Bên trong một căn phòng của đền thờ Đạo giáo nằm trên sườn đồi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, có khoảng 588 tấm bia tưởng niệm khắc tên và quê quán của những người đã mất sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc trong giai đoạn chiến đấu với đại dịch. Trong số đó có cả tấm bia thờ bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên phát cảnh báo dịch COVID-19, đã qua đời vì mắc bệnh này.
Những tấm bia tưởng niệm. Ảnh: Reuters
“Cái chết thực sự của một người là khi cả thế giới lãng quên họ. Bất kể họ theo tôn giáo hay tín ngưỡng nào, ý chí của họ đều xứng đáng được truyền lại. Sự thật là họ sống mãi trong tim chúng ta”, đạo sĩ Liang Xingyang, 41 tuổi, nói và cho biết ông bắt đầu thu thập các tấm bia từ ngày 29/1, ngay sau khi các nhà chức trách Trung Quốc thông báo rằng virus có thể lây lan giữa người với người.
"Đạo giáo” đã trở thành 1 trong 5 tôn giáo chính thức được công nhận ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters
"Đạo giáo” là một trường phái triết học và đã trở thành 1 trong 5 tôn giáo chính thức được công nhận ở Trung Quốc với hàng chục triệu tín đồ trong nước. Khu phức hợp tu viện, nơi các đạo sĩ sinh sống và thờ cúng, nằm trên một ngọn đồi. Các bậc thang dốc cao bằng đá được trang trí hoa văn công phu dẫn đến tiền sảnh tu viện.
Cầu thang dẫn lên đền thờ. Ảnh: Reuters
Ông Liang cho biết các đạo sĩ đã lập bia tưởng niệm để các linh hồn có nơi an nghỉ sau khi qua đời. Tuy nhiên, viêc tưởng niệm trên quy mô như vậy được coi là khác thường ở Trung Quốc.
Trong số những người có bài vị, chỉ có một số ít người chết vì mắc COVID-19. Hầu hết mọi người qua đời vì các nguyên nhân khác, như kiệt sức vì làm việc. Đạo sĩ Liang cho biết ông đã tổng hợp danh sách những “anh hùng” này dựa trên thông tin trên truyền thông hoặc nguồn tin từ chính phủ.
Các đạo sĩ nghỉ ngơi sau một buổi lễ tưởng niệm. Ảnh: Reuters
Chẳng hạn, Liu, 42 tuổi, một quan chức chính phủ ở Nội Mông, đã qua đời vào tháng 2 vì một cơn đau tim sau khi làm việc liên tục 20 ngày trong thời gian cả nước đang chiến đấu với đại dịch. Ông Liu lúc đó là phó giám đốc một khu chợ địa phương.
Một tín đồ Đạo giáo. Ảnh: Reuters
Đối với đạo sĩ Liang, liên lạc với những người thân đau buồn là điều khó khăn nhất.
“Việc tạo điều kiện cho họ “gặp nhau” là niềm an ủi lớn nhất. Tôi muốn những người thân của người đã khuất biết rằng khi một người trong gia đình họ qua đời, vẫn có người khác nhớ đến họ, đạo sĩ Liang chia sẻ.
Lễ tưởng niệm ông Liu, 42 tuổi, một quan chức chính phủ ở Nội Mông, đã qua đời vì làm việc kiệt sức trong đại dịch COVID-19. Ảnh: Reuters
Trong chuyến thăm gần đây, một thành viên trong gia đình người đã khuất quỳ gối, hai bên là các đạo sĩ đứng gõ mõ, tụng kinh. Trước mặt là bàn thờ bày biện các món ăn ngay ngắn. Người chủ trì điều hành các nghi thức, đạo sĩ Liang, cho biết việc làm này từng bị chính quyền phản đối song hai bên đã giải quyết ổn thỏa. Ngoài ra, ông cũng bị cáo buộc dùng các bia tưởng niệm để truyền bá tôn giáo và làm tiền. Tuy nhiên, Liang, người điều hành một công ty trang sức, đã phủ nhận điều này.
Đạo sĩ Liang, người có 3 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, đã được nhiều người trẻ tình nguyện giúp đỡ lập đền thờ trong những năm qua.
“Điều khó khăn nhất là duy trì việc thờ phụng. Chúng tôi khấn vái các bài vị hàng ngày và chờ xem liệu khi thảm họa này kết thúc, mọi người có còn nhớ đến họ không”, ông Liang nói.
Đạo sĩ Liang đã được nhiều người trẻ tình nguyện giúp đỡ lập đền thờ trong những năm qua. Ảnh: Reuters
Tính đến ngày 11/9, toàn thế giới có ít nhất 914.000 người tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2 với trên 28 triệu người mắc bệnh. Trung Quốc cũng đã ghi nhận 85,168 trường hợp mắc COVID-19 với 4.634 ca tử vong.