Tổng thống Sri Lanka phải rời khỏi nơi cư trú khi hàng nghìn người biểu tình bao vây dinh thự

Hải Vân |

Ngày 9/7, hàng nghìn người biểu tình đã phá rào xung quanh dinh thự của Tổng thống Sri Lanka, xông vào toà nhà.

Ảnh: Twitter

Ảnh: Twitter

Theo đài Sputnik (Nga), các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đám đông người biểu tình đã bao vây dinh thự của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. Một số người trong đó còn cố tìm cách vào bên trong toà nhà. Hãng thông tấn AFP dẫn một nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã phải rời khỏi nơi cư trú.

"Tổng thống được hộ tống đến nơi an toàn", nguồn tin nói với AFP và nhấn mạnh rằng các sĩ quan đã phải bắn chỉ thiên để giải tán đám đông tránh xa tòa nhà.

Các cuộc biểu tình rầm rộ đã xảy ra ở Sri Lanka trong bối cảnh nền kinh tế nước này rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nguyên nhân là do tình trạng thiếu hụt ngoại hối khi lượng khách du lịch giảm do các hạn chế phòng dịch COVID-19. Điều này đã gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men, làm gián đoạn sinh kế của người dân. Tình trạng mất điện liên tục cũng xảy ra trên khắp đất nước.

Hồi tháng 5, các cuộc biểu tình lớn đã buộc ông Mahinda Rajapaksa, anh trai của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, phải từ chức Thủ tướng.

Trước đó, hôm 8/7, cảnh sát Sri Lanka đã áp lệnh giới nghiêm ở thủ đô Colombo và các khu vực lân cận, một ngày trước khi diễn ra cuộc biểu tình theo kế hoạch nhằm yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Cảnh sát cho biết lệnh giới nghiêm, bắt đầu từ 21h00 ngày 8/7 (theo giờ địa phương), sẽ kéo dài cho đến khi có thông báo mới ở Colombo và các vùng ngoại ô thủ đô.

Hàng nghìn sinh viên mặc quần áo đen và cầm cờ đen cũng đã tuần hành ở thủ đô Colombo trong ngày 8/7. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Kamal Gunaratne tuyên bố cảnh sát và các lực lượng vũ trang nước này đã được trao quyền sử dụng vũ lực cần thiết nhằm chống lại những đối tượng gây nguy hiểm hoặc làm tổn hại tới công chúng, trấn áp những kẻ tham gia các hoạt động chống đối xã hội hoặc gây thiệt hại về tài sản.

Bộ trưởng Gunaratne xác nhận đã có thông tin cho thấy một số phần tử đang cố gắng kích động bạo lực dưới chiêu bài biểu tình ôn hòa.

Trong tuyên bố qua video được phát đi tối ngày 8/7, Bộ trưởng Gunaratne đã kêu gọi toàn thể người dân Sri Lanka kiên nhẫn trong thời gian khó khăn hiện nay và không tham gia bất kỳ hành động trái pháp luật nào. Ông nêu rõ: "Cảnh sát và 3 lực lượng vũ trang Sri Lanka đã được trao quyền để hành động chống lại mọi đối tượng tham gia vào bất kỳ hình thức bạo lực nào. Chúng tôi yêu cầu người dân ủng hộ các lực lượng an ninh - những người luôn nỗ lực bảo vệ Tổ quốc và nhân dân".

Sri Lanka gần như phá sản và đã đình chỉ trả khoản nợ nước ngoài 7 tỷ USD đáo hạn trong năm nay. Nước này sẽ phải trả hơn 5 tỷ USD hàng năm cho tới năm 2026. Do nguồn dự trữ ngoại tệ gần như cạn kiệt, đảo quốc Nam Á hiện không thể nhập khẩu lương thực, nhiên liệu, khí đốt và thuốc men. Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến lạm phát tăng vọt và giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo, giáng đòn mạnh vào những nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương.

Ở Colombo, những người biểu tình đã chiếm lối vào Văn phòng Tổng thống Sri Lanka trong gần 3 tháng qua nhằm yêu cầu ông từ chức. Họ cáo buộc Tổng thống Rajapaksa và gia đình quyền lực của ông - bao gồm một số anh chị em, những người cho đến gần đây giữ các vị trí trong Nội các Sri Lanka - đã gây ra cuộc khủng hoảng thông qua những hành vi sai trái và tham nhũng.

Làn sóng biểu tình kéo dài suốt nhiều tháng đã gần như phá hủy "triều đại chính trị Rajapaksa", vốn nắm quyền lãnh đạo Sri Lanka trong gần 2 thập kỷ qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại