Trong nhiều tuần gần đây, giá rau ở Trung Quốc đã tăng vọt, khiến người tiêu dùng nước này lo ngại về giá thực phẩm.
"Rau đắt đến nỗi tôi buộc phải ăn thịt. Hôm nay tôi đã phải mua một cây súp lơ với giá 10 tệ (1,5 USD). Trong khi đó, vài ngày trước nó chỉ có giá 3,5 tệ", một người dùng Weibo bình luận.
Từ tháng 10, những lời phàn nàn tương tự đã tràn ngập trên các mạng xã hội ở Trung Quốc. Từ khóa phổ biến nhất là "15 tệ cho 1 kg hạt đậu", "12,8 tệ/kg rau chân vịt" hay "5,5 tệ cho 1 quả dưa chuột".
Nhiều người dùng Internet Trung Quốc thậm chí còn nói rằng ở một số nơi, rau hiện có giá cao hơn thịt heo – loại thực phẩm có giá bán buôn khoảng 20 nhân dân tệ/kg vào nửa cuối tháng 10.
Khủng hoảng giá rau củ
Mới đây, tờ Global Times đã khảo sát một chợ rau ở Thượng Hải và thấy rằng giá bán lẻ của một số loại rau đã tăng lên 20 nhân dân tệ/kg, ngang bằng với giá thịt heo. Sau khi xem bảng giá, không ít người tiêu dùng đã rời khỏi chợ mà không mua bất kỳ loại rau nào.
"Giá cần tây đã tăng lên mức 30 tệ/kg trong tuần này. Một số được hái sau khi các cánh đồng bị ngập lụt. Nhiều loại không có sẵn vì thời tiết quá lạnh", một chủ cửa hàng trong chợ cho biết.
Một nông dân ở Shouguang, tỉnh Sơn Đông - một vựa rau lớn, cũng nói với Global Times rằng sản lượng rau năm nay rất thấp. Sản lượng cà chua giảm 1/4 so với những năm trước do mưa lớn bất thường.
Theo số liệu gần đây do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MOA) công bố, giá rau trong tháng 10 trên toàn quốc đã tăng 16% so với tháng trước. Giá 26 loại rau đã tăng từ tháng 9, trong đó dưa chuột và rau chân vịt tăng lần lượt là 80% và 45% trong tháng 10.
Zhang Jing, một nhà phân tích của MOA nói rằng khủng hoảng giá rau củ năm nay xảy ra sau khi nhiều khu vực cung cấp rau lớn ở miền Bắc Trung Quốc trải qua đợt mưa lớn dẫn đến ngập lụt nghiêm trọng trên các cánh đồng rau.
Thay đổi thói quen
Giá rau tăng đã khiến người tiêu dùng trẻ tìm nhiều cách khác để tiết kiệm tiền. Một số người bắt đầu săn deal giảm giá trên các nền tảng thương mại điện tử trong khi những người khác chuyển sang mua rau giảm giá vào tối muộn.
Liang Yuhao, một kỹ sư ở Hợp Phì là một trong những người tiêu dùng cảm thấy "đau ví" vì giá rau tăng chóng mặt. "Giá dưa chuột đã tăng hơn gấp đôi, vọt lên 15 tệ/kg. Tốc độ này thật là điên rồ", anh nói với Global Times.
Vì rau quá đắt, nhiều người "thà ăn thịt còn hơn".
Do thường tự nấu ăn, giờ đây Liang phải tính toán kỹ lưỡng giá giữa các loại rau trước khi mua. "Nó giống như làm toán. Tôi có xu hướng so sánh giá của một số nền tảng thương mại điện tử để xem bên nào giá tốt hơn. Vì dùng nhiều phiếu giảm giá nên số rau tôi mua có thể sử dụng trong 1 tuần", anh cho biết thêm.
Không giống Liang, Pan Chao – một nhà thiết kế ở Thượng Hải, thích mua thực phẩm tại khu chợ địa phương. "Rau ở chợ địa phương rẻ hơn đáng kể. Sau khi mua ở đây, chi phí cho 3 bữa ăn của tôi chỉ còn dưới 30 tệ/ngày, thấp hơn 20% so với việc mua trên nền tảng thương mại điện tử. Chỉ cần đi theo những người già có vẻ có kinh nghiệm ở chợ, bạn sẽ mua được rau vừa ngon vừa rẻ", Pan nói.
Những người khác bắt đầu chuyển sang các mặt hàng giảm giá tại siêu thị. "Từ 8 giờ tối, các siêu thị thường giảm giá thực phẩm tươi sống chưa bán được. Nếu đến đúng thời điểm, bạn có thể mua được nhiều thứ với giá giảm tới 50%. Đó là lý do tôi thường ghé vào siêu thị vào thời điểm này", một nhân viên ngân hàng ở Bắc Kinh cho biết.
Để đối phó với việc giá rau tăng mạnh, MOA đã đưa ra một thông báo vào cuối tuần trước, yêu cầu chính quyền địa phương đảm bảo nguồn cung ổn định và giá cả ổn định của rau và coi đó là nhiệm vụ chính trước mắt.
Nguồn: Global Times