các tội danh khác nhau.
Theo đài CNN, ông Mueller giờ đây có thể tìm cách chứng tỏ ông Trump và những người xung quanh biết rõ về hành vi can thiệp bầu cử (bị cáo buộc) của Nga dù họ bên ngoài vẫn khẳng định không có sự thông đồng nào.
G20 bàn nhiều vấn đề nóng
Hội nghị Cấp cao G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Ukraine leo thang căng thẳng và tranh chấp thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp.
Không lâu sau khi chiếc Không lực Một cất cánh từ Washington hôm 29-11 hướng đến thủ đô Buenos Aires - Argentina, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp song phương đã được hoạch định với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Argentina để phản đối Moscow vẫn cầm giữ 3 tàu hải quân Ukraine và 24 thủy thủ trên đó trong vụ đụng độ gần bán đảo Crimea hôm 25-11.
Trang Global News nhận định sự thay đổi đột ngột nói trên cho thấy tình trạng không chắc chắn trong mối quan hệ Mỹ - Nga.
Hội nghị kéo dài 2 ngày này tập trung thảo luận nội dung phát triển, cơ sở hạ tầng và an ninh lương thực. Tuy nhiên, không dễ để các nhà lãnh đạo G20 tìm được tiếng nói chung trong bối cảnh không ít bất đồng chính trị, thương mại đang diễn ra.
Ông Michael Shifter, Giám đốc tổ chức Đối thoại liên Mỹ có trụ sở ở Washington, cho rằng chỉ cần không xảy ra gián đoạn đáng kể nào là hội nghị coi như thành công.
Ngoài ra, một số chuyên gia khác cảnh báo Hội nghị cấp cao G20 có nguy cơ bị xáo trộn bởi các vấn đề nóng nằm ngoài chương trình nghị sự, như khủng hoảng Nga - Ukraine, quan hệ Mỹ - Trung, biến đổi khí hậu, vụ sát hại nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10…
Lục San