Bên cạnh thực tế cho thấy càng ngày càng có nhiều người đang biến bàn làm việc của mình thành ngôi nhà thứ 2, thì một nghiên cứu lại đưa ra lời khuyên nên làm điều ngược lại: Có lẽ chúng ta nên chọn một cách tiếp cận khác đối với công việc của mình, đó là làm việc ít đi.
Nghiên cứu thú vị này được thực hiện bởi K. Anders Ericsson, một trong những chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực Tâm lý trong công việc.
Rất nhiều thí nghiệm được thực hiện trong nghiên cứu của ông đã chỉ ra rằng, mỗi ngưởi chỉ có thể tập trung vào công việc của mình trong khoảng thời gian từ 4 - 5 tiếng liên tục trước khi rơi vào trạng thái uể oải, làm việc không hiệu quả.
Một khi người đó đã qua khoảng thời gian hiệu quả công việc ở mức đỉnh cao, anh ta sẽ có xu hướng trở nên mệt mỏi và làm việc vật vờ.
Tuần làm việc quá dài có thể khiến bạn trở nên 'quá tải'
Theo Ericsson, nếu một người thường xuyên bị đẩy ra khỏi khoảng thời gian tập trung tối đa, anh ta sẽ có nguy cơ hình thành một vài thói quen xấu.
Tổi tệ hơn nữa, những thói quen xấu này thậm chí còn có khả năng làm ảnh hưởng đến khoảng thời gian năng suất của mỗi người. Khi đó, ngay cả việc thực hiện biện pháp rút ngắn giờ làm để nâng cao hiệu quả cũng sẽ trở nên vô ích.
Có rất nhiều bằng chứng trong thực tế cho thấy việc rút ngắn tuần làm việc sẽ giúp người ta gặt hái được nhiều thành quả hơn.
Ryan Carson, CEO của Công ty Giáo dục Công nghệ Treehouse (một công ty chuyên cung cấp các khóa học về công nghệ), từng chia sẻ rằng, các nhân viên trong công ty ông dường như làm việc hiệu quả hơn kể từ khi chính sách tuần làm việc 32 giờ được thực thi vào năm 2006.
Carson tin rằng, việc bắt buộc các nhân viên của mình làm việc tới 40h/tuần là một hành động vô nhân đạo.
Ryan Carson
Tuy thực hiện giảm giờ làm, song Treehouse không hề gặp phải bất kỳ khó khăn nào trong việc làm ăn của mình. Chính sách này không chỉ khiến các nhân viên thêm yêu quý và nhiệt huyết với công việc, mà còn giúp doanh thu hằng năm của họ duy trì ở con số hàng triệu USD.
Một câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra tại Reusser Design, một công ty phát triển phần mềm tại Mỹ.
Vào năm 2013, công ty này cũng đã thực hiện rút ngắn tuần làm việc xuống còn 4 ngày/tuần. Mặc dù ngày làm việc bị kéo dài hơn để bù cho ngày thứ 6, thế nhưng người sáng lập công ty, Nate Reusser vẫn khẳng định năng suất công việc đã tốt hơn một cách rõ rệt.
Một số bằng chứng cũng cho thấy, giải pháp cho vấn đề suy giảm sự tập trung trong công việc không chỉ là cắt giảm giờ làm mà còn nằm ở cách các nhà lãnh đạo phân bổ thời gian làm việc của nhân viên trong công ty mình.
Cựu Thống đốc bang Utah, Hoa Kỳ, Jon Huntsman đã từng đưa ra một bằng chứng cho quan điểm này.
Năm 2008, ngay giữa cuộc khủng hoảng tài chính đang làm đất nước này điêu đứng, Huntsman đã thực hiện kế hoạch tổ chức lại tuần làm việc từ 5 ngày 8 tiếng sang 4 ngày 10 tiếng.
Jon Huntsman, Cựu Thống đốc bang Utah, Hoa Kỳ
Các thay đổi này một mặt đã giúp chính quyền tiết kiệm một khoản tiền lớn trong thời kì khó khăn qua việc cắt giảm một số tài nguyên và năng lượng sử dụng trong các tòa công sở.
Mặt khác, chúng còn góp phần gia tăng tinh thần làm việc cho các nhân viên khi họ được tận hưởng thêm các ngày nghỉ và không còn phải vất vả chen lấn trong giờ tắc đường.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng có thể được hưởng rất nhiều lợi ích từ việc chỉ học 4 ngày/tuần.
Một nghiên cứu được công bố vào năm trước cho thấy, điểm số các bài kiểm tra của những học sinh lớp 4 và lớp năm đã tiến bộ đáng kể sau khi các em này chỉ phải học 4 ngày/tuần.
Nói cách khác, học sinh sẽ gặp phải nhiều vấn đề về tập trung khi phải cố gắng giải quyết các bài tập khó ở trên lớp trong một khoảng thời gian dài.
Rõ ràng, mỗi người không cần phải làm việc tới 40 giờ mỗi tuần để đạt được hiệu suất tối đa trong công việc. Có lẽ chúng ta nên để ý đến bản thân mình nhiều hơn mỗi khi cảm thấy bị 'quá tải' và cân nhắc đến việc cắt giảm tuần làm việc của mình.