Biến đất công viên, cây xanh thành khách sạn, biệt thự
Thị trấn Tam Đảo 1 có tổng diện tích tự nhiên là 214,87ha, hiện có 92 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với tổng số 1.700 phòng. Thị trấn có hơn 80% số dân phát triển du lịch dịch vụ. Đánh giá của Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc là đơn vị tư vấn lập Quy hoạch chung cho thấy: Khu vực trung tâm thị trấn (tổ dân số 1) có mật độ xây dựng tương đối cao (45-50%), khu vực tổ dân số 2 có mật độ thấp hơn (15-20%). Các công trình cao tầng chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thị trấn với tầng cao từ 1 - 7 tầng.
Bưng bít thông tin
Sau nhiều lần liên hệ làm việc trực tiếp với UBND thị trấn Tam Đảo, Huyện ủy, UBND huyện Tam Đảo, PV Tiền Phong đều bị "từ chối khéo". Mặc dù đã nêu rất rõ nội dung và thực hiện các quy trình thủ tục theo yêu cầu nhưng các cơ quan nêu trên đã không cung cấp thông tin theo đề nghị của báo Tiền Phong về xử lý vi phạm trật tư xây dựng và quản lý đất đai tại thị trấn Tam Đảo.
Vì sao khu trung tâm thị trấn Tam Đảo có mật độ xây dựng lớn như vậy? Theo tài liệu của PV Tiền Phong thu nhập được, ngày 12/7/2013, ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định 1799 điều chỉnh quy hoạch phê duyệt năm 2006 theo hướng tăng mạnh diện tích xây dựng khu vực trung tâm, cắt giảm diện tích công viên, cây xanh, mặt nước. Đáng chú ý, tại quyết định này đã “nhồi” thêm 6.876m2 đất khách sạn và 2.320m2 đất biệt thự và cắt giảm đất cây xanh, mặt nước từ 12.251m2 xuống chỉ còn 8.829m2. Các diện tích công cộng khác cũng bị cắt giảm bởi quyết định điều chỉnh này.
Đây cũng là lý do “khai sinh” ra tổ hợp khách sạn Grand Victory Hotel quy mô đất lên tới 6.876m2, cao đến 13 tầng nổi và 1 tầng hầm do Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Tam Đảo (thuộc VCI group) làm chủ đầu tư đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng. Cũng cần nói thêm diện tích khu trung tâm thị trấn chỉ vỏn vẹn có 21.530m2, bao gồm cả đất giao thông, hạ tầng.
Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra lấy ý kiến mới đây cho thấy: Quy mô xây dựng và dân cư tiếp tục được tăng mạnh. Định hướng phát triển khu vực thị trấn Tam Đảo thành khu du lịch cấp tỉnh với quy mô sử dụng đất khoảng 300ha, quy mô du khách khoảng 300.000 lượt khách lưu trú/năm. Đất ở hiện trạng 12,46 ha, quy hoạch đất ở mới tăng thêm 7,25 ha.
Cụ thể về không gian kiến trúc, thị trấn Tam Đảo được chia làm 9 khu vực để tổ chức và quản lý không gian kiến trúc. Trong đó, khu công viên trung tâm là “trái tim” của du lịch Tam Đảo với định hướng là khu thấp tầng, mật độ xây dựng thấp. Khu vực 2 là khu công viên sinh thái, vui chơi giải trí. Bao gồm: Tổ hợp bãi đỗ xe, cây xanh phân tầng và bãi đỗ xe thông minh kết hợp khu đường dạo ven hồ và khu cây xanh sinh thái. Đặc biệt khu vực số 3 được định hướng là khu dịch vụ thương mại cao tầng, cho phép những công trình có tầng cao tối đa đến 15 tầng.
Thực tế, theo nhiều chuyên gia quy hoạch, việc thay đổi xây dựng và cảnh quan khu trung tâm thị trấn gần như bất khả thi vì công trình xây dựng, nhà cao tầng đã lấp đầy, quỹ đất gần như không còn nên cần xem lại tính khả thi của đề án quy hoạch này.
Chiều cao tối đa chỉ nên 9 tầng!
Phối cảnh dự án Grand Victory Hotel
Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: “Tôi đã xem những nội dung của dự thảo Quy hoạch thị trấn Tam Đảo đến năm 2030 nhận thấy nếu đất ở mà chiếm đến hơn 30% là quá lớn đối với một khu du lịch sinh thái như Tam Đảo. Quy hoạch phải khai thác được lợi thế về cảnh quan, phải đảm bảo hài hòa với kiến trúc Pháp tại đây. Thực tế những năm vừa qua, bộ mặt kiến trúc tại Tam Đảo rất lộn xộn và thiếu bản sắc. Không gian công cộng bị thu hẹp”.
Cũng theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, có rất nhiều bài học khi quy hoạch phố cổ Hà Nội, Hội An mà tỉnh Vĩnh Phúc cần nghiên cứu tham khảo, rút kinh nghiệm. Ngay như phố cổ Hà Nội, số lượng công trình phải bảo tồn ngày càng tăng lên. Tại Tam Đảo cũng vậy, khi những công trình mà người Pháp xây dựng cách đây cả thế kỷ được quan tâm hơn thì giá trị của khu du lịch Tam Đảo cũng được phát triển hơn.
Các khu vực phát triển mới của Tam Đảo cần đặc biệt chú ý. “Trong đề xuất quy hoạch Tam đảo cho phép xây dựng cao ốc lên đến 15 tầng là quá cao. Theo tôi không nên vượt quá 9 tầng để giảm thiểu tác động đến cảnh quan thiên nhiên, không lấn át thiên nhiên và điều quan trọng nữa là mới có thể phù hợp với điều kiện hạ tầng tại đây về xử lý chất thải, giao thông…Du khách đến với Tam Đảo là vì khí hậu đặc biệt, cảnh quan thiên nhiên và vì vậy phải đặc biệt bảo vệ các yếu tố này”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến.
Hàng loạt công trình quy mô lớn đang tiếp tục triển khai tại thị trấn Tam Đảo gây quá tải nghiêm trọng về hạ tầng
Đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị VN cho rằng: Trước hết phải nhận rõ vị thế của khu du lịch Tam Đảo. Đây là khu du lịch hiếm có ở Việt Nam, có giá trị rất lớn về kiến trúc, cảnh quan. Ngay từ thời Pháp những năm đầu thế kỷ 20 đã rất quan tâm xây dựng khu vực này thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị của các kiến trúc Pháp tại Tam Đảo, các di tích lịch sử. Điều này tạo ra nét riêng cho Tam Đảo. Tam Đảo chứa đựng bên trong những di sản do người Pháp để lại, gắn với lịch sử một thời.
Quy hoạch, xây dựng mới các công trình tại đây phải hài hòa với kiến trúc mà người Pháp để lại. Trong những công trình mà người Pháp để lại cho thấy sự đặc sắc cả ở giải pháp kiến trúc cho đặc trưng khí hậu của Tam Đảo. Đây là điều cần được nghiên cứu, tổng kết và áp dụng.
Ai hưởng lợi từ "bê tông hóa" Tam Đảo?
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: Việc để nhà đầu tư "dẫn dắt cho hoạt động xẻ núi, san nền, bê tông hóa" là những biến tướng rất nguy hiểm. Không ai dám đảm bảo khi có những biến đổi địa tầng, sẽ không xảy ra một thảm họa như ở tỉnh Quảng Nam vừa qua.
KTS Tùng nhận định, trách nhiệm thuộc về UBND thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo và cao hơn nữa là UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, cần có thanh tra làm rõ về những vấn đề xây dựng, quy hoạch tại đây. "Mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật, không thể biến pháp luật thành công cụ chở che cho một nhóm người làm giàu và phá cảnh quan Tam Đảo", KTS Phạm Thanh Tùng nói.