Ngược chiều quặng sắt, kim loại được xem là thước đo "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu bất ngờ bật tăng cao nhất 11 tháng

Khánh Vy |

Giới giao dịch gọi kim loại này với cái tên "Tiến sĩ" vì khả năng tiên tri về nền kinh tế của nó.

Ngược chiều quặng sắt, kim loại được xem là thước đo

Theo dữ liệu Trading Economics, giá đồng tăng vọt lên mức cao nhất trong 11 tháng sau khi các nhà sản xuất của Trung Quốc cam kết tìm kiếm các biện pháp đối phó với sự sụt giảm phí xử lý, bao gồm cả việc cắt giảm sản lượng có thể khiến người mua thiếu nguồn cung.

Giá tăng vọt tới hơn 3% hôm 14/3 sau khi giám đốc điều hành của ít nhất 15 nhà máy Trung Quốc thảo luận các biện pháp bao gồm giảm sản lượng tại cuộc họp ở Bắc Kinh. Đà tăng giá đã tạo nên ngày giao dịch bận rộn trên Sàn giao dịch kim loại London.

Giá đồng tăng 3,1% lên mức 8.927 USD/tấn trên Sàn giao dịch kim loại London. Mức giá cao nhất giao dịch trong ngày đạt 8.950 USD/tấn.

Đồng giao dịch trên sàn Comex tăng mạnh nhất trong 16 tháng, tăng 3,3% lên 4,06 USD/pound. Sự gia tăng bắt đầu trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), nơi đồng đạt mức cao nhất trong hai năm là 70.460 nhân dân tệ (9.796 USD)/tấn.

Cổ phiếu của các công ty khai thác đồng cũng tăng, trong đó First Quantum Minerals Ltd. tăng 12%, Freeport-McMoran Inc. tăng hơn 7%, Antofagasta Plc và Glencore Plc tăng thêm khoảng 5%.

Các nhà phân tích của Jefferies bao gồm Christopher Lafemina cho biết: “Thời điểm của thị trường đồng tăng giá tiếp theo đã được kéo dài do triển vọng nhu cầu tốt hơn những gì chúng tôi đã hình dung trước đây”. “Rõ ràng là vẫn có những rủi ro và chúng tôi chưa nâng dự báo giá đồng trong thời gian ngắn, nhưng quan điểm hiện tại của chúng tôi ngày càng thận trọng”.

Ngược chiều quặng sắt, kim loại được xem là thước đo

Diễn biến giá đồng trong vòng 1 năm qua (Nguồn: Trading Economics)

Các nhà máy luyện kim ở Trung Quốc đang phải đối mặt với khủng hoảng sau khi phí xử lý và tinh chế - khoản tiền mà họ phải trả để chuyển từ quặng sang đồng - giảm mạnh. Điều đó đã thúc đẩy thảo luận về khả năng cắt giảm sản lượng tại các nhà máy luyện kim, vốn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô nhập khẩu.

Mặc dù vậy, theo một số nguồn tin không có quyết định hay cam kết chính thức nào được đưa ra tại cuộc họp và mọi biện pháp cụ thể sẽ được công bố sau đó.

Sự sụt giảm phí xử lý được thúc đẩy bởi một loạt các trở ngại về nguồn cung trong ngành khai thác mỏ, bao gồm lệnh của chính phủ đóng cửa một mỏ lớn thuộc sở hữu của First Quantum ở Panama và sản lượng giảm mạnh tại Anglo American Plc.

Sự thiếu hụt đã dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt đối với tinh quặng đồng được khai thác, khiến thu nhập của các nhà luyện kim giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong thập kỷ.

Sự mở rộng đáng kể về công suất luyện kim trong năm nay - chủ yếu ở Trung Quốc, ngoài ra còn ở Ấn Độ và Indonesia - cũng dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với lượng quặng khai thác có sẵn trên thị trường giao ngay đang giảm dần.

Tuy nhiên, có nhiều nghi ngờ về việc liệu các nhà luyện kim Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm quy mô lớn - hỗ trợ thêm cho giá đồng - hay liệu họ sẽ tìm cách bù lỗ, tin rằng điều kiện thị trường sẽ được cải thiện. Những lo ngại về nhu cầu cũng đang tạo ra những trở ngại cho đồng, với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài ở Trung Quốc và lãi suất toàn cầu tăng cao đã ảnh hưởng đến triển vọng sử dụng đồng trong xây dựng và sản xuất.

Kim loại này thường được sử dụng trong nhiều vật liệu xây dựng, bao gồm cả dây điện và ống nước. Điều đó có nghĩa kim loại này là một thước đo của nền kinh tế bởi nó sẽ nóng lên khi kinh tế phát triển mạnh và hạ nhiệt khi nền kinh tế bị thu hẹp. Giới giao dịch gọi kim loại này với cái tên "Tiến sĩ" vì khả năng tiên tri về nền kinh tế của nó.

Dữ liệu về khoản vay của Trung Quốc dự kiến công bố trong tuần này, bao gồm tổng số tài chính xã hội - một thước đo tiêu thụ kim loại trong tương lai - có thể cung cấp sự rõ ràng về triển vọng nhu cầu.

Tham khảo: Reuters, Mining

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại