Nghiên cứu: Đàn ông thường ảo tưởng mình thông minh, cứ nghĩ mình là gà hóa ra chỉ là hạt đỗ xanh

Thanh Long |

Phụ nữ thì ngược lại, họ rất khiêm tốn.

Khi chúng ta được yêu cầu tự đánh giá trí thông minh của mình, hầu hết mọi người sẽ nói họ có IQ trên mức trung bình. Các nhà thống kê học chẳng lạ gì hiệu ứng này, họ gọi đó là "Illusory superiority" dịch ra Tiếng Việt có nghĩa là "ảo tưởng về sự ưu việt", "ảo tưởng vượt trội" hay đơn giản hơn là "ảo tưởng sức mạnh".

Trong tâm lý học xã hội, Illusory superiority được định nghĩa là sự nhận thức sai lệch, trong đó, một người đánh giá quá cao phẩm chất và năng lực của bản thân so với những phẩm chất và năng lực tương tự của người khác.

Bằng một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh nam giới thì thường dễ mắc hiệu ứng này hơn khi tự đánh giá trí thông minh của mình. Ngược lại, những người phụ nữ lại hay thiếu tự tin, dẫn đến đánh giá thấp IQ của bản thân, trong khi họ hoàn toàn có thể thông minh hơn họ nghĩ rất nhiều.

Nói tóm lại, nhiều người đàn ông trước đây cứ tưởng mình là gà, hóa ra lại chỉ là hạt đỗ xanh.

Nghiên cứu: Đàn ông thường ảo tưởng mình thông minh, cứ nghĩ mình là gà hóa ra chỉ là hạt đỗ xanh - Ảnh 1.

Không chỉ có nam giới, cả những người phụ nữ nam tính cũng vậy

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Trường Tâm lý học Ứng dụng, Đại học Griffith, Australia. Trong đó, họ đã tuyển chọn một nhóm các tình nguyện viên cả nam và nữ tham gia vào một thử nghiệm ước tính trí thông minh của bản thân.

Đầu tiên, các nhà khoa học sẽ giới thiệu qua về chỉ cố IQ, nó đại diện thế nào cho trí tuệ của con người, và cách mà IQ được tính toán. Sau đó, họ cố tình đưa ra một thống kê cho thấy 2/3 dân số, tương đương 66% có điểm IQ từ 85 đến 115, mức điểm trung bình là 100.

Sau đó, các tình nguyện viên cả nam và nữ được yêu cầu tự đánh giá trí thông minh của bản thân mình, và đưa ra số điểm mà họ nghĩ họ sẽ đạt được. "Nhóm tình nguyện viên của chúng tôi báo cáo điểm IQ trung bình là 107,55", David Reilly, nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith, thành viên Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cho biết.

"Con số này cao hơn một chút so với mức trung bình, đúng như chúng tôi dự đoán [từ hiệu ứng ảo tưởng vượt trội]".

Để xác nhận kết quả thực tế, các tình nguyện viên cuối cùng được cho làm một bài kiểm tra đánh giá IQ được gọi là Cattell Culture Fair Intelligence Test (CFIT). Kết quả của họ được thể hiện dưới biểu đồ dưới đây:

Nghiên cứu: Đàn ông thường ảo tưởng mình thông minh, cứ nghĩ mình là gà hóa ra chỉ là hạt đỗ xanh - Ảnh 2.

Như bạn có thể thấy, trục tung của biểu đồ thể hiện điểm IQ mà từng người ước tính, trong khi trục hoành là điểm IQ thực tế của họ. Những chấm xanh lá cây là điểm số của tình nguyện viên nữ, trong khi chấm xanh lam là của tình nguyện viên nam.

Kết quả đường trung bình màu xanh lam luôn cao hơn đáng kể so với đường trung bình màu xanh lá. Nó cho thấy nam giới thường tự ảo tưởng về trí thông minh của họ hơn phụ nữ. Có những người đàn ông nghĩ họ đạt điểm IQ lên tới 115, trong khi kiểm tra thực tế thì chỉ đạt 80 điểm.

Ngược lại, đa số những người phụ nữ tự ước tính quá thấp trí tuệ của mình. Nhiều người nghĩ họ chỉ đạt 90 điểm IQ, trong khi kiểm tra ra thì con số lên tới 130 điểm.

"Nhìn chung, khi được yêu cầu ước tính chỉ số IQ của chính mình, đàn ông thường nghĩ rằng họ thông minh hơn đáng kể so với thực tế, trong khi những người phụ nữ lại khiêm tốn hơn nhiều", Reilly viết.

"Phát hiện của chúng tôi phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây. Như nhà tâm lý học Adrian Furnham từng gọi tác động này là sự ngạo mạn của nam giới, và vấn đề khiêm tốn của nữ giới. Nó đúng với mọi người ở mọi nền văn hóa".


Nghiên cứu: Đàn ông thường ảo tưởng mình thông minh, cứ nghĩ mình là gà hóa ra chỉ là hạt đỗ xanh - Ảnh 3.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong nghiên cứu của mình, Reilly và các đồng nghiệp còn thực hiện thêm một bài kiểm tra giới tính tâm lý được gọi là "Bem Sex-Role Inventory". Bài kiểm tra này có thể ước tính độ nam tính và nữ tính của mỗi người mà không phụ thuộc vào giới tính thực tế.

Kết quả cũng cho thấy những người đàn ông và cả phụ nữ càng nam tính, sự ảo tưởng về chỉ số IQ của bản thân họ lại càng cao. Nhưng với những người phụ nữ và nam giới nữ tính, không có mối liên hệ tương tự nào được tìm thấy.

Tại sao nam giới thì ngạo mạn, còn phụ nữ lại khiêm tốn?

Bằng hàng ngàn thử nghiệm và hàng trăm nghiên cứu trong suốt nhiều thập kỷ, các nhà khoa học từ lâu đã khẳng định một thực tế: Không có sự khác biệt về chỉ số IQ giữa nam và nữ. Nghĩa là không hề có một giới tính nào thông minh hơn giới tính nào.

Tuy nhiên, thực tế khách quan ấy lại không được phản ánh chính xác vào cái nhìn chủ quan của mỗi chúng ta, nó tạo ra một định kiến dai dẳng trong mọi xã hội và mọi nền văn hóa.

Xuyên suốt lịch sử, phụ nữ được cho là kém thông minh hơn vì họ có hộp sọ nhỏ hơn. Nhưng nếu logic đó đúng, chúng ta không thể thông minh hơn loài voi. Trong khi khoa học đã chứng minh trí thông minh không phụ thuộc vào kích thước não hay kích thước hộp sọ.

Phải đến 100 năm gần đây, định kiến về giới mới bắt đầu thay đổi. Ngày nay, khi được hỏi phụ nữ hay đàn ông thông minh hơn, hầu hết mọi người sẽ đồng ý rằng giữa họ không có sự khác biệt. Hầu hết các quốc gia đều không ủng hộ định kiến giới về trí thông minh.

Nhưng các cuộc nghiên cứu tâm lý học xã hội vẫn tìm thấy một định kiến giới ngấm ngầm trong đầu chúng ta. Và dù mọi người không nói ra, vô thức họ vẫn nghĩ nam giới thông minh hơn nữ giới.

Ví dụ, khảo sát các bậc cha mẹ ước tính trí thông minh của con cái mình cho thấy: Con trai luôn được đánh giá là thông minh hơn đáng kể so với con gái. Phát hiện này đã được xác nhận tại nhiều quốc gia và nhiều nền văn hóa trên toàn thế giới.

Reilly cho biết: "Kỳ vọng của cha mẹ có thể cực kỳ ảnh hưởng đến cảm nhận trí tuệ của con cái họ, và nó cũng dự đoán được thành tích học tập của con cái họ sau này". Khi những cậu con trai được kỳ vọng có trí tuệ cao hơn, chúng sẽ xây dựng được cái tôi lớn hơn.

"Những người có cái tôi lớn thường có xu hướng nhìn nhận mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ (bao gồm cả trí tuệ của họ) một cách tích cực hơn. Trẻ em gái và phụ nữ đánh giá cái tôi của họ thấp hơn đáng kể so với trẻ em trai và nam giới. Sự khác biệt này xuất hiện sớm ở tuổi vị thành niên", Reilly nói. Và đó có thể là lý do tại sao nam giới thì hay ảo tưởng về chỉ số IQ của mình hơn là so với nữ giới.

Nghiên cứu này có ý nghĩa thế nào?

Có thể thấy, phát hiện về hiệu ứng ảo tưởng trí tuệ vượt trội ở nam giới không chỉ cảnh tỉnh những người đàn ông tự huyễn, mà nó còn giúp những người phụ nữ tự đánh giá đúng hơn khả năng của bản thân mình.

"Các nhà tâm lý học giáo dục từ lâu đã chú ý đến hiệu ứng tự ước tính trí thông minh của bản thân, bởi vì nó thường là một lời tiên tri tự hoàn thành: Nếu bạn nghĩ rằng bạn không thể làm được điều gì đó, bạn sẽ thực sự không thể làm được nó", Reilly nói.

Nghiên cứu: Đàn ông thường ảo tưởng mình thông minh, cứ nghĩ mình là gà hóa ra chỉ là hạt đỗ xanh - Ảnh 4.

Khi các cô gái đánh giá thấp trí thông minh của mình ở trường, họ thường tự ti và có xu hướng không dám chọn các môn học khó. Đó cũng là lý do tại sao ít có học sinh nữ chọn học các môn STEM như khoa học, toán học, công nghệ và kỹ thuật.

Những nhận định sai lầm này sẽ hạn chế sự lựa chọn giáo dục và nghề nghiệp của phụ nữ sau này. Sau nữa, nó cũng có thể ảnh hưởng tới tiền lương và khả năng thương lượng với nhà tuyển dụng.

"Chúng ta cần nâng cao khát vọng của trẻ em gái và phụ nữ nếu họ muốn tiếp tục giải quyết các vấn đề phức tạp mà xã hội của chúng ta đang phải đối mặt, đồng thời đạt được mức lương bình đẳng", Reilly nói. "Mọi chuyện phải được bắt đầu sớm từ việc san phẳng kỳ vọng của cha mẹ về trí thông minh theo giới tính và sự khác biệt về cái tôi giữa nam và nữ".

Chỉ có vậy, các định kiến về trí tuệ giới trong xã hội, và cả sự ảo tưởng trí tuệ siêu việt của những người đàn ông mới biến mất.

Tham khảo Theconversation

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại