Ngư dân miền Trung tiếp tục ra khơi

V.LONG - Đ.LAM |

Tuy số lượng hải sản bán ra không lớn như trước nhưng người dân đã bớt lo sợ hơn.

Ngày 29-4, tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, nhiều tàu thuyền của ngư dân đã bắt đầu ra khơi.

“Những chuyến tàu này chủ yếu đi trong ngày và chỉ đánh bắt cách bờ khoảng 10 hải lý nên tiền xăng dầu chỉ khoảng 1 triệu đồng/chuyến.

Nếu trừ chi phí, mỗi ngư dân sẽ kiếm được 1 triệu đồng/ngày. Với khoản tiền đó vào những lúc khó khăn như hiện nay là rất quý…” - ngư dân Nguyễn Văn Nam nói.

Anh Nam cho biết hiện nay tôm, cá đánh bắt về khó bán. Do vậy anh Nam cùng 10 ngư dân khác giong thuyền ra khơi lặn biển để bắt sò bán. Hiện mỗi ký sò lụa bán được 170.000 đồng, còn sò lông khoảng 15.000 đồng.

Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Hà Tĩnh), cũng cho hay hiện nhiều tàu thuyền ở cảng vẫn ra khơi đánh bắt hải sản, chủ yếu là lặn sò.

Ngư dân cũng đánh bắt cá, tôm nhưng với số lượng hạn chế, chủ yếu bán thăm dò cho các tiểu thương. “Hiện một số tiểu thương đã bán được hải sản cho người dân nhưng số lượng ít hơn trước đây” - ông Sơn nói.

Chị Nguyễn Thị Hằng, tiểu thương chợ Thạch Kim, cho biết hiện nay giá sò giảm hơn trước khoảng 50.000 đồng/kg nhưng vẫn bán được.

“Nhiều người vẫn mua ăn nên ngư dân và tiểu thương đều có thu nhập từ biển. Dù không bằng trước đây nhưng có được vài trăm ngàn mỗi ngày lúc này là quý lắm rồi” - chị Hằng nói.

Chị Hoàng Ngọc Bình, chủ cơ sở đông lạnh xã Thạch Kim, cho biết hiện nay cửa hàng chị vẫn bán cá thu và mực cho các tiểu thương, người dân. Tuy số lượng bán ra không lớn như trước nhưng người dân đã bớt lo sợ hơn.

Tại Thừa Thiên-Huế, hiện một số ngư dân ở vùng biển Phú Vang cũng đã bắt đầu ra khơi đánh cá.

Ông Nguyễn Thạnh cho biết người dân vùng biển sống nhờ biển nên không thể bỏ biển: “Hiện ngoài vùng biển Hoàng Sa tôm, cá rất nhiều nên tôi cũng tranh thủ ra khơi.

Dù biết giá giảm so với trước nhưng kiếm được đồng nào hay đồng ấy, còn hơn ở nhà ngồi không”.

Hàng chục tấn gạo đã đến tay ngư dân

Ngày 29-4, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trích 500 triệu đồng để mua gạo hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng và các ngư dân ở huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh bị thiệt hại do cá chết.

Chiều cùng ngày, các ngư dân có tàu đang phải nằm bờ và các hộ gia đình chính sách, người nghèo ở những xã vùng ven biển Kỳ Xuân, Kỳ Phú và Kỳ Khang (Kỳ Anh) đã được nhận gạo.

Mỗi ngư dân vùng bị ảnh hưởng trực tiếp được hỗ trợ 15 kg gạo/khẩu/tháng (trong thời gian 45 ngày). Tổng số gạo tỉnh đã phát là hơn 127 tấn.

Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh cũng hỗ trợ cho thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh 750 triệu đồng để hỗ trợ cho các tổ chức và hộ dân nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại.

Hà Tĩnh: Cá chết rải rác dạt vào bờ

Trong ngày, tại các vùng biển Cương Gián, Xuân Hội, Xuân Liên, Xuân Thành, Xuân Trường, Xuân Yên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tiếp tục xuất hiện rải rác xác cá trôi dạt vào bờ biển. Trong đó, chủ yếu là cá sạo có trọng lượng 0,5-1,5 kg/con và cá đù có chiều dài 10-20 cm.

Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã chỉ đạo cơ quan chức năng trong tỉnh tiếp tục theo dõi, lấy mẫu phân tích hiện tượng cá chết.

“Người dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm; thận trọng với việc bơm nước biển vào các hồ nuôi trồng thủy sản. Những hộ dân bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ” - ông Sơn đề nghị.

Tại chợ TP Hà Tĩnh, ngày 29-4, một số người đi chợ đã bắt đầu chọn mua tôm, cá biển tươi để ăn. Tuy nhiên, hải sản đã rớt giá 30%-50% so với trước khi xuất hiện hiện tượng cá chết.

ĐẮC LAM

Đà Nẵng đối thoại với ngư dân, tiểu thương bán cá

Chiều 29-4, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng tổ chức gặp mặt các tiểu thương, chủ vựa, thương nhân, chủ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá… để bàn hướng giải quyết đầu ra cho cá.

Tại cuộc gặp, nhiều ngư dân, tiểu thương bán cá cho hay tình hình cá chết vừa qua khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng. Cá đánh bắt về rất khó bán.

Do đó chính quyền cần có biện pháp hỗ trợ. “Đề nghị địa phương hỗ trợ, mời báo chí ra tại tàu quay phim, chụp ảnh quá trình đánh bắt cá để mọi người an tâm” - tiểu thương Nguyễn Thị Cầm nói.

Ghi nhận ý kiến của bà con, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng trước mắt bà con phải có bảng giới thiệu về xuất xứ của cá để người dân yên tâm.

“Đề nghị bà con chịu khó kê khai hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ hải sản của mình. Nếu làm được như vậy thì sẽ làm cho người dân yên tâm hơn khi mua hàng.

Chi cục sẽ cung cấp mẫu kê khai nguồn gốc” - ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng, cho hay.

LÊ PHI

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại