Dự án treo trở thành nơi tập kết... con nghiện
Từ 2003, dự án Khu hành chính cảng Kỳ Hà bắt đầu giải tỏa di dời dân để lấy đất xây dựng cơ sở vật chất. Thế nhưng, dự án chỉ mới di dời được 22/50 hộ dân thì dừng lại. Từ đó, dự án bị treo cho đến nay.
Những căn nhà bị bỏ hoang khi dân được di dời. Ảnh: Đ.V
Khi công bố quy hoạch, 50 hộ dân ở đây vui mừng vì sẽ được chuyển về khu tái định cư. Ở đó, điều kiện sống sẽ được cải thiện hơn. Nhưng giấc mơ sớm tan vỡ, hơn 15 năm qua, 28 hộ dân còn lại vẫn chờ từng ngày để được di dời.
Những căn nhà của 22 hộ dân bỏ lại giờ trở nên hoang phế. Từ đó, con nghiện ma túy đã đổ về đây làm nơi hút chích. Bà Nguyễn Thị Nhung (86 tuổi) vẫn chưa thôi hoảng hốt khi nhớ lại: “Ở đây không an toàn như ngày trước nữa. Có lần hút xong, chúng nó xách dao đi vào nhà tôi, tôi chỉ biết la làng để hàng xóm chạy tới. Khi thấy đông người, chúng nó bỏ đi, còn quay lại nói là vào nhầm nhà.
Báo công an xã mãi mà có giải quyết được gì đâu. Có lần phát hiện các đối tượng này vào nhà hoang, đàn ông trong làng kéo đến hù dọa để bọn nghiện không đến nữa. Nhưng rồi cũng đâu vào đấy…”
Khó từ miếng ăn đến giấc ngủ
Bà Huỳnh Thị Mỹ Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang - lặng người đi khi chúng tôi hỏi về 28 hộ dân còn “mắc kẹt” tại tổ 1 thôn Trung Toàn do nằm trong diện quy hoạch của Dự án Khu hành chính cảng Kỳ Hà.
Bà nói: “Quy hoạch rồi nhưng vướng mắc đủ thứ. Nghe dân kiến nghị mà xót lắm nhưng UBND xã không đủ khả năng giải quyết. Dịp tết hay trước mùa mưa, chúng tôi lấy ngân sách mua vài xe đá bụi để đổ cho bà con đi khỏi bị sình lầy…”
Hơn 15 năm, người dân không được đầu tư một công trình dân sinh vì vướng dự án. Ảnh: Đ.V
Hơn 15 năm qua, 28 hộ dân phải sống chung với những ngôi nhà hoang đầy bọn nghiện ngập. Suốt những năm tháng ấy, nơi đây chưa một ngày có đường bêtông để con em đi học, điện thắp sáng cứ chập chờn. Người dân chưa một ngày có nước sạch để sử dụng. Hơn nữa, khi mùa mưa lại phải đối mặt với lụt lội.
Ông Lê Tấn Ngọn, một người dân ở đây chua chát: “Dân ở đây bị “bỏ rơi” rồi. Sống gần cả đời rồi mà tôi chưa thấy quê mình phát triển. Chính quyền không thể đầu tư được một công trình dân sinh nào cả.
Con cháu phải đi đường đầy đất đỏ, ngập nước khi mùa mưa. Nhà tôi xây mấy chục năm giờ đã mục nát hết. Hễ mưa là dột ngủ không được vậy mà chẳng thể xây lại…”
Theo bà Dung, năm 2001, dự án Khu hành chính cảng Kỳ Hà được quy hoạch. Đến năm 2003 thì triển khai nhưng khi chỉ di dời được 22 hộ dân thì dự án phải dừng lại. Địa phương không rõ nguyên nhân nhưng người dân đang gặp khó, trong khi xã vẫn không thể giải quyết được vì nằm ngoài thẩm quyền.
Chúng tôi đề nghị cấp trên, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai quan tâm giải quyết cho 28 hộ dân còn lại của tổ 1 thôn Trung Toàn. Còn không thì phải cho cơ chế riêng để chúng tôi đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ cho nhân dân sinh hoạt, sản xuất. Bao năm qua không giải quyết được cho dân.
Hơn 15 năm trôi qua, Trung Toàn vẫn còn đó. Nó vẫn lặng lẽ dưới chân ngọn đồi nhỏ gần cảng Kỳ Hà…