Nghịch lý nghề giao hàng: Đơn hàng "nổ" càng nhiều thua lỗ càng lớn

CTV Khánh Huyền |

Giá xăng, dầu dần tiến sát 30.000 đồng/lít khiến tài xế xe công nghệ, shipper (người giao hàng) gặp khó. Đơn hàng “nổ” liên tục nhưng càng làm càng lỗ khiến nhiều shipper, tài xế xe công nghệ tính bỏ việc.

Những ngày qua, giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh, trong đó xăng RON95 lên sát 30.000 đồng/lít. Giá tăng liên tục, đạt kỷ lục trong những năm trở lại đây. Ngoài việc kéo giá các mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo, thực phẩm, đồ gia dụng,… tăng theo, xăng dầu tăng giá còn tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, đặc biệt là cước giao hàng của những shipper (người giao hàng) và những tài xế công nghệ.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa, một tài xế xe công nghệ cho biết, từ ngày giá xăng tăng, chạy xe công nghệ gặp rất nhiều khó khăn.

“Giá xăng tăng cao khiến cho cuộc sống của gia đình tôi trở nên “chao đảo”. Cách đây một năm, 60.000 đồng tiền xăng chạy được cả ngày. Còn bây giờ, muốn chạy như vậy tôi phải đổ gấp đôi là 120.000 đồng. Bên cạnh đó, còn nhiều thứ ăn theo như tiền bảo dưỡng xe, tiền cơm, phí sinh hoạt,… Lắm lúc, hai vợ chồng cãi nhau gay gắt đến nỗi tôi đã nghĩ muốn bỏ nghề hoặc vừa chạy xe vừa làm thêm nghề khác để kiếm thêm thu nhập.”, anh Nghĩa giãi bày.

Anh Nghĩa cho biết thêm: “Trong những ngày giá xăng chưa tăng, thu nhập trung bình của tôi dao động từ 400.000 đồng - 600.000 đồng (tuỳ hôm đông khách), trừ những chi phí: tiền cơm, xăng xe,… cũng dư khoảng 300.000 đồng. Thế mà, mấy tuần nay thu nhập chưa tới 200.000 đồng”.

Từ ngày giá xăng tăng cao, nhiều shipper chọn ở cố định một chỗ nhiều hơn thay vì chạy xe lang thang kiếm đơn hàng.

Xăng tăng giá như đang “gặm nhấm” trực tiếp vào ví tiền của những tài xế xe ôm công nghệ bởi tiền xăng là khoản chi phí hàng ngày và bắt buộc mà mỗi tài xế phải tự móc tiền túi của mình ra trước khi nổ xe đi làm.

Ngồi chờ đơn hàng bên vỉa hè, shipper Đặng Xuân Trường chia sẻ, mấy ngày qua giá xăng tăng liên tục nhưng cước phí giao hàng vẫn giữ mức cũ khiến thu nhập của người giao hàng giảm sút đáng kể.

“Bây giờ chỉ biết chạy ngày nào hay ngày đó. Giá xăng tăng cao ảnh hưởng rất lớn tới thu nhập của tôi. Bình thường tôi chạy 20-30 đơn, trừ hết những chi phí khác thì số tiền tôi thu được khoảng 400.000 đồng. Từ lúc giá xăng tăng, riêng tiền đổ xăng đã chiếm một khoản đáng kể.

Mặc dù tôi là người chi tiêu hợp lý, sống tiết kiệm, không thuốc lá, không ngồi quán xá chờ đơn như những người khác nhưng xăng là nhiên liệu bắt buộc phải chi để làm việc nên không thể tiết kiệm hơn được nữa.”, anh Trường tâm sự.

Cùng cảnh ngộ, anh Hoàng Ngọc Khanh, một shipper đang giao hàng cho khách chia sẻ: “Giá xăng tăng cao, tôi thường nhận giao nhiều đơn cùng một khu để tiết kiệm chi phí đi lại. Trước đây, để kiếm thêm thu nhập, tôi nhận giao hàng khắp nơi, cứ có cửa hàng gọi ship tôi đều nhận giao.

Nhưng đến bây giờ, tôi chỉ nhận giao cùng chỗ thôi vì đi lại nhiều tốn xăng lắm. Không những thế, có những chỗ cách xa nhau, chưa kể tắc đường đã tốn bao nhiêu xăng rồi. Giá xăng tăng mà không tăng giá giao hàng thì shipper là người thiệt thòi. Tuy nhiên, nếu giá giao hàng tăng, ít người đặt hàng thì lại thiệt thòi nhiều hơn.”

Bên cạnh những tài xế xe máy công nghệ, những người lái taxi, ô tô công nghệ cũng phải chịu thiệt thòi không kém vì giá xăng, dầu tăng.

Anh Phạm Ngọc Sơn, một người lái ô tô công nghệ cho biết, từ khi mọi chi phí tăng, xăng tăng, … cơn “bão giá” khiến hàng loạt lái xe mong muốn tăng giá cước để bù lại thu nhập.

“Mọi thứ đều tăng, mỗi giá cước không thay đổi nên thu nhập giảm 30% - 40%. Trước đây chỉ cần chạy một ứng dụng đã có thu nhập khoảng 15 triệu đồng, có thể chi tiêu thoải mái. Nhưng đến bây giờ, dù chạy tận ba ứng dụng thay phiên liên tục nhưng vẫn không bù lại được tiền xăng, thu nhập giảm sút trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Mặc dù giá xăng tăng cao như vậy, nhưng công ty vẫn không điều chỉnh lại giá cước.”, anh Sơn cho biết.

Cũng theo anh Sơn, anh đã phải chứng kiến nhiều đồng nghiệp bỏ việc, bán xe đổi nghề khác vì giá xăng cứ liên tục tăng cộng thêm những chi phí khác không gồng gánh nổi.

Anh Sơn cho hay: “Vừa rồi, đã có 1 anh bạn của tôi phải bán xe trả nợ. Giá xăng cao quá, không chịu nổi nhiệt nữa đành rao bán xe vì có chạy cả ngày, trừ chi phí, trừ tiền lãi ngân hàng đã vay để mua xe chạy Grab cũng không dư ra được đồng nào. Bên cạnh đó, còn nhiều chi phí khác phải lo nên anh ấy quyết định bán xe đổi nghề.”

Theo nhiều shipper, giá xăng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, khiến việc cân đối chi tiêu trong gia đình phải tính toán lại. Bởi, xăng tăng kéo theo mọi thứ trở nên đắt đỏ, dù cố gắng chạy nhiều hơn trước nhưng thu nhập của các shipper không thể cải thiện.

Hầu hết các shipper đều có chung nguyện vọng, mong các cơ quan quản lý Nhà nước sớm có những biện pháp điều tiết, hỗ trợ để bình ổn giá cả hàng hoá, xăng dầu, đưa nhịp sống kinh tế - xã hội trở lại bình thường, giúp những người lao động đỡ vất vả hơn trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại