“Người Trung Quốc rất tự hào về ẩm thực của họ”, một bản ghi nhớ được chuẩn bị cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon trước chuyến thăm mang tính đột phá của ông tới Bắc Kinh vào năm 1972, có ghi. Bữa tiệc chiêu đãi xa hoa dành cho Tổng thống Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai được phát sóng trực tiếp trên toàn thế giới, có vai trò quan trọng trong việc cải thiện dư luận Mỹ về một quốc gia đã “ẩn giấu” với họ nhiều thập kỷ.
Hơn nửa thế kỷ sau, ẩm thực một lần nữa đóng vai trò trung tâm trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ Mỹ-Trung nồng ấm hơn. Với việc Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vừa kết thúc chuyến thăm thứ hai tới Trung Quốc trong vòng chưa đầy một năm, các bữa ăn đã nổi lên như một thành phần quan trọng trong nỗ lực ổn định mối quan hệ giữa hai nước, khi các quan chức của cả hai bên tìm cách khai thác tiềm năng của cái được gọi là “ngoại giao ẩm thực”.
Chuyến thăm của bà Yellen vào đầu tháng 4 đã gây chú ý vì mức độ quan tâm của công chúng Trung Quốc đối với việc lựa chọn thực phẩm thết đãi bà. Sự mong đợi của họ đã tăng cao sau chuyến thăm đầu tiên của Yellen vào tháng 7 năm ngoái, khi việc bà lựa chọn một nhà hàng Bắc Kinh phục vụ các món ăn truyền thống từ tỉnh Vân Nam, bao gồm cả những loại nấm có thể gây ảo giác nếu nấu không đúng cách, khiến nữ Bộ trưởng Mỹ trở thành nhân vật được yêu thích trên khắp mạng xã hội Trung Quốc.
Lần này, không chỉ sự lựa chọn món ăn Quảng Đông và Tứ Xuyên của bà đã gây chú ý mà còn cả việc bà Yellen sử dụng đũa tại một nhà hàng nổi tiếng ở Quảng Châu, đã gợi nhớ đến kỹ năng dùng đũa của cựu Tổng thống Nixon, người từng gây ấn tượng với nước chủ nhà vào năm 1972.
Theo Thomas DuBois, một nhà sử học về Trung Quốc giảng dạy tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, mặc dù bà Yellen đã nổi tiếng là người thích nếm thử các món ăn địa phương trong các chuyến đi vòng quanh nước Mỹ, nhưng ý nghĩa biểu tượng của hành động đó ở Trung Quốc lại đặc biệt rõ rệt.
“Ở Trung Quốc, ẩm thực là ngôn ngữ ngoại giao và người Trung Quốc có quyền tự hào về văn hóa ẩm thực của họ. Bà Yellen biết rằng cách bà ăn uống sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chuyến thăm của mình”, ông DuBois nói.
“Nếu bạn ăn uống không thấy ngon ở Trung Quốc, thì đó không chỉ là dấu hiệu của khẩu vị tồi mà còn là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn ở bạn”.
Ông DuBois lưu ý rằng một trong những cụm từ phổ biến được sử dụng để mô tả cách ăn uống của bà Yellen ở Trung Quốc là “khiêm tốn" – một đặc điểm tính cách cực kỳ quan trọng đối với người Trung Quốc. Ông nói: “Ăn ngon và biết cách ăn là một triết lý đạo đức sâu sắc ở Trung Quốc, nó thực sự bắt nguồn từ việc đủ khiêm tốn để thay đổi bản thân, chẳng hạn như ‘nhập gia tùy tục', sử dụng đũa”.
Tầm quan trọng của ẩm thực đối với ngoại giao đã được các nhà ngoại giao nước ngoài ở Trung Quốc hiểu rõ. Theo một nhà ngoại giao châu Âu tại Bắc Kinh, việc ăn uống cùng nhau là một trong những ưu tiên hàng đầu khi tiếp xúc với các quan chức Trung Quốc.
Ông nói: “Trong các cuộc gặp song phương cấp cao, yếu tố ăn uống trong chương trình là vô cùng quan trọng vì đó là nơi bạn có thể có một cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn”. Ông nói: “Các bữa tối được sử dụng một cách chiến lược ở cả hai bên để tạo ra mối quan hệ đáng tin cậy”.
Trước khi nhà ngoại giao này được bổ nhiệm tới Bắc Kinh, một phần quá trình đào tạo của ông liên quan đến phong tục tổ chức tiệc chiêu đãi của người Trung Quốc, bao gồm cả việc ai ngồi ở đâu trong bàn và các quy tắc xung quanh việc nâng ly chúc mừng. Ông cho biết thêm, các bộ trưởng của đất nước ông cũng được thông báo ngắn gọn về những phong tục này trước khi họ gặp gỡ những người đồng cấp Trung Quốc.
Mặc dù vậy, việc dự các bữa tiệc vẫn có thể là một công việc khó khăn. Ngoài các phong tục phức tạp, tính chất phức tạp của ẩm thực Trung Quốc, sử dụng nhiều loại nguyên liệu, có thể dẫn đến thách thức đặc biệt là dị ứng thực phẩm.
Tại một bữa tiệc gần đây do nước chủ nhà Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh, mỗi bộ trưởng châu Âu đến dự đều có tiền sử bị những chứng dị ứng khác nhau, từ chứng không dung nạp lactose đến động vật giáp xác.
Nhà ngoại giao trên nói: “Một nhân viên Trung Quốc đến và nói với tôi rằng họ gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch cho bữa tối này vì các bộ trưởng của chúng tôi mắc rất nhiều bệnh dị ứng khác nhau. Những khác biệt trong thói quen ăn uống này có thể khiến mọi thứ trở nên phức tạp và tạo ra nhiều căng thẳng, lo lắng.”
Đoạn video dài 7 giây lan truyền về kỹ năng dùng đũa của Yellen lần đầu tiên được đăng tải bởi một tài khoản mạng xã hội được cho là do chính phủ Trung Quốc quản lý. Nhiều cơ quan nhà nước đã công bố đầy đủ thông tin chi tiết về hành trình ẩm thực tại Trung Quốc của bà Yellen, bao gồm tất cả các món bà đã ăn.
Trong một bài viết trên ứng dụng WeChat nổi tiếng của Trung Quốc, nhà bình luận kỳ cựu và cựu nhà báo Zhang Feng lưu ý rằng việc truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về tâm lý yêu mến bà Yellen khác xa với việc đưa tin “lạnh lùng” về các quan chức Mỹ trong những năm gần đây.
Ông Zhang viết: “Chuyến đi của bà Yellen tới Trung Quốc có thể phần nào cải thiện tâm lý không ưa Mỹ của người dân Trung Quốc bình thường”. Dư luận Trung Quốc đối với Mỹ đã xấu đi rõ rệt trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, người nổi tiếng ăn đồ ăn Trung Quốc được “Mỹ hóa” trong chuyến thăm cấp nhà nước năm 2017, nhưng đã phục hồi nhẹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Ngoại giao ẩm thực vốn có nguồn gốc lịch sử. Các quan chức Trung Quốc cũng sử dụng ẩm thực để cải thiện nhận thức về Mỹ trước chuyến thăm của Tổng thống Nixon vào năm 1972. Những hình ảnh những người Mỹ thân thiện với Trung Quốc, như nhà báo Edgar Snow tham dự nhiều bữa tiệc cấp nhà nước khác nhau đã được lan truyền rộng rãi trên truyền thông.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến khẳng định ngoại giao ẩm thực gắn liền với chủ nghĩa dân tộc. Tờ Global Times cho biết trong một bài xã luận rằng: “Người Trung Quốc chào đón bất cứ ai từ bất cứ nơi nào đến và thưởng thức đồ ăn của chúng tôi, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ không phản bác lại những cáo buộc vô căn cứ và các cuộc đàn áp thẳng thừng”.