Ngư dân "phá" lời nguyền "người đi biển không cứu người gặp nạn trên biển"

Lê Chung |

Ngay khi nhận được điện thoại “cầu cứu” của thuyền viên trên con tàu Cửa Tùng 01, 7 ngư dân trên con thuyền 44 CV ngay lập tức thẳng tiến về phía con tàu đang gặp nạn để ứng cứu.

Như Báo GĐ&XH đã đưa tin, vào lúc 7h20 phút sáng 11/10, tàu hàng Cửa Tùng 01 xuất phát từ cảng Cửa Tùng chở theo vật liệu xây dựng và hơn 35 người ra đảo Cồn Cỏ.

Đến khoảng 10h20 phút, khi còn cách đảo Cồn Cỏ 5 hải lý thì tàu bất ngờ gặp vật cản, bị đâm thủng và chìm. Lúc này, hơn 35 người trên tàu gồm thủy thủ đoàn, người dân và công nhân vô cùng hoảng loạn.

Anh Hồ Ngọc Hiếu - lái tàu Cửa Tùng 01 vẫn nhớ như in giây phút hoảng loạn trên tàu: “Lúc phát hiện tàu gặp sự cố tôi có điện thoại cho một ngư dân là Lê Văn Hiếu cùng một số đơn vị khác đến ứng cứu.

Tàu lúc đó chìm khá nhanh, mọi người vớ vội phao, thúng thoát ra khỏi tàu rồi lênh đênh giữa sóng nước. Chẳng ai nghĩ mình được cứu sống”.

Ngư dân Lê Văn Hiếu, chủ tàu QT 21106 cho biết, anh cùng 6 ngư dân khác ra khơi câu cá quanh khu vực đảo Cồn Cỏ vào ngày 10/10 và dự định 1 tuần sau mới trở về bờ.

Sáng 11/10, khi đang câu cá cách bờ khoảng 15 hải lý thì bất ngờ nhận được điện thoại của anh Phan Văn An (thuyền viên gặp nạn) báo có sự cố.

Không chần chừ suy nghĩ, anh Hiếu lập tức cho bạn thuyền ngưng tay, thẳng tiến về phía con tàu gặp nạn với tốc độ tối đa để ứng cứu.

Đến khoảng 10h30 thì thuyền 7 ngư dân đến nơi con tàu gặp nạn, trên biển lúc này hàng chục người đang lênh đênh, hoảng loạn.

“Lúc đó họ đã quá mệt, lạnh cóng chân tay vì ngâm nước ít nhất 30 phút.

Nhiều người suýt ngất xỉu. Trong đó có một người phụ nữ lúc được cứu lên thuyền thúng chai thì còn thở nhưng sau đó vì đuối sức nên qua đời, điều đó làm chúng tôi thấy áy náy”, anh Hiếu kể lại.

Ngư dân phá lời nguyền người đi biển không cứu người gặp nạn trên biển - Ảnh 1.

Ngư dân trên thuyền cá trực tiếp cứu hộ kể lại giây phút cứu người bị nạn trên biển. Ảnh: LC

Mất gần nửa tiếng đồng hồ, chiếc thuyền câu 40 CV cùng 7 ngư dân mới vớt được tất cả người bị nạn.

Sau đó khoảng 1 tiếng, tàu của doanh nghiệp Ngọc Tuấn (chủ tàu gặp nạn) mới ra đến hiện trường để cùng giúp đỡ đưa người bị nạn vào bờ.

Ngư dân Trần Văn Tuân cho biết: “Lời nguyền người đi biển là không được cứu người gặp nạn trên biển, vì cứu là tranh cơm Hà bá. Thế nhưng lúc đó anh em chẳng suy nghĩ gì, cứu người xong anh em cũng mệt lử”.

Sau khi được ứng cứu kịp thời, toàn bộ người bị nạn trên tàu Cửa Tùng 01 đã được đưa lên bờ an toàn. Riêng nạn nhân Nguyễn Thị Huệ (53 tuổi, trú tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) được xác định đã tử vong.

Được biết, 7 ngư dân đã kịp thời ứng cứu cho tàu gặp nạn bao gồm: Lê Văn Hiếu (SN 1975) ; Đào Văn Hải (SN 1978) ; Hồ Ngọc Vĩnh (SN 1976) ; Phan Văn Đức (SN 1972) ; Trương Minh Khánh (SN 1962) ; Nguyễn Văn Tý (SN 1982) ; Trần Văn Tuân (SN 1982) cùng trú tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Với hành động dũng cảm của mình, 7 ngư dân đã nhận được những lời tuyên dương, khen ngợi của mọi người.

“UBND tỉnh sẽ tiến hành khen thưởng cho những ngư dân đã cứu người gặp nạn”, ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết.

Ngư dân phá lời nguyền người đi biển không cứu người gặp nạn trên biển - Ảnh 2.

7 ngư dân dũng cảm tham gia cứu người bị nạn trên tàu Cửa Tùng 01 sáng 11/10. Ảnh: LC

Liên quan đến sự cố chìm tàu, theo tìm hiểu được biết tàu Cửa Tùng 01 là tàu chở hàng, theo quy định chỉ được cấp phép vận chuyển hàng hóa, vật liệu từ cảng Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ với một số lượng người nhất định.

Tuy nhiên tại thời điểm gặp nạn lại có hàng chục người.

Trao đổi với báo chí, thượng tá Nguyễn Huy Thỏ - Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cho biết: “Trọng tải vận chuyển chuyến hàng của tàu Cửa Tùng 01 là 300 tấn.

Xác định, tàu này là tàu chở hàng nhưng lại chở hành khách là vi phạm. Khi các lực lượng chức năng kiểm tra để cấp thủ tục hành trình, tàu này có đầy đủ giấy tờ và cho xuất bến. Số người bị nạn có thể do họ trốn lên tàu sau khi tàu đã xuất cảng”.

Theo ông Thỏ, Biên phòng có trách nhiệm kiểm tra thủ tục hành trình, còn về việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu thì đơn vị chủ tàu có hợp đồng với các đơn vị xây dựng ở đảo Cồn Cỏ.

Trong khi đó, Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn - Phó phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị lại cho rằng, việc tàu đăng kí chở hàng nhưng lại chở thêm hàng chục hành khách, trách nhiệm thuộc Bộ đội biên phòng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại