Người Amazon cổ đại đã tạo ra một loại đất có thể tự phát triển và mở rộng sau hàng nghìn năm!

ĐỨC KHƯƠNG |

Terra preta, vàng đen của người Amazon cổ đại, vẫn tồn tại cho đến ngày nay và nó thực sự đang phát triển.

Người Amazon cổ đại đã tạo ra một loại đất có thể tự phát triển và mở rộng sau hàng nghìn năm!- Ảnh 1.

Các mảnh đất Terra preta được tạo ra bởi người Amazon cổ đại và một mảnh đất Terra preta ngày nay.

Nếu bạn quan tâm đến độ phì nhiêu và tính bền vững của đất, bạn có thể đã nghe nói về Terra preta, còn được gọi là đất tối Amazon hay đất đen Indian. Đây là loại đất rất sẫm màu, màu mỡ được tìm thấy ở một số vùng thuộc lưu vực sông Amazon, nơi đất bản địa thường nghèo dinh dưỡng và có tính axit. Terra preta rất giàu chất dinh dưỡng, chất hữu cơ, khoáng chất và vi sinh vật có lợi, lý tưởng cho việc trồng trọt và duy trì sức khỏe của đất. Nhưng nguồn gốc của loại đất đặc biệt này là gì và chúng ta có thể học hỏi từ nó như thế nào?

Người Amazon cổ đại đã tạo ra một loại đất có thể tự phát triển và mở rộng sau hàng nghìn năm!- Ảnh 2.

Sự khác biệt giữa đất Terra preta và đất bản địa cằn cỗi.

Terra preta (có nghĩa là "đất đen" trong tiếng Bồ Đào Nha), đây không phải là một loại đất được hình thành tự nhiên mà là kết quả từ sự can thiệp của con người. Các nhà khoa học tin rằng nó được tạo ra bởi các nền văn minh Amazon cổ đại từ năm 450 trước Công nguyên đến năm 950 sau Công Nguyên, những người đã thực hành nông nghiệp, họ đã đốt nương làm rẫy và thêm hỗn hợp than củi, xương, đồ gốm vỡ, phân trộn vào vùng đất có độ phì thấp. Than củi, chất tạo màu sẫm cho đất, đặc biệt quan trọng vì các đặc tính của nó:

  • Nó có hàm lượng carbon cao, giúp làm giàu đất bằng vật liệu hữu cơ và cải thiện kết cấu của nó.
  • Nó xốp nên giữ được chất dinh dưỡng và không bị trôi khi mưa lớn.
  • Nó thu hút các vi sinh vật có lợi, giúp phân hủy chất hữu cơ và giải phóng chất dinh dưỡng.
  • Nó đòi hỏi ít phân bón hơn và thời gian nghỉ ngắn hơn khi không có cây trồng.
  • Nó có thể tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Người Amazon cổ đại đã tạo ra một loại đất có thể tự phát triển và mở rộng sau hàng nghìn năm!- Ảnh 3.

Terra preta được cho là được tạo ra bởi nền văn minh Amazon cổ đại trong khoảng thời gian từ năm 450 trước Công Nguyên đến 950 sau Công Nguyên.

Đất Terra preta được đặc trưng bởi sự hiện diện của cặn than nhiệt độ thấp với nồng độ cao, cũng như số lượng lớn các mảnh gốm, tàn dư thực vật, phân động vật, cá, xương động vật, và các vật liệu khác. Chúng thường được tìm thấy trong các mảnh đất được bao quanh bởi đất thông thường (terra comum), đất cằn cỗi và dễ bị mất chất dinh dưỡng.

Người Amazon cổ đại đã tạo ra một loại đất có thể tự phát triển và mở rộng sau hàng nghìn năm!- Ảnh 4.

Terra preta với những mảnh gốm cổ vẫn còn nhìn thấy được.

Điều thú vị là đất Terra preta không chỉ tồn tại mà còn mở rộng theo thời gian. Điều này là do chúng cung cấp môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật liên tục kết hợp nhiều vật liệu hữu cơ hơn vào đất. Kết quả là tạo ra một loại đất bền bỉ, giữ được các chất dinh dưỡng và nước quan trọng, giúp đất có năng suất cao và có khả năng phục hồi cao.

Người Amazon cổ đại đã tạo ra một loại đất có thể tự phát triển và mở rộng sau hàng nghìn năm!- Ảnh 5.

Phạm vi của đất Terra preta ngày nay.

Đất Terra preta đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu và nông dân muốn nhân rộng lợi ích của chúng cho nền nông nghiệp hiện đại. Một số lợi ích của việc sử dụng loại đất này là:

  • Nó có thể cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng.
  • Nó có thể giảm lượng khí thải nhà kính bằng cách cô lập carbon trong đất.
  • Nó có thể tăng cường đa dạng sinh học đất và các dịch vụ hệ sinh thái.
  • Nó có thể giảm thiểu sự suy thoái và xói mòn đất.
  • Nó có thể thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách tăng khả năng giữ nước và giảm biến động nhiệt độ.
Người Amazon cổ đại đã tạo ra một loại đất có thể tự phát triển và mở rộng sau hàng nghìn năm!- Ảnh 6.

Bằng cách học cách làm đất Terra preta và áp dụng nó vào những thách thức hiện đại, chúng ta có thể cải thiện an ninh lương thực và tính bền vững của môi trường.

Để tạo ra đất Terra preta, một trong những nguyên liệu chính là than sinh học, là loại than được sản xuất từ sinh khối (như gỗ, tàn dư cây trồng hoặc chất thải động vật) thông qua một quá trình gọi là nhiệt phân. Nhiệt phân bao gồm việc đốt nóng sinh khối trong môi trường ít oxy để sản xuất than sinh học, khí tổng hợp và dầu sinh học.

Than sinh học sau đó có thể được trộn với phân trộn hoặc phân chuồng và bón vào đất.

Người Amazon cổ đại đã tạo ra một loại đất có thể tự phát triển và mở rộng sau hàng nghìn năm!- Ảnh 7.

Terra preta, tại địa điểm khảo cổ Hatahara trên trung lưu Amazon, gần Manaus, Brazil. Lưu ý sự khác biệt với lớp đất bạc màu bên dưới.

Tuy nhiên, làm đất Terra preta không đơn giản như thêm than sinh học vào bất kỳ loại đất nào. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của than sinh học, chẳng hạn như loại sinh khối được sử dụng, điều kiện nhiệt phân (nhiệt độ, thời gian, v.v.), đặc điểm của đất bản địa (pH, kết cấu, v.v.) và tương tác với các thành phần khác của đất (vi khuẩn, thực vật, v.v.).

Do đó, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu cách tối ưu hóa việc sản xuất và ứng dụng than sinh học cho các loại đất và khí hậu khác nhau.

Người Amazon cổ đại đã tạo ra một loại đất có thể tự phát triển và mở rộng sau hàng nghìn năm!- Ảnh 8.

Thật khó để tái tạo lại những gì người Amazon cổ đại đã biết rất rõ.

Terra preta là một ví dụ thú vị về cách con người có thể tạo ra và duy trì những vùng đất màu mỡ hài hòa với thiên nhiên. Bằng cách học hỏi từ trí tuệ cổ xưa này và áp dụng nó vào những thách thức hiện đại, chúng ta có thể cải thiện an ninh lương thực và tính bền vững của môi trường.

Tham khảo: Earthlymission

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại