Nghịch lý quan hệ tình báo Mỹ và Tổng thống dưới thời ông Trump: Càng bất đồng càng có lợi

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Chưa có tổng thống nào trong lịch sử cho tới nay của nước Mỹ lại nhạo báng các cơ quan tình báo, an ninh như ông Trump hiện tại.

Cơ quan tình báo nói một đằng, ông Trump nói một nẻo

Ở nước Mỹ, các cơ quan tình báo, an ninh, phản gián và mật vụ hàng năm đều phải có báo cáo đánh giá về những mối đe doạ và nguy cơ an ninh đối với nước Mỹ.

Những văn kiện thường niên này thường sau đấy nhanh chóng bị quên lãng bởi những nhận định và đánh giá cũng như khuyến nghị thường được các tổng thống tại nhiệm ghi nhận, tiếp thu và lưu ý đến trong hoạch định chính sách cầm quyền.

Thực tế này giúp cho các cơ quan tình báo, an ninh, phản gián và mật vụ theo thời gian có được uy tín và ảnh hưởng, sự tin cậy và nhờ đó quyền lực rất cao. Nhưng năm nay lại khác biệt rất cơ bản. Nguyên do là những cơ quan kia thì vẫn thế nhưng tổng thống đất nước lại là ông Donald Trump.

Ngay sau khi các cơ quan tình báo, an ninh, phản gián và mật vụ công bố bản báo cáo, ông Trump đã bình luận bản báo cáo theo cách riêng của mình là phê phán nặng nề các tác giả.

Ông Trump coi sản phẩm chiến lược của các cơ quan kia không ra gì và không đúng với thực tế, đánh giá những cơ quan kia nhẹ dạ và non kém, đồng thời khuyên nhân viên của họ về trường đi học lại nghiệp vụ.

Tức là ở đây có sự bất đồng quan điểm và cả hai phía đều chủ ý công khai hoá sự khác biệt quan điểm ấy và mấu chốt không phải ai đúng hay ai sai trong nhận thức và đánh giá mà ở chỗ các cơ quan tình háo và an ninh, mật vụ và phản gián kia biết ông Trump nghĩ khác và muốn khác nhưng vẫn không soạn thảo báo cáo theo hướng mục đích của ông Trump.

Ông Trump luôn ca ngợi tiến triển của quá trình hoà bình và hoà giải với Triều Tiên thì giới tình báo và an ninh Mỹ trong báo cáo năm nay lại coi Triều Tiên là mối đe doạ an ninh hàng đầu của Mỹ, còn nguy hiểm hơn cả Iran.

Ông Trump thù địch và tập trung đối phó Iran thì phía an ninh và tình báo lại xác nhận Iran tuân thủ nghiêm chỉnh thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran cũng như không hề làm gì theo hướng phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Trump thể hiện thân thiện và coi trọng cả tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì cơ quan an ninh và tình báo Mỹ nhấn mạnh thách thức an ninh ở tầm vóc chiến lược đối với Mỹ là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga mà hiện tại "tốt đẹp như chưa từng thấy kể từ năm 1956 đến nay".

Hay như ông Trump cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị tiêu diệt và quyết định rút quân Mỹ ra khỏi Syria là đúng đắn và cần thiết thì bên an ninh và tình báo cho rằng tàn dư của IS vẫn là đe doạ an ninh đối với Mỹ và Mỹ không nên vội vã rút quân khỏi Syria.

Càng bất đồng càng có lợi

Trong báo cáo ấy, các cơ quan soạn ra nó không ngại ngần hàm ý là vì quan điểm chính sách của ông Trump, đối với EU hay Nato, về chính trị an ninh thế giới hay kinh tế và thương mại thế giới, trong quan hệ với các đối tác lớn hay với các thể chế, tổ chức đa phương quốc tế, đã làm cho quan hệ của Mỹ với các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ bị tổn hại nghiêm trọng mà càng như thế thì chỉ càng có lợi cho các đối thủ của Mỹ.

Cả phía tác giả của báo cáo lẫn ông Trump đều thừa biết rằng công khai bất đồng quan điểm như thế này thì chẳng khác gì tự vạch áo cho người xem lưng. Nhưng cả hai phía đều chủ ý như thế vì biết rằng phải công khai bất đồng thì mới được lợi hoặc tránh bị bất lợi trong khi lựa theo ý nhau để có đồng thuận thì chỉ bị bất lợi.

Phía các cơ quan an ninh, tình báo, phản gián và mật vụ không có nhu cầu tái tranh cử và phải tranh thủ cử tri như ông Trump mà chỉ rất cần bảo vệ uy tín cho mình, cụ thể là mức độ đáng được tin cậy, khách quan và chuẩn xác.

Họ phải xuất phát từ thực tiễn, từ chứng cứ, từ số liệu và sự kiện. Nhưng họ cũng còn theo đuổi một mục đích khác nữa.

Trong thời gian trị vì nước Mỹ đến nay, ông Trump thường quyết định dựa trên suy nghĩ riêng của mình nhiều hơn là theo khuyến nghị và tư vấn của bộ máy công quyền và cộng sự.

Các cơ quan an ninh và tình báo kia dùng việc công khai hoá quan điểm khác với quan điểm của ông Trump để kiềm chế cung cách đưa ra quyết sách đó của ông Trump. Họ không được giao nhiệm vụ làm chính trị, nhưng rõ ràng có ý kiểm soát và tác động tới cách thức hành pháp của ông Trump.

Trong khi đó, ông Trump cần sự công khai hoá bất đồng quan điểm với những cơ quan kia để khai thác tác động dân tuý của một trong những cam kết tranh cử trọng tâm là phá bỏ những co cụm quyền lực và cơ chế chi phối quyền lực lâu nay ở Mỹ mà ông Trump cho rằng vì thế chính trị ngày càng xa rời xã hội và trở nên phi thực tế.

Nghịch lý quan hệ tình báo Mỹ và Tổng thống dưới thời ông Trump: Càng bất đồng càng có lợi - Ảnh 3.

Những bài viết cùng tác giả

Ông Trump công khai hoá sự bất đồng này để khẳng định những gì đã quyết và cách thức đi đến những quyết sách ấy trong thời gian qua là đúng đắn, để thể hiện độc lập suy xét và tự chủ quyết định, bản lĩnh và tầm vóc cầm quyền.

Đối với ông Trump, điều quan trọng không phải báo cáo kia đúng hay sai mà là làm cho bộ phận cử tri Mỹ ủng hộ mình luôn và vẫn tin rằng chỉ có ông Trump luôn luôn đúng và vì thế tất cả những gì khác với ý của ông Trump đều sai. 

Cái mà ông Trump cần là được bộ phận cử tri kia tin nên ông Trump mới phản pháo lại như thế.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại