Theo một nghiên cứu vừa được công bố mới đây tại Mỹ, bão Mặt Trời có thể là ‘thủ phạm’ khiến tàu Titanic va chạm với một tảng băng trôi vào ngày 15/4/1912. Vụ va chạm này đã dẫn tới một trong những thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất trong lịch sử, khiến 1517 người thiệt mạng.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Mila Zinkova - một nhà khí tượng học người Mỹ, vào đêm định mệnh khi tàu Titanic gặp nạn, hiện tượng cực quang đã xuất hiện trên bầu trời Đại Tây Dương. Đây là hiện tượng diễn ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió Mặt trời với tầng khí quyển bên trên của Trái Đất.
Bão Mặt trời đã khiến hệ thống định vị của tàu Titanic gặp trục trặc, khiến con tàu này lệch hướng trước khi lao vào một tảng băng trôi trên Đại Tây Dương
"Thời tiết êm đềm, biển êm, không có gió. Bầu trời trong xanh, và các vì sao sáng. Không có mặt trăng, nhưng cực quang lấp lánh như những tia trăng bắn lên từ đường chân trời phía Bắc", James Bisset, một sĩ quan trên Carpathia - con tàu từng tham gia công tác cứu hộ tàu Titanic – đã ghi lại trong nhật ký của mình khoảng một giờ trước khi tàu Titanic va phải tảng băng trôi.
Theo đó, một cơn bão từ cực mạnh có thể đã tác động nhẹ tới việc điều hướng của hệ thống la bàn trên tàu Titanic.
Thủy thủ đoàn của Titanic sau đó đã phải thực hiện một số điều chỉnh về mặt hải trình, khiến con tàu đi lệch hướng so với kế hoạch ban đầu. Chính sự điều chỉnh này đã khiến Titanic sau đó va chạm với tảng băng trôi khổng lồ khi đang di chuyển trên Đại Tây Dương.
Đáng chú ý, cơn bão từ này cũng có thể đã làm gián đoạn tín hiệu liên lạc giữa tàu Titanic và các tàu khác trong vùng biển lân cận, vô hình trung khiến các các cuộc gọi yêu cầu cứu nạn từ con tàu chở khách này không được phản hồi.
Hiện tượng cực quang gây ra bởi bão Mặt Trời đã diễn ra cùng thời điểm tàu Titanic gặp nạn
Tuy nhiên, khá thú vị là cơn bão từ xảy ra vào đêm 15/4/1912 có thể đã cứu sống hàng trăm hành khách trên tàu Titanic. Theo đó, sự gián đoạn của từ trường đã có tác dụng ngược - giúp bù đắp sai số ở vị trí phát tín hiệu của tàu Titanic.
Cụ thể, tàu Carpathia đến đúng vị trí nơi các thuyền cứu sinh đang trôi dạt, mặc dù con tàu này trước đó định vị lệch vị trí chính xác của tàu Titanic tới 25km do hệ thống la bàn cũng bị ảnh hưởng bởi bão từ. Kết quả, tàu Carpathia đã thành công trong việc giải cứu 705 người trên 20 thuyền cứu sinh của Titanic.
Ngay sau khi công bố, nghiên cứu được thực hiện bởi nhà khí tượng học Mila Zinkova đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Chris Scott, nhà vật lý không gian và khí quyển của Đại học Reading, người không tham gia nghiên cứu, nhận định:
"Việc rất nhiều người nhìn thấy cực quang khiến tôi tin tưởng rằng đã có một sự kiện ‘thời tiết không gian’ xảy ra".
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc lập mô hình tầng điện ly của Trái đất vào đêm xảy ra thảm họa cũng như việc mô phỏng các tín hiệu radio được gửi đi bởi các con tàu gần với Titanic có thể làm sáng tỏ lý do tại sao tín hiệu cấp ứu cứu được Titanic gửi đi liên tục gặp trục trặc.
Trong khi đó, Tim Maltin, nhà sử học chuyên nghiên cứu về Titanic lại khẳng định, có đủ bằng chứng cho thấy một cơn bão mặt trời đã xảy ra cùng thời điểm tàu Titanic gặp nạn. Tuy nhiên, cơn bão từ này ‘không phải là một yếu tố quan trọng’ khiến tàu Titanic bị chìm, theo khẳng định của nhà sử học này.
Tham khảo DailyMail