Buổi trưa, con lộ dọc theo bờ sông Tiền, gần bến phà Rạch Miễu cũ (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre) vắng người.
Dọc hai bên đường, hàng quán thưa khách. Một người phụ nữ ngồi sau thúng chôm chôm, đưa mắt nhìn ra đường. Chúng tôi ghé vào...
Câu chuyện giữa đường
- Chị ơi, chị làm ơn chỉ cho chúng tôi đường vào nhà có ngôi mộ giữa phòng khách.
Chị ngước nhìn chúng tôi, gương mặt tươi vui, thân thiện:
- Anh cứ đi thẳng chừng hơn 100m bên phải có tấm bảng ghi nhà nghỉ TM và con hẻm. Anh rẽ vào đi thêm một đoạn là gặp. Mà anh ở xa tới hả? Vụ này lâu rồi giờ này anh mới biết sao?
Chúng tôi thú thật với chị, mới được nghe vài người kể lại nên muốn đi xem cho biết. Chị nở nụ cười, '12 năm rồi anh ơi. Bây giờ bớt rồi chứ hồi đầu nhiều người tìm đến lắm. Người hiếu kỳ thì ít mà người mê tín thì nhiều. Đa số là dân cờ bạc vì nhiều lời đồn, họ tìm đến để mong một vận may ...'
Ngôi biệt thự sang trọng ở làng quê. |
Dựng xe, chúng tôi ngồi cạnh chị để xin chị kể tiếp cho nghe. Chị nói: 'Tôi là người địa phương nên biết rất rõ'. Hồi ấy, gia đình chị Hai Liên rất nghèo khổ. Cả mấy mẹ con sống trong căn nhà lá. Hàng ngày chị đi gánh cá mướn kiếm tiền về nuôi mẹ nuôi em...
Năm 18 tuổi, chị phải lòng một người chủ ghe chở cá. Hai người thành hôn, sống chen chúc cùng nhau trong căn nhà lá ấy. 3 năm sau, hai vợ chồng sang Mỹ sinh sống.
Nấm mồ giữa phòng khách |
Trên đất khách, cuộc đời chị như bước sang trang mới. Chị làm móng tay còn anh kinh doanh vật liệu trang trí nội thất. Cuộc mưu sinh ngày càng khá lên và ngoài các khoản chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, anh chị còn gửi về cho gia đình ở Việt Nam, đồng thời tích lũy thêm một khoản khác.
Cuộc sống bình ổn như thế kéo dài trong nhiều năm. 4 đứa con gái lần lượt ra đời khiến cho niềm vui của anh chị càng dâng cao.
Rồi những lần về thăm quê, chị trăn trở muốn xây dựng một ngôi nhà khang trang hơn ngay trên mảnh đất đã có quá nhiều kỷ niệm.
'Anh biết không, năm 2006 một ngôi biệt thự khá đẹp được xây dựng lên và chị Hai Liên đã về để sinh sống trong ngôi nhà này một thời gian. Lúc này, cả khu vực xã Tân Thạch có lẽ chỉ có ngôi biệt thự này là hoành tráng nhất.
Ở được 3 tháng chị Hai Liên bất ngờ phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối. Chị tức tốc về Mỹ điều trị nhưng chỉ vài tháng sau, tháng 5/2007 chị mất.
Không biết trong nhà chị tính toán thế nào mà hơn 20 ngày, sau ngày chị mất thi hài chị được đưa về và an táng ngay giữa nhà. Sau đó nhiều tin đồn lan ra, người người ùn ùn kéo đến. Nhưng cũng chỉ một vài hôm thôi, khi sự thật được làm rõ thì lượng người đến giảm đi rất nhiều'.
Chúng tôi cám ơn câu chuyện chị kể và đứng dậy xin phép để đi vào tận nơi thăm ngôi biệt thự kèm nấm mộ giữa nhà.
Ngôi mộ giữa nhà
Có lẽ trên suốt đoạn hẻm hơn 300m từ ngoài lộ vào, ngôi biệt thự này hoành tráng hơn cả. Nằm giữa khu đất có tường rào bao bọc, ngôi nhà có lối kiến trúc thiên về giả cổ với một trệt một lầu đã làm chúng tôi ngỡ ngàng.
Len qua cổng rào không khóa, chúng tôi vào trong. Cửa trước đóng. Gọi cửa, một người đàn ông trung niên bước ra chào đón chúng tôi rất lịch sự. 'Anh ở đâu đến?'. 'Sài Gòn xuống anh à. Nghe người ta đồn về ngôi nhà quá, xin anh cho phép được thăm qua'.
Người đàn ông mời chúng tôi. Thật ngỡ ngàng. Giữa căn phòng sang trọng nền lát đá, một ngôi mộ ốp đá hoa cương màu vàng nằm im lìm như chìm trong giấc ngủ.
Trên nắp mộ có dòng chữ ghi tên người quá cố Trần Thị Kim Liên cùng ngày sinh ngày mất. Ở dưới có 2 câu thơ: 'Liên ơi thôi đã thôi rồi/ Liên nay đã mất, Sen vàng còn đây' như để tiếc nuối người đã mất và 2 câu thơ cổ : 'Giai nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu'. Người ghi lại có ý ca tụng nhan sắc người trong mộ 'xưa nay người đẹp như danh tướng/không hứa để cho người đời thấy lúc bạc đầu'.
Anh Tuấn, em ruột người quá cố. |
Anh Trần Văn Tuấn (49 tuổi) người tiếp chúng tôi là em út của chị Liên. Gia đình anh đã sống trong ngôi nhà này từ nhiều năm qua. Anh cho biết, toàn bộ chi phí xây dựng ngôi biệt thự là tiền chị Liên gửi về.
'Chi phí xây ngôi nhà năm ấy (2006) lên đến 1,7 tỉ đồng. Chị Liên có ở tại đây được vài tháng rồi qua Mỹ chữa bệnh. Chị là người rất tình cảm, thương mẹ thương em. Chị từng nói, sau này nếu mất đi chị chỉ mong được chôn ngay giữa nhà để cùng ăn, cùng ở với mọi thành viên trong gia đình như khi còn sống.
Di nguyện của chị được mọi người ủng hộ nên khi chị mất, thủ tục tẩm liệm để đưa về Việt Nam rất chu đáo và được an táng ngay sau đó'.
'Chúng tôi phải thuê thợ đến cắt đá nền nhà theo kích thước mộ rồi sau đó đào huyệt. Có huyệt, chúng tôi xây kim tĩnh dày 20cm gồm đáy và 4 phía. Thi hài chị tuy đã được bảo quản rất kỹ nhưng khi đưa xuống huyệt chúng tôi vẫn bọc lại bằng 6 lớp nilong rồi đổ bê tông lên trên.
Đám tang của chị có rất đông người đến chứng kiến trong đó có cả chính quyền địa phương. Sau khi chôn cất xong, tin đồn về ma, về những hiện tượng mơ hồ tiếp tục lan truyền. Rất đông người đến nhưng khi chúng tôi xác nhận những lời đồn đại ấy vô căn cứ thì bà con ra về', anh Tuấn nói.
Anh cho biết thêm, anh sống chung với ngôi mộ chị Liên suốt 12 năm nay nhưng không hề gặp một hiện tượng lạ nào.
Môi trường vẫn tốt, người trong nhà không bị ảnh hưởng về sức khỏe và niềm vui nhất của anh là lúc nào cũng có chị Hai mình bên cạnh.
Chúng tôi hỏi anh, '4 đứa con chị có thường về thăm mẹ không?'. 'Có anh ạ, nhưng vài năm chúng về một lần. Thôi thì ai cũng vướng bận sinh kế. Chị Hai nằm đây có mình lo cho chị là được rồi', anh nói.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hiểu Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạch cho biết, căn nhà anh Tuấn đang ở là do bà Hai Liên xây dựng nên. Theo di nguyện của bà, căn này không được bán, hoặc chia mà để làm nhà thờ tổ tiên. Trước khi mất, bà yêu cầu các em phải đặt mộ mình giữa nhà để tránh những tranh chấp xảy ra. Anh Tuấn và các anh chị em trong gia đình đã thực hiện theo di nguyện của chị.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì việc đặt mộ giữa nhà không được, vì thế, phía xã đã xuống làm việc với gia đình anh Tuấn, nhưng gia đình trả lời theo di nguyện của người quá cố. Một phần, gia đình anh Tuấn cũng đã cam kết giữ vệ sinh, đảm bảo an ninh nên được chính quyền tạo điều kiện.
Ông Nhựt cũng cho biết, thời gian qua, chính quyền nhiều lần xuống kiếm tra thì gia đình anh Tuấn đã tuân thủ những yêu cầu của xã. ‘Hiện gia đình anh Tuấn đã đổ bê tông quanh ngôi mộ, dọn vệ sinh thường xuyên’, ông Nhựt nói.