"...Một năm sau, tôi từ bỏ cái nghề đã giúp tôi kiếm được nhiều tiền nhưng bị xếp vào dạng bất hợp pháp đó", nghệ sĩ Huỳnh Kiến An nhớ lại khoảnh khắc đau lòng xảy ra với anh vào thập niên 1990.
Chịu thiệt thòi vì đấu tranh cho đồng nghiệp
Huỳnh Kiến An sinh ra tại Sài Gòn trong gia đình gốc Hoa ở quận 11. Gia đình anh có truyền thống làm nghề thuộc da, may và kinh doanh túi xách. Thông thường những người Việt gốc Hoa thích chọn nghề buôn bán, thay vì dấn thân nghệ thuật. Thế nhưng ngay từ nhỏ Huỳnh Kiến An nuôi giấc mộng làm ca sĩ.
Năm 1975, anh tình nguyện vào phường đội. Đến năm 1976, anh chính thức vào quân đội. Vài năm sau, anh chuyển sang lực lượng thanh niên xung phong đi lao động tại vùng Hậu Giang. Hai năm sau anh giải ngũ. Lúc này giấc mơ ca sĩ trỗi dậy. Anh về Sài Gòn tham gia phong trào văn nghệ quần chúng tại quận 11.
Thời điểm đó đạo diễn Nguyễn Minh Chung là người giữ vai trò đạo diễn nhiều chương trình. Huỳnh Kiến An được đạo diễn Minh Chung chọn vào đóng kịch và cả ca hát. Nhờ vậy, ông nhận ra chàng thanh niên Huỳnh Kiến An có giọng nói rất truyền cảm và gợi ý anh nên tìm cách đi xa hơn trên con đường nghệ thuật.
Ít lâu sau, anh được tin Đoàn Ca nhạc nhẹ Sài Gòn, một đoàn mạnh thời điểm đó, tuyển chọn ca sĩ. Anh lập tức đăng ký. Huỳnh Kiến An nhớ lại: "Đợt thi tuyển ấy có 1.000 người đăng ký dự thi, nhưng cuối cùng đoàn chọn 3 người. Tôi chính là người đạt điểm cao nhất trong đợt tuyển chọn ấy".
Nhờ từng là bộ đội xuất ngũ, cộng với chất giọng trầm ấm rất truyền cảm Huỳnh Kiến An được bầu vào vị trí tổ trưởng tổ ca sĩ của Đoàn Ca nhạc nhẹ Sài Gòn. Lúc đó Nguyễn Hưng đang nổi tiếng với các ca khúc "Hãy yên lòng mẹ ơi", "Đôi mắt" còn Lê Tuấn là ngôi sao bắt đầu khẳng định vị trí nhưng cả hai vẫn thuộc sự quản lý của Huỳnh Kiến An.
Với vai trò tổ trưởng, Huỳnh Kiến An hết lòng che chở và bảo vệ các ca sĩ trong đội khi họ bị đối xử thiên vị hoặc ức hiếp. Hành động này đặt anh vào vị trí đối đầu với lãnh đạo và kết quả là anh hát gần 7 năm cho đoàn nhưng không được vào biên chế mà vẫn ở dạng cộng tác viên.
Đây cũng là lý do mà anh thường bị bỏ lại mỗi khi Đoàn Ca nhạc nhẹ Sài Gòn đi trình diễn nước ngoài. Có lần anh em trong đoàn trình diễn suốt 6 tháng, anh phải ở nhà mà không nhận được bất cứ chế độ nào. Vì đói nên đầu gối phải bò, anh quyết định xin hát tại các tụ điểm tư nhân bắt đầu xuất hiện như 126, Nhà thi đấu Phú Thọ, Trống Đồng...
Cầm đồng tiền xăng xe mà rơi nước mắt
Theo Huỳnh Kiến An, thái độ cư xử cạn tình ấy chính xác là sự đuổi khéo của người có quyền lực trong đoàn. Anh dù rất buồn nhưng chấp nhận. Lúc này, anh đã lập gia đình nên ngoài đam mê thì trách nhiệm người cha buộc anh phải dẹp lòng tự ái, kiếm tiền nuôi sống vợ con.
Huỳnh Kiến An lấy nước mắt người xem trong vai ông Bảy Rắn phim "Cù lao lúa".
Dù là ca sĩ chuyên nghiệp của đoàn nhà nước nhưng các tụ điểm tư nhân có luật chơi riêng, hay nói cách khác là gu phục vụ khán giả riêng. Thế nên anh xin đầu quân về các sân khấu này, ông bầu chỉ cho anh hát lót.
Trong khi đó Lê Tuấn đang là ngôi sao ca nhạc số một của đời sống âm nhạc ngoài môi trường nghệ thuật trực thuộc nhà nước. Trước đó, Lê Tuấn không chấp nhận cách quản lý của Đoàn Ca nhạc nhẹ Sài Gòn nên xin nghỉ, thành ca sĩ tự do.
Một đàn anh được đánh giá cao năng lực nhưng về sau lại trở thành ca sĩ vô danh so với đàn em, quả là một nỗi buồn quá lớn!
Càng đau hơn khi anh phải chấp nhận kiếp ca sĩ hát lót. Ai đã từng trải qua hoàn cảnh này sẽ biết được cảm giác bẽ bàng. Huỳnh Kiến An cũng vậy!
Có khi anh đến trước giờ sân khấu mở màn, nhưng chờ chực đến gần hết giờ mới được ra hát một bài. Có những đêm diễn quá nhiều ca sĩ hội tụ, anh không được hát.
Dẫu vậy Huỳnh Kiến An vẫn chưa nguôi niềm đam mê ca hát. Anh vẫn không nghĩ mình sẽ tìm một công việc gì khác để làm thay nghiệp cầm ca. Hằng đêm anh vẫn đạp xe từ nhà đến các tụ điểm chờ được hát.
Nhưng rồi đến một lúc, anh quyết định dừng cuộc chơi.
Huỳnh Kiến An nhớ lại: "Vào mùa mưa các sân khấu thường hay trả vé không phục vụ. Nhưng ca sĩ nào có mặt đều được trả tiền xăng xe xem như động viên. Vào một đêm diễn, lúc ở nhà, tôi đã thấy trời chuyển mưa vần vũ. Biết là sẽ mưa nhưng tôi vẫn cố đạp xe đến tụ điểm chỉ để được lãnh tiền xăng xe.
Hiện tại, khi cuộc sống kinh tế đã ổn định, anh đi hát cho vơi nỗi nhớ thời theo nghiệp ca sĩ.
Lý do là vì lúc đó con tôi mới sinh nhưng nhà cạn tiền. Nếu không có khoản tiền đó, ngày mai con tôi sẽ đói. Tôi nhận tiền xong, đạp xe về nhà trong mưa mà lòng thấy ê chề và nhục nhã. Tôi thấy cuộc đời ca sĩ của mình sao hèn quá. Từ đêm đó tôi quyết định bỏ nghề hát".
Bị công an triệu tập vì tội thuyết minh phim lậu
Sau khi bỏ nghề hát, Huỳnh Kiến An bắt đầu công việc bỏ mối túi xách. Nghề này giúp anh có tiền nuôi vợ con. Làm việc chăm chỉ một thời gian, anh tích lũy một số vốn đủ để mở một tiệm cho thuê và sang băng video.
Huỳnh Kiến An kể: "Vào giữa thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, phim video Hồng Kông và Đài Loan rất được khán giả Việt Nam yêu thích. Nhưng tại Việt Nam chưa có đơn vị nào nhập phim chính thức nên hầu như tất cả đều được mang về qua đường nhập lậu.
Các chủ lò nào có phim gốc trước sẽ thuê người chuyển ngữ tiếng Việt và thuê thêm người đọc thuyết minh. Sau đó, sang thành nhiều cuốn bán ra thị trường. Đây là cái nghề kiếm được nhiều tiền. Một chủ lò biết tôi có giọng nói truyền cảm, biết cả tiếng Hoa nên thuê tôi vừa dịch phim vừa thuyết minh.
Tôi làm cùng lúc hai việc nên thời gian hoàn thành một bảng phim nhanh hơn người khác. Bên cạnh đó, nhờ giọng thuyết minh của tôi truyền cảm nên nhiều chủ lò tìm đến nhờ dịch và thuyết minh. Nhờ vậy mà tôi kiếm tiền rất nhiều".
Công việc dịch và thuyết minh phim Hồng Kông của Huỳnh Kiến An phát đạt đến mức anh được mệnh danh là trùm thuyết minh phim Hồng Kông. Nhưng vì công việc này là không hợp pháp nên chính anh cũng nhận ra sẽ có ngày mình sẽ gặp vấn đề với cơ quan chức năng.
Điều đó đã đến. Vào một buổi sáng cách đây nhiều năm, công an ập vào nhà và đọc lệnh khám xét vì anh vi phạm luật. Tất cả băng từ và đồ nghề của anh bị niêm phong và tịch thu. Lúc đó con trai lớn của anh học lớp một.
Cậu bé chứng kiến toàn bộ sự việc trong hoảng loạn. Huỳnh Kiến An thấy rõ ánh mắt đó và anh thấy lòng quặn đau.
Sau đó, anh phải làm việc với công an nhiều lần. Những người có trách nhiệm điều tra anh nhận ra toàn bộ những phim anh lồng tiếng và chuyển ngữ điều thuần túy giải trí, không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Anh chỉ bị cảnh cáo, phạt tiền chứ không bị giam giữ. Từ đó, anh bỏ hẳn nghề thuyết minh phim Hồng Kông.
Bén duyên điện ảnh nhờ gương mặt gian và dê
Huỳnh Kiến An dùng số tiền mình tích lũy được mở một studio chụp hình, trang điểm và cho thuê áo cưới. Trước đó, anh đã thọ giáo nghề chụp ảnh từ một tiền bối tên tuổi. Nhờ có sẵn óc thẩm mỹ nên anh tiếp thu rất nhanh, chụp hình rất đẹp. Bà xã anh chuyên trang điểm. Cả hai hợp sức nên studio An Vy của anh rất đông khách.
Từ tay nghề chụp hình có tiếng, đạo diễn Minh Chung đã mời Huỳnh Kiến An theo chụp hậu trường phim cổ tích "Nàng Xuân Hương" do ông đạo diễn, Phương Nam film đầu tư. Địa điểm quay tại Long An. Lúc đó, vai quan huyện Thạch được giao cho Minh Nhí. Vì Minh Nhí bận việc riêng nên bỏ cuộc bất ngờ.
Gia đình nhỏ của nghệ sĩ Huỳnh Kiến An.
Đạo diễn Minh Chung gọi nhiều nghệ sĩ hài khác thay vai nhưng không ai nhận lời. Trong lúc túng cùng, phó đạo diễn phát hiện ra gương mặt Huỳnh Kiến An có nét vừa gian, vừa dê rất giống nhân vật quan huyện Thạch.
Đạo diễn Minh Chung nhìn mặt Huỳnh Kiến An và nhớ lại ngày xưa ông từng dạy anh diễn xuất, ngay lập tức ông yêu cầu anh nhận vai.
Huỳnh Kiến An từ chối nhưng đạo diễn thuyết phục quyết liệt. Kết quả là Huỳnh Kiến An đã thể hiện quá tốt chất trào phúng nhân vật. Lúc đó, anh đã 40 tuổi. Phim được đón nhận tốt từ công chúng. Từ đó, mỗi năm anh đều được mời đóng từ 1 đến 2 phim cồ tích do hãng này sản xuất.
Trong quá trình đóng phim cổ tích, tài năng của Huỳnh Kiến An được đồng nghiệp đánh giá cao. Chính diễn viên nghệ sĩ Kinh Quốc là người đã giới thiệu Huỳnh Kiến An đến đạo diễn Châu Huế. Nhìn anh, ông giao ngay vai Sáu Tẩm trong phim "Hướng nghiệp" rất được khán giả yêu thích.
Kể từ đó, Huỳnh Kiến An liên tục nhận được lời mời vào phim cổ tích, truyền hình. Sau này anh còn được mời vào cả phim điện ảnh. Có điều rất lạ là ở phim truyền hình anh toàn đóng vai nghèo khổ và hiền. Nổi bật trong đó, vai Bảy Rắn trong phim "Cù Lao Lúa" lấy nước mắt rất nhiều khán giả.
Ngược lại, ở phim điện ảnh, anh toàn được giao vai đại gia và vai ác. Trong vai Lẫm 9 ngón của phim "Hương Ga", anh lột tả xuất sắc tính cách nham hiểm và độc ác của gã đại ca gian hồ mưu mẹo, xảo huyệt. Vai gã hầu trong phim "Cô hầu gái", cái ác của nhân vật anh thể hiện khiến người ta khiếp sợ hơn cả các cảnh ma mị.
Nghệ sĩ Huỳnh Kiến An và vợ có cuộc sống hạnh phúc mấy chục năm qua.
Nhiều đồng nghiệp đánh giá điểm nổi bật của Huỳnh Kiến An ngoài đài từ đẹp là khả năng diễn nội tâm qua ánh mắt rất biểu cảm.
Gương mặt anh không đẹp nhưng rất điện ảnh. Đặc biệt anh có thể hóa thân tự nhiên vào cả vai hiền, vai ác lẫn vai hài. Nhờ vậy, mà đến nay anh được xếp vào dạng ngôi sao U60 đắt show nhất của điện ảnh Việt.
Sau nhiều thăng trầm, phần sau của cuộc đời Huỳnh Kiến An là sự viên mãn. Dù nổi tiếng nhưng anh không cuốn theo nhịp sống phù hoa của showbiz. Sau giờ làm việc anh về nhà dành hết thời gian cho vợ con.
Tiền bạc tích lũy được anh dành cho hai con đi du học. Anh và vợ chỉ giữ lại một số ít để sống một cuộc sống nhẹ nhàng, không lệ thuộc nhiều vào vật chất.
Thi thoảng anh đi hát như tri ân khán giả của mình. Và giọng hát của anh đã khiến nhiều người tự hỏi: tại sao ngày xưa, lúc còn theo nghiệp ca sĩ, anh không nổi tiếng!
MV nghệ sĩ Huỳnh Kiến An hát trong phòng trà.