Ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ, chỉ có những người thầy "cõng" được chữ ngược ngàn

Hạnh Linh |

(Tổ Quốc) - Trường TH-THCS Cao Sơn trên đỉnh Phà Hé hơn 17 năm qua chưa một từng có một giáo viên nữ. Chỉ những thầy giáo chịu gian khổ mới bám trụ được nơi đây

Vượt qua hành trình dài với nhiều con dốc thẳng đứng bên những vách núi đá cheo leo, trường TH-THCS Cao Sơn hiện ra trước mặt chúng tôi. Thời điểm chúng tôi có mặt đang là buổi trưa, nhưng mây vẫn bao phủ ngôi trường này. Giữ rừng núi thâm u, chỉ nghe tiếng đọc, giảng bài phát ra từ lớp những lớp học.

Những người thầy "cõng" chữ ngược ngàn

Cao Sơn là tên gọi chung của 3 bản Son - Bá - Mười thuộc xã Lũng Cao (Bá Thước, Thanh Hóa). Các bản này nằm trên đỉnh dãy Pha Chiến, Phá Hé, Pòng Mứu, Pòng Pa Có,... chạy song song với dãy núi Pù Luông và tọa lạc ở độ cao gần 1.200m so với mực nước biển. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái Đen.

17 năm gắn bó với ngôi trường giữa đại ngàn Pù Luông hùng vĩ, thầy Trần Ngọc Hải hãy còn nhớ như in ngày đầu đến với vùng đất này. Thầy Hải kể: "Mất khoảng 5 giờ băng rừng, vượt núi với những vách đá cheo leo dựng đứng tôi cũng đến được Cao Sơn. Đến đây, trời đã tối, không có điện, không sóng điện thoại, chung quanh chỉ là tiếng kêu của muông thú".

Cao Sơn ngày ấy là những ngôi nhà sàn đơn sơ được phủ trong những lớp sương mù dày đặc. Cao Sơn nghèo khó vô cùng với nhiều cái không: Không đường, không điện, không trường lớp, không sóng điện thoại với khoảng 90% là hộ nghèo.

Dù cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng nơi rẻo cao này, con em đồng bào Thái lại rất chăm học. Có những em phải băng rừng, lội suối hơn 3 giờ đồng hồ đến tứa cả máu chân mới có thể đến được điểm trường ở huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) để học.

Cảnh học sinh leo ngược dốc đá, núi cao ở đại ngàn Pù Luông sang Tân Lạc (Hòa Bình) đi học được chấm dứt kể từ khi Cao Sơn mở lớp học cho các em học sinh lớp 6, 7, 8 vào năm 2005.

Đây cũng là thời điểm thầy Hải lên tiếp quản các lớp học. Lớp học được dựng lên là mái tranh còn tường che chắn bằng những tấm tre đan.

Tuy nhiên, thời tiết băng giá nên mỗi mùa đông về, nhiều em học sinh phải quấn chăn đi học. Mỗi lần muốn dùng phấn viết lên bảng phải đốt lửa hong khô lên mới viết được.

Nhớ về thời điểm xây trường, thầy Hải kể, lần ấy, chính quyền đã vận động người dân toàn xã Lũng Cao, trong đó chủ yếu là người dân ở Cao Sơn xây dựng một ngôi trường đủ ấm cho thầy trò ở Cao Sơn.

Lúc đó, người già hay người trẻ đều quyết tâm, dù mỗi lần mất nửa ngày mới đưa được vài viên đá, gạch hay bao cát, xi măng cũng quyết xây dựng trường học. Khoảng nửa năm sau, những phòng học kiên cố đầu tiên trên đỉnh Pha Hé đã dần thành hình trong niềm vui khôn xiết của thầy trò và người dân nơi đây.

Sinh ra và lớn lên tại xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, năm 2020, sau khi tốt nghiệp khoa Sư phạm Tiểu học - Trường Đại học Hồng Đức, thầy Hà Quang Linh (29 tuổi) về trường TH-THCS Cao Sơn công tác với hy vọng đóng góp sức mình cho sự nghiệp giáo dục quê nhà. Thầy Linh cũng là người trẻ tuổi nhất ở ngôi trường này.

"Ở Cao Sơn giờ đã ít khó khăn hơn 3 năm về trước, song vẫn là còn nhiều cái khó. Nếu không có tình yêu nghề thì không thể làm nghề "gõ đầu trẻ" nơi rẻo cao này được" - thầy Linh chia sẻ.

Ngôi trường chỉ có thầy, không có giáo viên nữ

Thầy Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng trường TH-THCS Cao Sơn thông tin, trường được thành lập đến nay 14 năm nhưng tính cả lớp học ở khu lẻ đã là 17 năm. Có 42 lượt giáo viên đã về trường giảng dạy.

Nhà trường hiện có 13 giáo viên biên chế, 3 giáo viên biệt phái, một giáo viên liên trường và một giáo viên thỏa thuận hợp đồng. Các thầy giảng dạy ở tại trường thì một tuần mới về một lần, còn có thầy nhà ở xa thì cả tháng mới về một lần. "Đây có lẽ là ngôi trường "đặc biệt" nhất ở Việt Nam vì suốt gần 17 năm qua, chưa có một giáo viên nữ nào đến giảng dạy" - thầy Tài nhấn mạnh.

Lý giải về việc không có giáo viên nữ, thầy Tài cho rằng đường lên Cao Sơn quá xa xôi, cách trở. Mặc dù những năm gần đây, chính quyền đã mở đường, xóa đi khoảng cách biệt lập với Trung tâm xã Lũng Cao với Cao Sơn. nhưng đường xuống cấp và đèo dốc khiến cho việc đi lại còn khó khăn.

Khi về nhà, các thầy chủ yếu mang đồ khô từ dưới xuôi lên như cá khô, lạc, thịt băm muối... Để có những bữa ăn có chất hơn thì các thầy tăng gia thêm nhờ nuôi gà, vịt, trồng rau xanh...

Toàn trường hiện có 59 học sinh Tiểu học và 67 học sinh Trung học cơ sở, đa số là người dân tộc Thái.

"Với các thầy việc chia sẻ những điều tế nhị với học sinh nữ là rất khó vì ở tuổi dậy thì, tâm sinh lý của chính các em cũng có sự thay đổi rất nhiều. Vì thế, nếu có giáo viên nữ đến trường giảng dạy, hướng dẫn nắm bắt tâm sinh lý, chia sẻ cho các em thì sẽ tốt hơn các thầy rất nhiều" - thầy Tài cho biết.

Theo thầy Tài, kể từ khi có đường điện nối lên bản vào tháng 12-2021, cuộc sống của người dân ở Cao Sơn có nhiều thay đổi, thoát khỏi cảnh đèn dầu. Học sinh có điện để học, thầy cô được sử dụng máy tính để soạn giáo án. Những năm trở lại đây, ở Cao Sơn cũng đã có nhiều em đỗ đại học, trong đó có những em đã ra trường là kỹ sư nông nghiệp…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại