Ngư dân gọi nôm na nghề này là “người trần gian làm việc âm phủ”. Lặn xuống dưới đáy biển cũng đồng nghĩa với đối mặt sức ép nước...
Nghề “hái” ra tiền
Đối với ngư dân ở vùng biển Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), không có nghề nào “hái” ra tiền nhanh như nghề thợ lặn, nhưng cũng đánh đổi không ít nước mắt, máu, thậm chí bỏ mạng giữa trùng khơi.
Có kinh nghiệm lặn biển hơn 20 năm, ông Phan Văn Mạnh (65 tuổi, thôn 1) kể, nghề lặn ở đây bắt đầu từ năm 1993, khi nguồn hải sản đánh bắt gần bờ cạn kiệt.
Ngư dân không có điều kiện đóng tàu lớn để đánh bắt xa bờ nên mưu sinh bằng nghề mới là lặn biển.
Thợ lặn xã Cẩm Lĩnh ai cũng chịu khó, mỗi ngày ngụp lặn dưới biển từ 6-8 tiếng, sản phẩm thu về có khi cả tạ các loại ốc, sò có giá cao, thương lái thu mua nhanh chóng. Cao điểm có ngày thu về 2-3 triệu đồng.
Nguồn thu nhập của nghề lặn rất cao, họ lặn quanh năm, không chỉ ở vùng gần mà còn đi lặn thuê trên các con tàu ở ngư trường ngoài Bắc trong Nam theo từng mùa hải sản.
Ngư dân lấy nghề lặn mưu sinh chính nuôi sống cả gia đình nên trong làng rất vắng bóng đàn ông.
Mới 28 tuổi nhưng anh Thái Văn Vui (trú thôn 2), đã làm chủ con tàu với 90 CV, giá trị cả tỉ đồng, trang bị đầy đủ thiết bị để phục vụ cho thợ lặn.
Anh Vui kể, bỏ học từ năm lớp 8 để theo cha làm nghề lặn thuê. Với sức khỏe cường tráng, 13 năm lặn biển cũng dành được ít vốn làm chủ tàu, thuê người làm.