Người bị án oan ấy đã ra đi…

DUY QUANG-MẠNH THẮNG |

Cuộc đời đau buồn của ông Huỳnh Văn Nén không chỉ là những tháng ngày cơ cực thiếu thốn khi còn trẻ, mà còn là 17 năm chịu tù oan rồi chết cô độc trong bệnh viện mà không có người thân bên cạnh... Đây là người bị tù oan mà báo Tiền Phong đã tham gia kiên trì và quyết liệt bảo vệ, góp một phần vào việc minh oan cho ông.

Số phận

Chiều 14/9, khi thấy PV Tiền Phong đến viếng đám tang ông Huỳnh Văn Nén (ngụ khu phố 2, thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận), bà Nguyễn Thị Cẩm (vợ ông Nén) bật khóc: “Cuộc đời ổng là bi kịch nối tiếp bi kịch, đến lúc chết chỉ còn da bọc xương”.

Bà Cẩm kể, trưa ngày 13/9, bà nhận được điện thoại của Công an thị trấn Tân Minh báo tin, ông Nén qua đời ở Bệnh viện Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nên tức tốc thuê xe vào.

Đến nơi, bà gần như ngã quỵ khi thấy chồng mình nằm trơ trọi trong nhà xác. Sáu năm biệt tích, ngày vợ gặp lại chồng là âm dương cách biệt...

Người bị án oan ấy đã ra đi… - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Văn Nén (bìa phải) và cụ Huỳnh Văn Truyện, cha của ông Nén khi còn sống

Bi kịch của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén xảy ra vào tháng 5/1998. Lúc này, ông Nén đang làm thuê cho một gia đình tại huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), còn vợ ông đang làm phụ quán cho chị ruột. Họ có với nhau 3 mặt con, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ chỉ mới 4 tuổi. Cả gia đình, hàng xóm bàng hoàng khi ông Nén bị bắt vì liên quan đến cái chết của bà Nguyễn Thị Bông, xảy ra gần một tháng trước đó.

Ông Nén bị buộc tội giết bà Bông, cướp tài sản là một nhẫn vàng. Hơn 2 năm sau, TAND tỉnh Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Nén mức án tù chung thân về tội "Giết người", 3 năm tù về tội "cướp tài sản", 2 năm tù về tội cố ý "hủy hoại tài sản" và tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên gia đình vợ tiếp tục bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "Kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước đó.

Do cơ quan chức năng không chứng minh được hành vi phạm tội của các đối tượng, đúng 8 năm sau, 9 thành viên trong gia đình vợ ông được minh oan và được bồi thường gần 1 tỷ đồng. Riêng ông Nén đang thi hành bản án chung thân nên không được giải quyết.

Mãi đến ngày 22/10/2015, ông Nén mới được cho tại ngoại, sau 17 năm 5 tháng tù tội do công an bắt được hung thủ đã giết bà Bông. Hơn một tháng sau, ông Nén được đình chỉ điều tra, được công bố “hành vi không cấu thành tội phạm”.

Người bị án oan ấy đã ra đi… - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Cẩm (vợ ông Nén) trò chuyện với PV Tiền Phong vào chiều 14/9

Bà Cẩm nói rằng, hơn 17 năm ông Nén ở tù oan , gia đình bà chịu nhiều khổ ải. Các con phải nương tựa vào làng trẻ SOS ở TPHCM để sống, lớn lên mà không được cha dạy dỗ.

“Ngày ổng trở về, làng xóm thay đổi, chỉ có nhà tôi là vẫn xơ xác. Bao nhiêu tủi nhục không kể hết được”, bà Cẩm ngậm ngùi nhớ lại.

“Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén qua đời vào sáng 13/9 tại Bệnh viện Vũng Tàu. Các con và vợ ông Nén được công an thị trấn Tân Minh báo tin về cái chết của ông Nén tại bệnh viện và yêu cầu gia đình liên hệ với bệnh viện để nhận thi thể. Trong ngày 13/9, bà Nguyễn Thị Cẩm đã đến Vũng Tàu để nhận thi thể chồng về nhà lo hậu sự. Tang lễ đang được tổ chức tại gia đình ở khu phố 2, thị trấn Tân Minh. Thượng tá Đỗ Xuân Hoàn, Trưởng phòng Kỹ thuật Hình sự, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, ông Nén được phát hiện mất lúc 8h ngày 13/9 tại phường Thắng Nhất (TP Vũng Tàu) do bệnh lý.

Sau khi được minh oan, tưởng chừng đời ông Nén sang một bước ngoặt mới nhưng lại lâm vào một bi kịch khác, khi ông bỏ nhà ra đi. Thời điểm này ông mắc một số căn bệnh như viêm gan, viêm phổi, “rối loạn cảm xúc không biệt định”.

Có lúc gia đình tìm thấy ông đang sống tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận nhưng ông Nén cương quyết không trở về và liên tục phiêu dạt.

Tháng 9/2019, người con trai út ông Nén là anh Huỳnh Thành Phát (sinh năm 1995) bị bệnh qua đời, ông Nén cũng không về nhà. Tháng 10/2021, cụ Huỳnh Văn Truyện (cha ông Nén) qua đời, ông Nén cũng không về chịu tang.

Chiến thắng và thất bại

Chỉ vào căn nhà nơi đang đặt linh cữu của ông Huỳnh Văn Nén, bà Cẩm nói nhà trước đây chỉ xây được tường gạch, lợp tôn ở tạm. Quá trình vào tìm hiểu sự việc, phóng viên báo Tiền Phong Đại Dương, Nguyễn Đình Quân (anh Quân đã mất mấy năm trước - TP) đã vận động doanh nghiệp và các đồng nghiệp góp tiền để sơn tường, lót gạch men giúp gia đình bà có chỗ ở tốt hơn.

“Khi biết nhà báo Nguyễn Đình Quân bị tai nạn, mất ở Nha Trang, tôi bỏ gánh bún riêu bán giữa chừng, bắt xe ra Khánh Hòa thắp cho ảnh nén nhang tiễn biệt. Cũng một phần nhờ anh Quân, báo Tiền Phong và các nhà báo khác theo đuổi sự việc này mà chồng tôi mới được minh oan”, bà Cẩm nói.

Nhà báo Hồ Việt Khuê cho biết, anh và nhà báo Nguyễn Đình Quân là hai phóng viên báo Tiền Phong đã theo đuổi vụ án “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén từ đầu năm 2000. Ban đầu là từ trách nhiệm phản ánh thông tin của nhà báo, nhưng, càng theo sát diễn biến điều tra, truy tố, xét xử của “Kỳ án vườn điều” và vụ Huỳnh Văn Nén, các nhà báo càng thấy rõ dấu hiệu oan sai.

Đi kèm với đó là những bi kịch gia đình của các bị can trong hai vụ án, những nỗi niềm bức xúc của người thân họ. Đặc biệt là thảm cảnh của những đứa trẻ, con, em, cháu của các bị cáo. “Những điều đó thôi thúc chúng tôi theo đến cùng hai vụ án. Lương tâm không cho phép chúng tôi bỏ cuộc giữa chừng”, ông Khuê nói.

Nhờ dư luận và công sức của ông Nguyễn Thận (nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, nay là thị trấn Tân Minh) cùng nhiều cộng sự khác, cuối năm 2015, ông Nén được TAND tỉnh Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương. Tháng 4/2016, ông Nén nộp đơn yêu cầu TAND Bình Thuận bồi thường 18 tỷ đồng do bị kết án oan trong 2 bản án. Sau đó, TAND tỉnh Bình Thuận công bố tiền bồi thường đạt được thỏa thuận với ông Nén là hơn 10 tỷ đồng.

Liên quan tới việc ông Nén bị oan, có 12 cán bộ, đảng viên bị xử lý, kiểm điểm, gồm đại tá Nguyễn Kiến Quốc (nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận), thượng tá Đinh Kỳ Đáp (nguyên Phó phòng Cảnh sát điều tra, trưởng ban chuyên án), bà Nguyễn Thị Hồng Dung (nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận), ông Nguyễn Ngọc Quang (nguyên Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận)... Thẩm phán Nguyễn Thanh Tâm, chủ tọa phiên tòa xét xử khiến ông Nén bị oan bị Chủ tịch nước miễn nhiệm chức danh thẩm phán trung cấp. Ông Tâm cũng bị miễn nhiệm chức vụ Phó chánh án hình sự TAND tỉnh Bình Thuận.

Về cuộc đời và cái chết của ông Nén và những gì gia đình trải qua, bà Cẩm vợ ông nói: “Ảnh đi tù 17 năm, tôi buôn thúng bán bưng nuôi 3 con trưởng thành. Ảnh ra tù, tôi lại ngược xuôi tìm chồng. Tôi cùng anh Nén được hưởng chiến thắng của công lý nhưng lại thất bại trong yêu thương đối với số phận con người”.

Trong lời xin lỗi của đại diện TAND tỉnh Bình Thuận vào cuối năm 2015, ngoài việc nhắc lại những vấn đề oan sai đối với cá nhân ông Huỳnh Văn Nén trong 2 vụ án oan, đại diện TAND tỉnh Bình Thuận đã thừa nhận: “Chúng tôi thừa nhận sai sót đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này, thừa nhận khuyết điểm và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Do đó, chúng tôi rất mong ông Huỳnh Văn Nén hãy tha thứ và chấp nhận lời xin lỗi của cơ quan TAND tỉnh Bình Thuận, Viện KSND tỉnh Bình Thuận, Cơ quan điều tra công an tỉnh Bình Thuận và những người đã tiến hành tố tụng trong cả 2 vụ án trong quá khứ. Chúng tôi đã rút ra được bài học kinh nghiệm sâu sắc và hứa sẽ không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để trong thời gian tới không còn một người nào, một gia đình nào phải gánh chịu những mất mát, thiệt thòi do bị điều tra, truy tố và kết án oan”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại