Nhân viên y tế tại Uganda chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Ảnh: Getty Images
Tuần trước, Israel đã suýt phải vứt bỏ 1 triệu liều vaccine Pfizer chưa được sử dụng. Nhu cầu trong nước giảm xuống thấp và số vaccine này sẽ hết hạn vào cuối tháng 7.
Israel đã phải gấp rút đàm phán với Chính quyền Palestine và các quốc gia khác để tiến hành trao đổi. Cuối cùng, Tel Aviv đã tìm ra một người sẵn sàng tiếp nhận. Hôm 6/7, Israel thông báo sẽ chuyển trước cho Hàn Quốc 700.000 liều vaccine. Đổi lại, Hàn Quốc đồng ý chuyển ngược lại Israel một số lượng vaccine tương tự khi họ nhận được lô vaccine từ Pfizer vào tháng 9 và 10.
Tình trạng dư thừa vaccine là một vấn đề mới đối với các quốc gia giàu có và độc quyền về nguồn cung trên toàn cầu. Nó tồn tại như một nghịch lý khi nhiều quốc gia nghèo vẫn tuyệt vọng chưa thể bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, hoặc không có đủ nguồn cung để phân phối vaccine đến người dân.
Theo trang dữ liệu Our World in Data, có không đến 1% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp đã được tiêm dù chỉ một liều duy nhất vaccine phòng COVID-19. Papua New Guinea và Chad đều mới tiêm vaccine cho chỉ trên 0,1% dân số của họ, theo số liệu do The New York Times tổng hợp.
Mỹ bão hoà vaccine
Một số bang của Mỹ đang đối mặt với vấn đề tương tự như Israel. Hani Mahmassani, Giám đốc Trung tâm Giao thông tại Đại học Northwestern, nói với tờ Insider: “Nếu bạn nhìn vào Mỹ, rõ ràng chúng ta đang tiến tới mức bão hòa về mức độ sẵn sàng tiêm chủng cho người dân”.
Một biển cổ động tiêm chủng ở Birmingham, bang Alabama, Mỹ ngày 30/6/2021. Ảnh: AFP/ Getty Images
Nhiều liều vaccine đang bị bỏ không ở những tiểu bang có tỉ lệ tiêm thấp. Theo hãng tin AP, các tiểu bang Oklahoma, Alabama, Utah, Delaware và New Hampshire đã ngừng yêu cầu chính phủ cung cấp vaccine mới vì kho dự trữ vẫn dư thừa. Vào tháng 6, Tennessee và North Carolina đã gửi trả lại hàng triệu liều vaccine cho chính phủ liên bang do nhu cầu thấp; bang Mississippi trả lại hơn 870.000 liều, và tặng 32.400 liều cho Maine và Rhode Island.
"Ở Mississippi, nếu mọi người không hiểu tầm quan trọng của việc giữ mạng sống, thì chúng tôi muốn bảo vệ những người Mỹ khác", Thomas Dobbs, Quan chức Y tế Tiểu bang Mississippi cho biết.
Vaccine hết hạn ở những quốc gia đang thiếu
Tình trạng vaccine hết hạn không chỉ xảy ra ở các quốc gia thịnh vượng. Tại Đông Âu, Romania cũng đối mặt vấn đề này do khó khăn về kho bảo quản. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng thấp, với 23% người dân được tiêm đầy đủ, Romania đã để hết hạn 43.000 mũi vaccine AstraZeneca trong tháng 6. Để giải phóng kho dự trữ, nước này tuyên bố sẽ bán lại khoảng 1,2 triệu liều vaccine cho Đan Mạch và 1 triệu liều cho Ireland.
Bulgaria cũng đang tìm cách cho đi những liều vaccine dư thừa của mình, cho dù chỉ mới khoảng 12% dân số được tiêm chủng. Cả nước đã nhận được 4,6 triệu liều nhưng mới chỉ sử dụng 1,8 triệu liều.
Nghệ sĩ vĩ cầm chơi đàn cổ vũ người dân tại trung tâm tiêm chủng ở Bucharest, Romania vào ngày 7/5/2021. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo các bản tin địa phương, tỷ lệ sử dụng vaccine ở cả hai quốc gia Đông Âu nói trên đều thấp, một phần do các vấn đề hậu cần nhưng cũng do tâm lý do dự của người dân.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một số nước châu Phi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 1,25 triệu liều AstraZeneca, rải rác ở 18 quốc gia châu Phi, sẽ hết hạn trừ khi chúng được sử dụng vào cuối tháng 8.
Hồi tháng 5, Malawi, quốc gia ở đông nam Phi, đã phải tiêu huỷ gần 20.000 liều vaccine AstraZeneca khi vừa nhận được vì lô hàng đã hết hạn 18 ngày. Quyết định tiêu huỷ được đưa ra bất chấp bảo đảm từ Liên minh châu Phi và WHO rằng lô vaccine vẫn an toàn cho đến giữa tháng 7. Trước đó, một lô khác gồm 102.000 liều được chuyển đến vào 26/3 và hết hạn không đầy 3 tuần sau vào 13/4, khiến Malawi chỉ sử dụng được khoảng 80% trong khoảng thời gian đó.
Giải pháp: Kéo dài thời hạn sử dụng?
Theo một bài đăng trên blog từ GAVI, một tổ chức công - tư hỗ trợ phân phối vaccine cho các nước nghèo, các nhà sản xuất vaccine đã "cực kỳ thận trọng" khi ấn định thời hạn sử dụng của vaccine phòng COVID-19.
Vỏ lọ vaccine Pfizer/BioNTech đã hết tại Munich, Đức ngày 15/5/2021. Ảnh: AP
Hầu hết các loại vaccine đều có hạn sử dụng khoảng 3 năm sau khi sản xuất, nhưng thời hạn sử dụng của vaccine COVID-19 lại ngắn hơn rất nhiều: 6 tháng đối với vaccine Pfizer, Moderna và AstraZeneca; 3 tháng đối với vaccine Johnson & Johnson.
Tháng trước, Johnson & Johnson đã nới dài thêm 6 tuần với thời hạn sử dụng của hàng triệu liều thuốc chưa sử dụng ở Mỹ, vốn có thời hạn ban đầu là 10/6.
Hồi tháng 5, Canada cũng đã chấp thuận kéo dài thời hạn sử dụng của hai lô vaccine AstraZeneca thêm 30 ngày.
Tuy nhiên, theo tờ Times of Israel, hãng Pfizer đã cảnh báo Israel rằng họ không thể đảm bảo rằng vaccine của công ty sẽ an toàn sau thời hạn sử dụng hiện tại.