Nghịch lý trong việc tăng phí dịch vụ ngân hàng

Hoàng Linh |

Nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng phí sử dụng dịch vụ trong khi đó, chất lượng lại không được cải thiện.

Ma trận phí thẻ ngân hàng

Mới đây, loạt ngân hàng có số lượng khách hàng sử dụng thẻ nhiều nhất trên thị trường như Agribank, Vietcombank… thông báo áp dụng biểu phí dịch vụ mới, trong đó, đáng chú ý có mức tăng phí rút tiền ATM nội mạng.

Lần điều chỉnh này của các ngân hàng lớn đã vấp phải sự phản ứng của khách hàng bởi giao dịch rút tiền nội mạng là giao dịch phổ biến nhất mà bất cứ người dùng thẻ nào cũng sử dụng.

Nhiều khách hàng phản ánh, biểu phí dịch vụ thẻ và dịch vụ thanh toán thẻ của ngân hàng với 20-30 hạng mục thu phí khác nhau khiến khách hàng bối rối. Thậm chí, nhiều người khẳng định rất mù mờ về phí dịch vụ ngân hàng.

Cụ thể, khách hàng Nguyễn Đức Thuận cho biết, trong số hơn 80 đầu mục khoản phí phải thu đối với các loại thẻ mà ngân hàng Vietinbank công bố (có hiệu lực từ 5/5), chỉ có khoảng 10 dịch vụ được miễn phí như phí đăng ký dịch vụ, thông báo giao dịch bằng SMS, phí thường niên cho thẻ tài chính cá nhân.

Trong khi đó, nhiều loại phí cao hơn ngân hàng khác như phí rút tiền mặt tại ATM là 2.200 đồng (đối với thẻ ghi nợ Gold và Pink-Card), chuyển khoản liên ngân hàng là 10.000 đồng/lần, trong khi mức phí chuyển tiền tại ATM của Agribank tối thiểu 8.000 đồng.

Cùng chung quan điểm với khách hàng Đức Thuận, chị Thu Anh (khách hàng của Vietcombank) cho biết, biểu phí cho khách hàng cá nhân của ngân hàng Vietcombank dài tới 12 trang. 

Riêng dịch vụ thẻ cũng có tới hàng chục hạng mục khác nhau liên quan đến từng hạng thẻ khiến khách hàng khó theo dõi, đặc biệt với những khách lớn tuổi. Trong khi đó, chi phí dịch vụ ngân hàng cũng không hề dễ chịu. 

Dẫn chứng quan điểm này, vị khách lấy ví dụ, chi phí để mở một chiếc thẻ ATM của Vietcombank lần đầu là 50.000 đồng. Một số hạng thẻ cần có phí duy trì từ 5.000 – 30.000 đồng/tháng. 

"Chưa tính đến các chi phí khác, duy trì một chiếc thẻ ATM của Vietcombank tốn đến gần 150.000 đồng", chị Thu Anh phân tích.

Theo khách hàng, khi so sánh biểu phí thẻ của các ngân hàng, cùng dịch vụ nhưng ngân hàng có mức thu phí khác nhau.

"Thật khó để chọn được ngân hàng mà có thể né được nhiều khoản phí ATM, bởi nếu miễn phí hoặc phí thấp ở dịch vụ này, thì dịch vụ khác lại cao phí hơn", khách hàng của ngân hàng Agribank, Nguyễn Thái Linh cho hay.

Nghịch lý trong việc tăng phí dịch vụ ngân hàng - Ảnh 1.

Một thẻ ngân hàng sẽ phải chịu rất nhiều khoản phí khác nhau. Ảnh biểu phí dịch vụ thẻ ghi nợ E-partner của ngân hàng Vietinbank.

Nghịch lý trong việc tăng phí dịch vụ ngân hàng - Ảnh 2.

Biểu phí tương ứng với nhiều loại thẻ khác nhau của ngân hàng Agribank (cập nhật ngày 4/5).

Bất lực chấp nhận các khoản thu phí thẻ 

Theo lý giải của một số ngân hàng, lần điều chỉnh tăng phí rút tiền ATM nhằm bù đắp phần nào cho hàng loạt chi phí như thuê chỗ đặt máy ATM, bảo trì, điện….

Tuy nhiên, ý kiến phản hồi của khách hàng cho rằng, mặc dù đã nhiều lần các ngân hàng tăng phí dịch vụ, song không đi liền với điều chỉnh, nâng cấp dịch vụ, đặc biệt là giao dịch rút tiền tồn tại bất cập.

Theo phân tích của khách hàng, phí thu dựa trên số lượng giao dịch tại cây ATM chứ không phải dựa trên giá trị số tiền được rút.

Vậy nên, việc ngân hàng áp dụng hạn mức rút trong một ngày (ở mức 30- 50 triệu đồng) cũng như số tiền tối đa cho một lần rút nội mạng rất thấp (tối đa khoảng 5-10 triệu) khiến khách hàng phải chấp nhận rút nhiều lần hơn và tốn phí hơn.

"Vào các ngày lễ, tết hoặc với những ngân hàng đông khách mở thẻ như Agribank, Vietcombank thì tình trạng ATM báo hết tiền không phải hiếm. Nhiều lần đi 3-4 ATM không thể rút được tiền nội mạng. Nếu chuyển sang ATM ngoại mạng với mức 3.000 đồng/lần rút, chi phí rút tiền có lần tốn đến cả chục nghìn, rất khó chịu", chị Hoài Lan (trú tại Láng Hạ, Hà Nội) bày tỏ.

Nghịch lý trong việc tăng phí dịch vụ ngân hàng - Ảnh 3.

Nhiều khách hàng phàn nàn về giới hạn khoản tiền rút của ngân hàng khiếnchi phí cho dịch vụ rút tiền tăng.

"Ngân hàng kêu thu phí rút tiền tại ATM là để duy trì đến khi hết lỗ sẽ ngừng thu, đến giờ bao nhiêu năm rồi, có ngừng thu hay vẫn thu?", tài khoản Electra 2.0 đặt câu hỏi trên diễn đàn Otofun về việc điều chỉnh hàng loạt loại phí dịch vụ của ngân hàng trong thời gian gần đây.

Đây cũng là câu hỏi của rất nhiều khách hàng, trong khi ngân hàng "trần tình" cần thu phí để bù lỗ, thì báo cáo kinh doanh 2017 của các nhà băng lại vẽ lên bức tranh ngược lại. Nhiều ngân hàng tổng kết 2017 lãi đậm.

Sau khi trừ đi dự phòng, Vietcombank báo lãi kỷ lục 11.018 tỷ đồng, mức lãi được ghi nhận là cao hàng nhất nhì trong hệ thống ngân hàng Việt tới nay.  

Bức tranh lợi nhuận của ngân hàng Agribank cũng rất sáng sủa khi lợi nhuận trước thuế đạt 5.018 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016. VietinBank có mức lãi từ hoạt động dịch vụ trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Trong bối cảnh một loạt ngân hàng lớn cùng nhau tăng phí ATM, chiều 9/5, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng xem xét việc tăng phí và ngừng điều chỉnh vào thời điểm này.

Cùng đó, yêu cầu các ngân hàng phải thông tin để khách hàng hiểu rõ, chia sẻ, khi tăng phí phải đảm bảo dịch vụ tốt hơn.

Yêu cầu từ phía Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng nhận được sự đồng tình của rất nhiều khách hàng đang sử dụng thẻ ATM.

"Việc tăng phí có thể được chấp nhận nếu ngân hàng làm rõ tăng để làm gì, lộ trình tăng ra sao.  Đối với chủ thẻ, chỉ cần duy trì những dịch vụ tối thiểu nào, tránh tình trạng bức xúc mỗi lần ngân hàng bất ngờ nhắn tin trừ phí, khách không hiểu vì sao trừ", anh Nguyễn Hồng Minh (một khách hàng) bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ sau năm 2015 trở đi, mức phí rút tiền nội mạng tối đa của các ngân hàng thương mại là 3.300 đồng/lần (gồm thuế VAT). Hiện nay, mức phí phổ biến là 1.100 đồng/lần.

Mặc dù lần điều chỉnh này của nhiều ngân hàng được cho là chưa vượt trần của ngân hàng nhà nước, song vẫn vấp phải sự phản ứng của khách hàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại