Ngỡ ngàng với văn hóa chia sẻ đồ ăn trưa cá nhân với cả công ty và cứ làm 3 tiếng là được phép nghỉ 30 phút

Hạnh Mỹ |

Đây là trải nghiệm thực tế của bạn nhân viên người Việt về giờ trưa tại công ty ở New Zealand.

Nghĩ đến công ty đa quốc gia , chắc hẳn, thứ khiến nhiều người lo lắng nhất chính là văn hóa làm việc ra sao, liệu mình có thể hòa hợp với môi trường ở đó được hay không? Đã có không ít trường hợp, dù không bất đồng về ngôn ngữ thì cũng xảy ra tranh cãi về những điều liên quan đến sinh hoạt hằng ngày, hay thậm chí là thói quen ăn uống vào giờ trưa. Nhân viên phải tự nấu cơm dù công ty có căng tin phục vụ bữa ăn miễn phí không phải chuyện hiếm.

Tuy nhiên, những lo lắng kể trên chưa phải điều tiên quyết làm nhiều người chùn chân, không dám bước ra thế giới. Vẫn có những công ty đa quốc gia, cho dù đặt văn phòng ở Việt Nam hay nước ngoài đã đưa ra những cách giải quyết nhìn thì đơn giản nhưng lại là giải pháp hữu hiệu với các nhân viên. Như nơi làm việc của chàng trai Việt ở New Zealand mà chúng ta sẽ gặp gỡ ngay sau đây là một minh chứng.

Bữa "share lunch" toàn đặc sản ẩm thực đa quốc gia

Sau khi khoe trên mạng xã hội về bữa trưa ở văn phòng với đồ ăn trải dài cả một dãy bàn, Thạch Huỳnh Nhân đã khiến cư dân mạng tò mò, không ngừng lùng sục địa chỉ công ty. Thế nhưng, tin chắc rằng, hầu hết sẽ chẳng có tin tức gì đâu. Phải liên hệ với chính anh chàng này thì mới biết, đây là một công ty đặt văn phòng ở New Zealand.

Và bữa ăn trưa vô cùng thịnh soạn, có đủ từ đồ ăn mặn đến ngọt, từ pizza đến rau xào, phô mai ở công ty anh, được đặt lên là “share lunch”. Thạch Huỳnh Nhân cũng lý giải một cách đơn giản, đây chính là bữa ăn mà mỗi nhân viên làm việc ở đây sẽ tự nấu hoặc tự chuẩn bị một món ăn, sau đó đem đến góp cùng nhau ở văn phòng vào giờ ăn trưa. Sau khi xếp ra đầy bàn thì mọi người sẽ đi thành vòng tròn, tự do lựa chọn những món ăn mình thích, hay mình muốn thử, tương tự như hình thực ăn buffet.

Toàn cảnh bữa "share lunch"

Điều gây chú ý ở đây là công ty anh làm việc có nhiều nhân viên, đến từ các quốc gia, các vùng miền khác nhau. Vậy nên, đa phần sẽ chọn những món ăn đặc trưng từ những nơi đó, mang đến vừa để thưởng thức, vừa giới thiệu hương vị, những phong cách ăn uống tới các đồng nghiệp khác.

Trong bữa ăn này, các nhân viên cũng thoải mái trò chuyện, giao lưu, như một cách quảng bá văn hóa, khiến mọi người hiểu thêm về nhau hơn. Thông thường, ở công ty anh Nhân, “share lunch” sẽ được tổ chức với tần suất khoảng 2- 3 tuần/lần, không cố định ngày nào, nhưng mọi người sẽ được báo trước để chuẩn bị. Như bản thân nhân vật, khi có bình luận hỏi thăm, anh Nhân còn tiết lộ có thể trong bữa ăn sắp tới sẽ nấu bún bò để giới thiệu ẩm thực Việt Nam tới bạn bè thế giới.

Ngỡ ngàng với văn hóa chia sẻ đồ ăn trưa cá nhân với cả công ty và cứ làm 3 tiếng là được phép nghỉ 30 phút - Ảnh 3.

Thêm nữa, cứ khoảng 1 tháng/ lần, công ty cũng sẽ là bên cung cấp đồ ăn trưa có các nhân viên, để họ có cơ hội quây quần bên nhau.

Cứ làm 3 tiếng lại được "sạc pin" 30 phút

Ngoài bữa “share lunch” hay bữa ăn do công ty “chiêu đãi” thì giờ ăn trưa những ngày còn lại của Thạch Huỳnh Nhân và các đồng nghiệp ở New Zealand sẽ diễn ra như hầu hết các công ty khác. Mọi người thường mang theo đồ ăn tự nấu ở nhà đi. Còn tại văn phòng có khu vực ngồi ăn riêng và trang bị đầy đủ lò vi sóng, chén, đĩa, nồi niêu và bếp, phục vụ những ai có nhu cầu sử dụng.

Ngỡ ngàng với văn hóa chia sẻ đồ ăn trưa cá nhân với cả công ty và cứ làm 3 tiếng là được phép nghỉ 30 phút - Ảnh 5.

Khung cảnh nhộn nhịp vào giờ ăn trưa.

Ngỡ ngàng với văn hóa chia sẻ đồ ăn trưa cá nhân với cả công ty và cứ làm 3 tiếng là được phép nghỉ 30 phút - Ảnh 6.

Bữa ăn trưa thường ngày của anh Nhân.

Giờ làm việc cố định của một ngày tại công ty đa quốc gia này sẽ là 10 tiếng, và cứ 3 tiếng thì nhân viên được nghỉ ngơi 30 phút, coi như quãng thời gian “sạc pin” để tái tạo năng lượng, cho một buổi làm năng suất. Trong thời gian đó, anh Nhân và các đồng nghiệp cũng tự do pha trà, pha cà phê hay nấu bất cứ thứ gì mình muốn, miễn sao không ảnh hưởng tới giờ làm việc.

Tủ lạnh đựng đồ và tủ chuyên đựng sữa phục vụ nhân viên công ty.

Nhân viên công ty anh lấy cà phê từ máy pha tự động.

Công ty có "cơ chế" riêng cho người không thạo ngoại ngữ

Như vấn đề đã đặt ra từ đầu, rào cản làm nhiều người ngại ngần khi ứng tuyển vào công ty đa quốc gia hay sang nước ngoài làm việc, một phần là bởi lo ngại về bất đồng ngôn ngữ.

Thế nhưng, theo tiết lộ từ chính người trong cuộc: “Mình hiện đang đảm nhiệm công việc machine operator (có thể hiểu là người vận hành máy móc, điều khiển và chăm sóc, fix lỗi cho rô bốt) cho Rockit Apple - một công ty khá nổi tiếng ở New Zealand. Cơ hội để vào làm công ty mình không quá khó, cũng có rất nhiều đồng nghiệp không biết tiếng anh vẫn ứng tuyển. Khi vào làm, công ty sẽ tách nhóm riêng những người biết và không biết tiếng anh để hướng dẫn, đào tạo bằng một cách nào đó cho mọi người có thể hiểu và nắm được hết công việc, chứ không hề có chuyện gặp khó vì rào cản ngôn ngữ”.

Ngỡ ngàng với văn hóa chia sẻ đồ ăn trưa cá nhân với cả công ty và cứ làm 3 tiếng là được phép nghỉ 30 phút - Ảnh 9.

Công ty đa quốc gia này luôn tạo điều kiện để nhân viên hòa nhập với môi trường.

(Cảm ơn những chia sẻ và hình ảnh của anh Thạch Huỳnh Nhân từ New Zealand)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại