Phá thế tàu vây
Dọc các làng biển miền Trung, việc cấm biển của Trung Quốc chẳng làm cho ngư dân nao núng.
Ông Bùi Thanh Ninh (60 tuổi, trú xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn - Bình Định), Tổ trưởng Tổ đội khai thác với 16 tàu, tổng công suất hơn 8.000 CV đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa nhấn mạnh: Biển cả quê hương là nhà, ngư dân phải có trách nhiệm giữ gìn biển như giữ nhà.
Nhớ năm 2015, tàu cá BĐ 96617 TS trong đội tàu ông Ninh do ông Nguyễn Sinh (huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng cùng 13 ngư dân đang hành nghề trên vùng biển chủ quyền Việt Nam bất ngờ bị tàu sắt Trung Quốc đâm hư hỏng ca bin và thân tàu.
Sự việc được báo cáo với cơ quan chức năng. Con tàu BĐ 96617 TS quay trở về đất liền sửa chữa và tiếp tục những hải trình đánh bắt ngay sau đó.
Trên cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), ngư dân Lê Quang Thông (trú Thăng Bình, Quảng Nam) cùng bạn tàu đưa từng con cá ngừ đại dương “khủng” lên khỏi hầm đá.
Theo ông Thông, chuyến này đi hơn 1 tháng và bắt được sản lượng cá khá nhiều.
"Vào thời điểm này, Cục Kiểm ngư tăng cường hoạt động hướng dẫn ngư dân xử lý nhanh trước những tình huống cụ thể phát sinh trên biển.
Ngư dân cần liên lạc ngay với lực lượng kiểm ngư, lực lượng chức năng liên quan. Một điều quan trọng nữa đó là ngư dân cần đi khai thác thủy sản theo tổ đội để khai thác, hỗ trợ cho nhau hiệu quả nhất."
Ông Hà Lê-Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư
“Đợt này nhiều cá lớn, chắc anh em chia được nhiều tiền”, ông Thông nói vội khi vác cá cho lên cầu cảng, đồng thời khẳng định: “Chủ tàu đang đi lấy lương thực, nhu yếu phẩm để vài ngày nữa lại ra khơi. Lệnh cấm của Trung Quốc là phi nghĩa với chúng tôi”.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cho biết, năm nay Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá sớm hơn mọi năm (tháng 5 thay vì tháng 7).
Hội Nghề cá Việt Nam đã ra văn bản cực lực phản đối lệnh cấm của Trung Quốc.
"Trung Quốc không có quyền cấm đánh bắt cá trên vùng biển rộng lớn, không phải vùng biển chủ quyền của họ.
Đối với Việt Nam, lệnh cấm không có hiệu lực về mặt pháp lý nên ngư dân tiếp tục bám biển trên những vùng biển quen thuộc của mình", ông Lĩnh khẳng định.
Tương trợ nhau trên biển
Theo ông Lĩnh, Hội Nghề cá Đà Nẵng phối hợp Bộ đội Biên phòng khuyến cáo ngư dân hạn chế hành nghề ở những vùng biển nhạy cảm như gần quần đảo Hoàng Sa, vùng chồng lấn ở Vịnh Bắc bộ… để tránh trường hợp tàu cá, tàu chấp pháp của Trung Quốc gây áp lực, truy đuổi, cướp ngư lưới cụ của ngư dân.
Các tàu cũng cần đi thành tổ đội để kịp thời hỗ trợ nhau. Ngoài ra, Hội Nghề cá Việt Nam đã kêu gọi lực lượng chấp pháp Việt Nam kịp thời có mặt trên biển để can thiệp, giúp đỡ ngư dân phòng tránh những hành động thô bạo của tàu Trung Quốc, giữ an toàn tính mạng, tài sản.
Về phía ngư dân, ông Bùi Thanh Ninh cho hay, tàu thuyền đi theo tổ đội, cùng đánh bắt và hỗ trợ an toàn nhau trên biển.
Giờ đội có nhiều tàu lớn, làm nhiệm vụ "cảnh giới" cho nhau vừa bớt lo thiên tai vừa chủ động ứng phó với nhân tai.
Thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá BĐ 91277TS (công suất hơn 1.000CV) Nguyễn Chí Thành khẳng khái: Nhiều năm hành nghề trên biển, không ít lần bị tàu Trung Quốc đe dọa nhưng anh em ngư dân động viên nhau kiên quyết bám ngư trường truyền thống.
"Nhiều lần chúng tôi đang đánh bắt bị tàu Trung Quốc lao đến dọa đâm, thậm chí tháo bạt giương súng uy hiếp, gặp nhiều cũng thành quen, anh em bản lĩnh hơn.
Mỗi lần ra khơi, không chỉ vì kế sinh nhai mà còn vì gắn bó với biển bao năm, biển trở một phần máu thịt.
Về nhà mà nhớ cái nắng cháy rát, nhớ cái gió mằn mặn của biển phả vào người", anh Thành bộc bạch.