Mua vàng tích sản, coi đó là khoản tiết kiệm lâu dài không còn là thói quen của riêng thế hệ ông bà, cha mẹ chúng mình. Sau đợt giá vàng tăng phi mã vào cuối tháng 12 năm 2023, nhiều bạn trẻ cũng đã đặt mục tiêu mua vàng hàng tháng với tinh thần năng nhặt chặt bị, kiến tha lâu cũng đầy tổ.
Với suy nghĩ vàng là tài sản quý, hẳn nhiều người sẽ để yên chúng trong két sắt, hoặc không thì cũng giấu kỹ trong hộc tủ rồi khóa chặt lại; chứ hiếm ai đeo hết lên người trong những hoạt động thường nhật.
Tuy nhiên, cô Trang và bạn Như Ngọc - Hai người phụ nữ đến từ Kiên Giang mà chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, lại thuộc nhóm "số hiếm" như trên: Toàn thân phát sáng ánh vàng, theo đúng nghĩa đen.
Vàng là để đeo!
Hiện tại, công việc thường ngày của cô Trang là bán hoa quả nhưng nhìn cô, chắc hẳn ai cũng sẽ có suy nghĩ cô đi làm cho vui là chính. Ngày nào cũng vậy, cô Trang đều "đeo vàng kín người", ngồi 1 góc trên vỉa hè, tay phe phẩy cái quạt ngắm đường, ngắm phố những lúc không có khách, mà chẳng có chút sợ sệt nào.
Cô Trang
Cô Trang nói với chúng tôi: "Nhà cô gần đây, cô chả sợ gì nhưng sắp Tết rồi (thời điểm PV gặp cô), chắc cô cũng phải tháo bớt ra, cất ở nhà cho yên tâm. Chứ còn bình thường cô ngồi đây bán hoa quả đến 1-2 giờ sáng, cô cũng chẳng sợ".
Khi được hỏi về giá trị của tổng số trang sức vàng trên người, cô Trang cười phớ lớ, kêu chẳng đếm được đâu: "Đây riêng cái lắc tay này là 7 cây rưỡi rồi, còn vòng cổ, vòng tay, nhẫn nữa này".
Số vàng mà cô Trang đeo trên người khi đi bán hoa quả lên tới hơn 7,5 cây vàng
Cũng có thói quen mua vàng và đeo vàng "đi khắp nơi" như cô Trang, nhưng chị Như Ngọc lại có phần "bó cẩn" hơn.
"Trời chị cũng sợ đó chứ nên đi đâu chị cũng đi cùng bạn trai hết" - Chị Ngọc vừa cười, vừa chia sẻ cách giải quyết nỗi sợ khi mình ở đâu là vàng ở đó.
Với cô Trang và chị Như Ngọc, vàng không chỉ là một loại tài sản không bao giờ lo mất giá, mà còn là một loại trang sức. Chính bởi suy nghĩ này mà loại vàng mà cô Trang và chị Như Ngọc thường mua là vàng trang sức như nhẫn, lắc tay,...
"Gom đủ tiền rồi mua vài cây một lúc"
Năm nay, ngày vía Thần tài ngay sau Tết Nguyên đán (19/2) nhưng cả cô Trang và chị Như Ngọc đều chưa tính chuyện sẽ mua vàng vào ngày này.
Cả hai đều khẳng định bản thân không mua vàng hàng tháng, mà sẽ tích đủ tiền rồi mua vài cây vàng một lúc, hoặc… hứng lên thì mua, được giá là mua chứ không quan trọng đó là ngày lễ hay ngày đặc biệt.
Chị Như Ngọc
"Từ năm 13, 14 tuổi là chị đã biết tích tiền để mua vàng rồi, chứ không phải mới đây mới có thói quen mua vàng đâu" - Chị Như Ngọc chia sẻ và cho biết thêm rằng bản thân chị chưa bao giờ bán đi số vàng mình đã mua.
Còn cô Trang thì chẳng nhớ nổi lần đầu tiên mình mua vàng là khi nào vì nó cách đây quá lâu rồi. Cô Trang bảo với chúng tôi cô mua vàng cả đời, tiền kiếm bao nhiêu cũng đều để mua vàng hết.
"Cô nói con nghe, mình mua vàng, lúc mình cần tiền là mình đem bán, mình có tiền ngay chứ mà gửi tiết kiệm thì không có được vậy đâu.
Tiền là của mình nhưng lúc mình cần, mình rút ra sớm là mình còn mất tiền đấy" - Cô Trang giải thích về lý do cô chỉ trung thành với việc mua vàng, chứ chẳng bao giờ gửi tiền tiết kiệm.
Chị Như Ngọc cũng cùng chung quan điểm với cô Trang trong vấn đề này. Chị còn cho biết thêm rằng tiền là của mình, mình có thể quy đổi nó ra loại tài sản khác nhưng tóm lại, mình vẫn phải là người giữ, chứ mang đi gửi chỗ này chỗ kia, không may bị mất thì chẳng biết khóc ai, kêu ai được.
Ở Kiên Giang nói riêng và miền Tây nói chung, phụ nữ mua vàng từ nhỏ và đeo vàng khắp người không phải là chuyện quá hiếm gặp. Có lẽ thói quen mua vàng, đeo trang sức vàng của cô Trang và chị Như Ngọc cũng một phần bị ảnh hưởng bởi những những thế hệ đi trước.
Bà truyền cho mẹ thói quen mua vàng, mẹ răn dạy lại con gái, cứ thế, mua vàng dần trở thành truyền thống và là bài học lọt lòng, giống như những gì chị Như Ngọc - người mua vàng từ khi dậy thì, đã chia sẻ.
Hy vọng những chia sẻ của cô Trang và chị Như Ngọc sẽ tiếp thêm động lực lẫn quyết tâm cho bạn trên hành trình gom góp, tích tiền để mua vàng trong năm 2024 này.