Có một thực tế mà ít người không nhận ra, Táo quân với tư cách là một tác phẩm sân khấu truyền hình không phải xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2003. Trước đó, ngay từ thập niên 1980, năm nào đài truyền hình cũng phát sóng chương trình Táo quân dưới dạng một tác phẩm sân khấu.
Nhưng rồi, chẳng ai nhớ đến những màn báo cáo khô khốc đó.
Chỉ khi Táo quân bắt đầu xuất hiện trong chương trình "Gặp nhau cuối năm" năm 2003 với những Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long, Quốc Khánh... thì lúc đó người ta mới nhớ đến những Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và các Táo.
Năm 2007, Táo Thể thao kính cáo Ngọc Hoàng bằng một lời câu hát chế nổi tiếng: "Thi đấu dựa trên tinh thần cọ xát là chính" rồi "Thi xong xuôi tất cả lại về". Ngay lập tức, những câu này đã đi vào đời sống và trở thành những lời cửa miệng của nhiều người.
Cuối năm 2008, cả Hà Nội chìm trong trận bão lịch sử. Táo Quân 2009 lập tức xuất hiện vai diễn Táo thoát nước với bản hát chế "Lụt từ ngã tư đường phố".
Và sau đó ra đường, trẻ con đâu đâu cũng nghêu ngao hát: "Nhà nhà bắt cá, từ trên ngã tư này".
Năm 2017, khi vụ việc cải tiến chữ viết nổi lên, nhiều người trà dư tửu hậu với nhau rằng: "Thể nào Táo quân năm nay cũng phải nhắc đến vụ đó".
Rồi khi U23 lập nên kì tích vào đầu năm 2018, không ít người lo lắng không biết Táo quân năm nay có kịp "đưa" U23 vào trong "báo cáo" của mình.
Xem xong Táo quân năm nay, tôi tin rằng những câu nói kiểu "cầm tiền thì sợ tiền rơi, cầm tờ A4 đời đời ấm no", hay "cuộc đời thật ít éo le, Nhân sâm thì ít mà rễ tre thì nhiều" sẽ nằm lòng với nhiều tầng lớp khán giả.
Hình như năm nào người ta cũng bàn tán với nhau: "Táo quân năm nay nhạt quá". Thế rồi khán giả vẫn cứ xem, vẫn bình phẩm, bàn tán đủ thứ chuyện quanh Táo quân. Và vẫn chờ đợi một Táo quân mới hấp dẫn hơn.
Với những cách thể nghiệm mới từ năm 2003 thì Táo Quân có lẽ là một trong số ít những chương trình dám đả động đến những vấn đề gan góc và tế nhị nhất của xã hội thông qua lăng kính hài hước của các nghệ sĩ.
Táo quân 2018: Phát ngôn ấn tượng của con trai Xuân Bắc.
Người xem nhìn thấy được và cảm nhận thấy được những vấn đề mà mình mắt thấy tai nghe trong cuộc sống, gắn liền với mỗi con người trong xã hội này.
Nó là một bản tóm tắt các sự kiện tiêu biểu của đất nước trong một năm qua. Chỉ khác là những người làm ra nó không phải các nhà báo chính luận mà là các diễn viên gạo cội.
Rõ ràng, Táo quân là một chương trình có sức hút và tầm ảnh hưởng thế nào đến đời sống xã hội. Đó là một chương trình không thể thiếu từ rất lâu mỗi dịp tết đến xuân về.
Vậy thì không có lí do gì Táo quân phải dừng lại cả! Nhưng tiếp tục cũng đồng nghĩa với việc phải đổi mới mạnh mẽ!
Tôi cảm thấy khâm phục sức làm việc kiên trì và bền bỉ của các nghệ sĩ trong suốt 15 mùa diễn vừa qua. Năm này qua năm khác, họ phải liên tục đổi mới mình. Cứ xem sự tiến triển của nhân vật đinh Ngọc Hoàng là biết.
Từ một ông Ngọc Hoàng khù khờ, bù nhìn thiếu đất diễn trong các phiên bản đầu tiên đến ông Ngọc Hoàng thành cậu trông xe tên Tèo chu du hạ giới năm 2014 và ông Ngọc Hoàng lom khom tặng tiền cho các hot girl khởi nghiệp năm nay.
Nhưng sáng tạo không bao giờ là đủ cả. Tôi nghĩ sự khen chê của khán giá chính là động lực cho các nghệ sĩ không ngừng đổi mới. Khán giả, họ không muốn thấy mãi một lối mòn.
Theo tôi, về kịch bản, có lẽ cần khai thác sâu hơn các chủ đề, chứ không cần như một nồi lẩu thập cẩm, món gì cũng có mà hương vị chính thì lại chẳng rõ. Kịch bản cần chặt chẽ và có những điểm nhấn cần thiết.
Chương trình không nhất thiết phải là một buổi chầu nơi các Táo lũ lượt lên báo cáo. Có nhiều hình thức sân khấu sáng tạo khác đang chờ các nghệ sĩ khai phá.
Cũng cần tránh việc lâm vào những việc pha trò nhạt, thiếu tế nhị và các kiểu lồng quảng cáo thô thiển. Táo quân không chỉ có những bản nhạc chế mà cần phải có những tình tiết độc, lạ, bất ngờ mà thâm thuý, chạm đến trái tim của người xem.
Về nhân vật, từ lâu chúng ta chỉ quen với Ngọc Hoàng và cặp đôi hoàn hảo Nam Tào – Bắc Đẩu. Thi thoảng, có thêm mấy ông Thiên Lôi vác cây búa tầm sét. Nhưng tại sao lại không nghĩ thêm những "ông quan" thiên đình khác để hỗ trợ Ngọc Hoàng?
Quốc Khánh nói về nhân vật Ngọc Hoàng trong gặp nhau cuối năm
Đó sẽ là một cách tân đáng chờ đợi. Có vẻ "thiên đình" không "lạm phát" chức quan cho lắm thì phải?
Mặt khác, bản thân cặp đôi Nam Tào –Bắc Đẩu cũng cần tự làm mới mình nhiều hơn nữa. Hai nghệ sĩ Xuân Bắc và Công Lý vẫn khiến người ta cười đấy vì họ có nghề thực sự. Nhưng hình như họ diễn có nghề mà không có mới.
Có cảm giác Xuân Bắc đang phải gồng mình với vai diễn Nam Tào trong nhiều năm mà không có nhiều đột phá. Ngược lại, người ta cũng chờ đợi "cô" Đẩu không chỉ dừng lại ở những sự cợt đùa xung quanh giới tính mà cần có chiều sâu trong từng lớp diễn và lời thoại.
Về nghệ sĩ tham gia, có lẽ cũng nên mở rộng hơn. Hãy cùng mời thêm các nghệ sĩ tên tuổi ở miền Trung và miền Nam tham gia cùng. Táo quân đâu phải chỉ là đặc sản của riêng các nghệ sĩ miền Bắc.
Nếu có sự tham gia của các nghệ sĩ từ các vùng miền khác thì Táo Quân chắc chắn sẽ đa dạng hơn và có nhiều gam màu tươi mới hơn.
Thôi, hãy cứ hi vọng và chờ đợi Táo quân 2019! Còn tới 360 ngày nữa cơ mà!
Thăm dò ý kiến
Theo Quý độc giả, nên làm gì với chương trình Táo Quân sau 15 năm?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.