Mourinho "ngồi mát ăn bát vàng"
19,6 triệu bảng là con số cuối cùng trong thỏa thuận giữa Jose Mourinho và Man United, liên quan đến vụ sa thải ngay trước Giáng sinh 2018.
Gần như toàn bộ số tiền này chảy vào tài khoản ngân hàng của Mourinho, khi Man United vẫn giữ các thành viên trong Ban huấn luyện cũ. Riêng "cánh tay phải" Rui Faria đã tách khỏi "Người đặc biệt" từ lâu.
Quá trình thỏa thuận đền bù là nguyên nhân khiến Man United bất động trên thị trường chuyển nhượng tháng Giêng vừa qua.
Mourinho rời Man United với số tiền bồi thường kếch sù.
Phó chủ tịch Ed Woodward không thể duyệt chi chuyển nhượng, khi chưa xác định được mức đền bù với Mourinho như thế nào. Bởi vì, khoản chi ngoài tự tính này tác động lớn đến ngân sách hoạt động của đội bóng.
Mùa này, ngân sách của Man United được duyệt vào khoảng 620 triệu bảng, cao nhất trong số 20 CLB thi đấu ở Premier League, đứng thứ 3 châu Âu (sau Barca và Real Madrid).
Như vậy, riêng cá nhân Mourinho đã bỏ túi đến 5,6% ngân sách hoạt động của cả đội. Ngoài 19,6 triệu bảng tiền đền bù cho thời gian còn lại trong hợp đồng, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha còn nhận thêm 15 triệu bảng tiền lương cố định.
Riêng quỹ lương đội hình một Man United đã lên đến 235 triệu bảng. Thế nên, có thể thấy số tiền dành cho Mourinho tác động xấu như thế nào đến hoạt động chung.
Solskjaer đang phải gánh chịu hậu quả từ chính sách "quýt làm cam chịu" của Man United.
34,6 triệu bảng mà Man United phải trả cho Mourinho đủ để mua một cầu thủ chất lượng cao, ở bất kỳ tuyến nào.
Thực vậy, với số tiền này, "Quỷ đỏ" có thể lấy về một trong các mục tiêu mà CLB từng theo đuổi (dựa trên các hợp đồng thực tế trong mùa Hè 2018), như Clement Lenglet, Goncalo Guedes, Felipe Anderson, Leonardo Bunocci, Joao Cancelo, Douglas Costa…
Arturo Vidal, một mục tiêu mà Man United mua hụt vì Mourinho chọn Fred, thậm chí gia nhập Barca chỉ với 16,2 triệu bảng.
Solskjaer "liệu cơm gắp mắm"
Bất kỳ HLV nào khi đến đâu cũng muốn có cầu thủ phù hợp với tư duy chiến thuật của mình. Ole Gunnar Solskjaer chắc chắn không phải ngoại lệ.
Chỉ có điều, Solskjaer - trên cương vị HLV tạm quyền, không được cấp cho bản hợp đồng nào. Toàn bộ những gì ông có là tiếp quản đội ngũ thất bại mà Mourinho xây dựng trong hơn 2 năm qua.
Solskjaer đã làm việc tốt hơn mong đợi. Trong 11 trận đầu tiên, ông giúp Man United thắng 10, và hòa 1.
Alexis Sanchez và Lukaku là những "gánh nặng oằn vai" mà Mourinh để lại cho người kế nhiệm.
Đến trận thứ 12 với người học trò cũ của Sir Alex Ferguson, Man United mới phải nhận thất bại đầu tiên, trước PSG. Một trận thua phơi bày nhiều thực tế.
Theo đó, Solskjaer đánh thức bản năng của nhiều cầu thủ, giúp họ giải tỏa áp lực tâm lý để thi dâu. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều sản phẩm lỗi mà Mourinho để lại không thể sử dụng.
Alexis Sanchez không biết làm gì, kể cả chuyện đơn giản với một tiền đạo là dứt điểm (chỉ cần sút, chưa tính đến chính xác hay không). Lukaku chỉ hiệu quả khi đối thủ vỡ trận, và không phải mẫu tiền đạo thích hợp cho lối đá phải công nhanh. Bailly là thảm họa phòng ngự. Fred làm gì cũng kém.
Những "ông kễnh" được tạo ra trong kỷ nguyên Mourinho cũng là nguyên nhân khiến quỹ lương tăng cao chóng mặt, ảnh hưởng đến chuyển nhượng. Trong bối cảnh không có danh hiệu lớn, thất bại liên tiếp khi ra châu Âu, Man United phải tiết kiệm mua sắm, nhằm tránh bị UEFA soi mói.
Trận thua đau đớn trước PSG chỉ mới là sự khởi đầu cho bi kịch của Man United?
Solskjaer đã liệu cơm gắp mắm rất tốt, nhưng thời điểm then chốt của mùa giải khó khăn bộc lộ thực sự: khi Anthony Martial và Lingard phải nghỉ vài tuần, Ole không có lựa chọn thay thế.
Phía trước Man United là Chelsea và Liverpool. Không lâu nữa đến trận lượt về với PSG ở lượt về vòng 1/8 Champions League. Xen giữa 3 cuộc chiến khốc liệt này còn có Crystal Palace và Southampton. Lịch thi đấu 3 ngày/trận càng khiến Solskjaer đau đầu, trong bối cảnh lực lượng sứt mẻ.
Mourinho mỉm cười hạnh phúc khi ôm núi tiền đi chơi, trong lúc chờ lời mời mới trong mùa Hè. Ngược lại, đến cơm với máu cũng là khó khăn với Solskjaer.