Nhìn vào sự tham gia của bên ngoài nhằm cứu hộ, cứu nạn, có thể thấy được diện mạo của ngoại giao quốc tế và thực chất mối quan hệ của hai quốc gia này với các đối tác cũng như đối thủ của họ.
Cho tới nay, cộng đồng quốc tế đã có được rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc thống nhất chủ trương, phối hợp hành động khi tiến hành cứu hộ, cứu nạn ở những vùng bị thảm họa để đạt hiệu quả thiết thực nhanh nhất và cao nhất.
Ngoại giao quốc tế trong trường hợp này là đóng góp tiền của, công sức để trực tiếp cũng như gián tiếp cứu hộ, cứu nạn.
Cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thảm họa thực chất cũng là cuộc chạy đua với thời gian. Thảm họa là bối cảnh đặc biệt mà ở đấy, ngoại giao quốc tế có nhiều hình thức thể hiện.
Chỉ mấy ngày sau khi động đất xảy ra, cộng đồng các quốc gia trên thế giới, Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các tổ chức đa phương quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã cử nhân lực đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để tìm kiếm, cứu nạn, gửi hàng cứu trợ nhân đạo khẩn cấp để giúp người dân vùng bị thảm họa thiên nhiên.
Theo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 61 quốc gia đã cử lực lượng đến trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nước ta cũng đã khẩn trương tham gia.
Lực lượng cứu hộ của Đức tại TP Kirikhan - Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11-2 Ảnh: REUTERS
Ngoại giao quốc tế ở đây không những chỉ thực thi trách nhiệm về đạo lý và nhân đạo của thành viên này đối với thành viên khác trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới, mà còn đại diện cho sự quan tâm, đồng cảm của người dân trên thế giới với người dân vùng bị thảm họa thiên nhiên.
Đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ vốn đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt với Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, việc tham gia cứu hộ, cứu nạn vừa cần thiết vừa có tác động tích cực.
Cần thiết bởi quan hệ tốt với nhau thì đương nhiên phải giúp nhau khi gặp khó khăn. Có tác động tích cực bởi qua đó có thể làm cho các mối quan hệ hợp tác và hữu nghị bền chặt, tin cậy, thiết thực hơn.
Ngoại giao quốc tế còn có thể đặc biệt đắc dụng khi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Syria với các bên vẫn tồn tại khúc mắc.
Trong thế giới ngoại giao vì thế đã hình thành khái niệm "ngoại giao thảm họa". Hàm ý ở đây là các bên khúc mắc với nhau nhân dịp này nỗ lực bình thường hóa và cải thiện quan hệ. Họ đề nghị tham gia cứu hộ, cứu nạn để thể hiện thiện chí cải thiện quan hệ, chủ động gỡ bỏ vướng mắc tồn tại với Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, tức là vừa cứu hộ, cứu trợ nhân đạo trực tiếp vừa khắc phục trở ngại trong quan hệ song phương
Israel và Hy Lạp, Thụy Điển và Liên minh châu Âu (EU) đang thực thi hình thái ngoại giao này ở vùng bị thảm họa động đất.
Làm như thế, bất kể được phía Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chấp nhận hay không hoặc chấp nhận đến đâu, các nước này đều tranh thủ được dân chúng trong vùng và dư luận thế giới. Vận hành thỏa đáng ngoại giao quốc tế trong bối cảnh đặc biệt luôn mang lại hiệu ứng tích cực đặc biệt.