Đây là điều mà các đời ngoại trưởng Mỹ đều né tránh và cho thấy một sự khác biệt rõ ràng so với chính sách trước đây của Mỹ đối với Trung Đông.
Hình ảnh trên truyền thông cho thấy Ngoại trưởng Mike Pompeo đã xuất hiện tại nhà máy rượu Psagot tại một khu công nghiệp ở Bờ Tây. Trong một tuyên bố, ông Mike Pompeo khẳng định, Mỹ sẽ yêu cầu các mặt hàng xuất khẩu sang nước này từ các khu định cư của Israel tại khu Bờ Tây chiếm đóng, phải dán nhãn “Israel”. Trong khi đó, những mặt hàng xuất khẩu từ những địa điểm nằm dưới sự kiểm soát của Chính quyền Palestine, sản phẩm phải được dán nhãn “Bờ Tây” và hàng hóa từ Dải Gaza do phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát phải ghi “Gaza”.
Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng động thái này là cần thiết do Gaza và Bờ Tây có sự tách biệt về chính trị và hành chính nên cần được đối xử phù hợp.
Phản ứng trước thông báo này, ông Wasel Abu Youssef, thành viên Ban điều hành của Tổ chức Giải phóng Palestine đã coi đây là bước đi thể hiện sự đồng tình với hành vi chiếm đóng: “Khi ông Mike Pompeo nói về việc hợp pháp hóa các sản phẩm tại những khu định cư trái phép của Israel, thì có nghĩa là nước này đang đi ngược lại với những quy định của Hội đồng nhân quyền yêu cầu tất cả các sản phẩm tại những khu định cư này đều phải được dán nhãn. Khi từ chối xử lý những doanh nghiệp hoạt động tại những khu định cư trái phép hay liệt họ vào danh sách đen, thì cũng có nghĩa là Mỹ đã vi phạm tất cả các quy định và luật pháp quốc tế”.
Cũng trong ngày 19/11, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đến thăm Cao nguyên Golan, khu vực mà Israel đã chiếm đóng của Syria trong cuộc chiến tranh năm 1967. Kế hoạch này là bước đi chưa từng có trong chính sách của Mỹ từ trước tới nay. Các chính quyền Mỹ trước đây đều không thừa nhận việc Israel kiểm soát Cao nguyên Golan và hoạt động xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây./.