Một trong những cách dễ dàng và hiệu quả nhất để ngăn ngừa và phòng tránh Covid-19 là hãy giữ vệ sinh tay bạn thật tốt: Chà tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây sau khi tiếp xúc với các bề mặt có khả năng chứa mầm bệnh, chẳng hạn như tay nắm cửa, cần giật nước trong nhà vệ sinh, nút bấm thang máy…
Đó là bởi vì các bề mặt công cộng có thể trở thành nơi mà virus bám lại, sau khi được phát tán qua giọt bắn của một người bệnh. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, khi một người hắt hơi, họ có thể phát tán vào không khí 40,000 giọt bắn trong phạm vi 6 m.
Khi một người ho hoặc nói chuyện trong 5 phút, họ có thể phát tán 3.000 giọt bắn trong phạm vi 2 m. Và ngay cả khi một người bệnh thở thôi, các giọt bắn của họ cũng có thể bám vào các bề mặt xung quanh bán kính 1 m.
Virus trong các giọt bắn có thể sống trên bề mặt mà nó bám lại trong nhiều giờ, và đôi khi là nhiều ngày, nhà miễn dịch học Rudra Barkappanavar tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Tennessee cho biết. Và trên các bề mặt bằng kính, chẳng hạn như màn hình điện thoại của bạn, virus corona có thể tồn tại tới 96 tiếng đồng hồ, tương đương 4 ngày ở nhiệt độ phòng.
Ước tính thời gian sống của virus SARS-CoV-2 được Barkappanavar đưa ra dựa trên những dữ liệu thu thập trong đợt dịch SARS năm 2003 đã được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới. Trên thực tế, hai loại virus này là những người anh em họ hàng, có sự tương đồng di truyền với nhau: Cả hai đều lây nhiễm qua đường hô hấp, có một chuỗi vật liệu di truyền được gọi là RNA và có gai protein nhô ra khỏi vỏ của chúng.
Virus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính SARS có tên khoa học là SARS-CoV; virus corona mới đang gây ra dịch Covid-19 có tên là SARS-CoV-2.
Về lý thuyết, bạn rất dễ nhiễm phải virus nếu chúng bám được trên màn hình điện thoại của bạn. Giả sử có một ai đó ho hoặc hắt hơi gần bạn, trong khi bạn đang cầm điện thoại lướt facebook, các giọt bắn của họ có thể bám lại trên bề mặt kính điện thoại của bạn.
Nhiều khả năng tay bạn sẽ sẽ chạm phải chúng, sau đó bạn vô thức chạm lên mũi hoặc miệng của mình và rơi vào nguy cơ bị lây nhiễm.
Hầu hết mọi người trong số chúng ta đều chạm vào màn hình điện thoại và cả mặt của mình rất nhiều lần trong ngày mà không để ý. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Dscout trên một nhóm 94 tình nguyện viên cho thấy: Trung bình mỗi người sẽ cầm điện thoại của họ 2.600 lần trong ngày.
Trong số đó, 76 lần họ sẽ dùng điện thoại với thời gian dài (cuộn trên màn hình để kiểm tra email hoặc đọc tin tức).
Virus Covid-19 có thể sống tới 96 tiếng đồng hồ trên màn hình điện thoại
Trên khía cạnh còn lại, một nghiên cứu nhỏ của Đại học New South Wales cho thấy mọi người chạm vào mặt mình khoảng 23 lần mỗi giờ, tương đương 368 lần trong ngày chỉ trừ lúc ngủ. Nghiên cứu này chỉ theo dõi 26 sinh viên đại học, nhưng nó vẫn có thể đi đến một kết luận: Chạm tay lên mặt là một thói quen vô thức khá phổ biến.
Màn hình điện thoại bẩn, và có thể chứa rất nhiều vi khuẩn, virus, nấm và các mầm bệnh. Đó không phải là phát hiện mới. Hàng ngày, chúng ta vẫn tiếp xúc với vô số bề mặt chứa một lượng lớn vi khuẩn, virus khá lành tính, không khiến chúng ta bị bệnh.
Nhưng trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, sẽ rất đáng để lưu tâm đến những hành động vô thức này, những nơi mà virus SARS-CoV-2 có thể bám lại và thời gian tồn tại của chúng trên đó.
Barkappanavar nói rằng nếu có một lần nào đó khi bạn bị mắc bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như Covid-19, mà không biết mình đã từng phơi nhiễm với bệnh nhân nào, thì các bề mặt có khả năng chính là nguồn trung gian truyền bệnh sang cho bạn.
Rất may, có một giải pháp dễ dàng để giải quyết vấn đề: Hãy làm sạch các bề mặt xung quanh bạn. Apple khuyên bạn nên làm sạch bề mặt điện thoại bằng vải sợi nhỏ thấm một chút nước xà phòng. Bạn cũng có thể sử dụng khăn mềm thấm dung dịch cồn pha loãng để lau điện thoại của mình.
Chiếu đèn UV cũng là một cách giúp tiêu diệt hầu hết các vi khuẩn và virus trên bề mặt, nhưng thường thì chúng có giá khá đắt, khoảng 60 USD. Trong trường hợp bạn vẫn còn lo lắng, hãy ghi nhớ cho mình một công thức: Rửa tay thường xuyên hơn và chạm tay lên mặt ít thôi.
**Xem thêm các biện pháp phòng tránh lây nhiễm Covid-19 tại đây.
Tham khảo Qz