Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội là hạt nhân của vùng Thủ đô, đồng thời cũng là trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc thiết lập quy hoạch vùng vành đai hết sức có ý nghĩa để đồng bộ hóa hệ thống cao tốc, tạo động lực cho cả Bắc Bộ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Thủ đô Hà Nội hiện nay có 6 cao tốc hướng tâm đi vào xuyên tâm, đồng thời khu vực vành đai 4 là trung tâm để kết nối phía Bắc, với cao tốc Bắc-Nam phía Đông, kết nối với vành đai 3 TPHCM.
Ông Tuấn nhận định, việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô rõ ràng là mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng.
"Vì vậy, không chỉ có Thủ đô Hà Nội mà cả vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ được hưởng các khả năng phát triển mới", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận định.
Đối với Hà Nội, dự án còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc tế thứ hai ở phía Đông Nam Hà Nội.
Đồng thời, phía Nam Hà Nội cũng kết nối với một phần rất quan trọng là Cao tốc đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kết nối với Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội. Việc này thực sự đã chậm 10 năm so với chương trình quy hoạch, kế hoạch của nhiệm kỳ trước.
Vành đai 4 cho phép điều hòa hệ thống cao tốc và giảm tải cho cao tốc vành đai 3, trở thành đường trên cao đô thị, mở ra điều kiện để kết nối 5 đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội, kết nối trục đô thị của vùng Thủ đô Hà Nội.
Sau 14 năm hợp nhất hành chính Thủ đô, mở ra khả năng phát triển các vùng được đô thị hoá, việc mở rộng Vành đai 4 cho phép Thành phố điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô, để khai thác động lực phát triển đô thị và nông thôn.
Điều đặc biệt đối với Vành đai 4 là có lộ giới từ 90-135 m, bao gồm lộ giới cho toàn bộ đường sắt quốc gia. Điều này rất quan trọng cho việc đồng bộ hóa đường bộ, đường sắt. Trước đây, đường sắt quốc gia xuyên qua trung tâm, ngày nay cho phép đồng bộ đường bộ, đường sắt.
"Đây đều là những động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô Hà Nội", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.
Vành đai 3 TPHCM sẽ kết nối 4 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Cũng liên quan đến vấn đề này, theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm, Vành đai 3 TPHCM có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng kết nối 4 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế cả nước. Phát triển kinh tế chiếm 45% GDP, cũng như chiếm 43% nộp ngân sách. Nơi đây cũng là đầu mối giao thông rất lớn, kết nối với quốc tế.
"Đặc biệt, TPHCM có Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, là cảng hàng không lớn nhất cả nước. Đồng thời, hệ thống cảng biển ở TPHCM cũng chiếm 1/4 cả nước, trong đó có Cảng Cát Lái là 1 trong 20 cảng lớn nhất thế giới", ông Lâm cho hay.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM chia sẻ, thời gian qua, TPHCM và các tỉnh cũng hết sức quan tâm đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là khi thực hiện phát triển chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc XII.
Trong quá trình nghiên cứu thì thấy Vành đai 3 là một tuyến đường hết sức quan trọng kết nối tất cả đường cao tốc của vùng, kết nối 4 tuyến cao tốc hướng tâm.
Ông Lâm cho biết thêm, việc triển khai tuyến đường này có ý nghĩa rất to lớn. Cụ thể, dự án sẽ giải quyết ùn tắc giao thông vùng nội đô các tỉnh; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo dãn mật độ dân cư, đặc biệt là các khu chế xuất, khu công nghiệp; tăng cường kết nối giao thông các tỉnh trong vùng, đặc biệt từ Đông sang Tây; hoàn thành hệ thống cao tốc đi các nước bạn; cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
"Qua nghiên cứu, chỉ số về hạ tầng đường bộ của chúng ta thấp so với thế giới. Vì vậy, triển khai và đồng bộ hệ thống cao tốc đô thị Vành đai 3 của TPHCM là hết sức ý nghĩa và quan trọng", Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm nhận định.
"Từ đấy, không những giải quyết vấn đề giao thông, kết nối hàng hóa lưu thông, chúng ta còn mở rộng các khu đô thị vệ tinh, mở rộng đồng bộ không gian vùng kinh tế. Từ đó sẽ đóng góp rất lớn đến phát triển bền vững kinh tế của TPHCM và các tỉnh trong vùng", ông Lâm nói thêm.
Về dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô, theo Tờ trình số 47/TTr-UBND, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương là 28.200 tỷ đồng; ngân sách địa phương 28.203 tiỷ đồng (Hà Nội 23.594 tỷ đồng, Hưng Yên 1.509 tiỷ đồng, Bắc Ninh 3.100 tỷ đồng); vốn BOT của nhà đầu tư PPP 29.410 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án Vành đai 3 TPHCM, dự án có tổng chiều dài 76,34 km (TP HCM - 47,51 km; Đồng Nai - 11,26 km; Bình Dương - 10,76 km; Long An - 6,81 km). Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó có hơn 41.500 tỷ chi cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và gần 26.000 tỷ cho cho xây dựng và thiết bị.
Theo kế hoạch Dự án đường Vành đai 3 của TPHCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư ngay tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV trong tháng 5 này.