Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 8 tháng qua, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung thêm gần 200.000 tỷ đồng thanh khoản. Tính đến giữa tháng 8, huy động vốn toàn hệ thống tăng gần 6,3%, trong khi tín dụng chỉ tăng 4,13%.
Báo cáo cũng cho hay, trong gần 8 tháng, toàn hệ thống ngân hàng mới giải ngân thêm hơn 346.600 tỉ đồng tín dụng ra nền kinh tế, tương đương hơn 1.400 tỉ đồng/ngày. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nửa thập niên qua.
Nguyên nhân trực tiếp là đại dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp suy kiệt, thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa nên khả năng hấp thụ vốn rất thấp.
Cũng trong khoảng thời gian này, tổng lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng đã lên tới hơn 246.000 tỉ đồng, trong khi lượng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế là gần 171.300 tỉ đồng. Như vậy, bình quân mỗi ngày, có khoảng 1.367 tỉ đồng được người dân gửi vào ngân hàng.
Còn theo Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 8 của Công ty Chứng khoán HSC, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở mức dồi dào chưa từng có, ngay cả khi Kho bạc Nhà nước rút ròng 189.700 tỷ đồng tại 3 ngân hàng: Vietcombank, BIDV, Vietinbank từ đầu năm.
Nguyên nhân là do việc tăng trưởng huy động cao hơn nhiều so với tín dụng. Do đó, thời gian này ngành ngân hàng như đang "ngồi trên đống tiền".
Hiện nay, tình trạng ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp "khát vốn" vẫn diễn ra. (Ảnh minh họa: KT)
Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng lý giải, hiện tượng tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào các ngân hàng dù lãi suất thấp trong thời gian qua, một phần là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân, doanh nghiệp bị đình trệ.
Cùng với đó, một số kênh đầu tư khác như: Vàng, chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ không còn hấp dẫn và có thể sinh lời cao tại thời điểm này.
Hiện tại, các ngân hàng đang dư thừa thanh khoản, tiền huy động của người dân thì tăng trong khi tiền cho vay không giảm mà tăng thấp hơn nhiều so với huy động, thành ra số tiền huy động và tích lũy nhiều.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và đang trên đà hồi phục, vấn đề ở đây là làm sao “rót” được nguồn tiền đó cho nền kinh tế. Vì thực tế, đang có rất nhiều doanh nghiệp “khát vốn”, cần vốn để đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhưng lại khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.
Chủ trương của NHNN là không thể cho vay một cách cẩu thả, tất cả những tiêu chí về cho vay phải hết sức cẩn trọng, bởi rất nhiều doanh nghiệp hiện tại đang suy yếu và có độ rủi ro cao về kinh tế. Do đó, các ngân hàng phải cân nhắc khi cho vay vì sợ nợ xấu.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đây là một bài toán không dễ giải vì liên quan đến xung đột lợi ích.
Nếu vì lợi ích chung, ngân hàng cố gắng giải ngân càng nhiều càng tốt, cần chú trọng đến những lĩnh vực then chốt, quy mô lớn. Nhưng ngược lại, nếu cho vay một cách “dễ dãi” thì sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của ngân hàng, đặc biệt là việc thu hồi nợ cũng như lợi nhuận ngân hàng.
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, vấn đề này không hề có bất cứ sự áp đặt nào mà cần có sự chỉ đạo từ phía NHNN.
Trong thời điểm hiện nay, một mặt, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục tìm kiếm khách hàng tốt, những cơ hội cho vay an toàn cũng như những cơ hội vay mới gắn liền với sự phát triển kinh tế hậu Covid-19, mặt khác cần có chính sách cho vay linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tại.
“Đối với những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn mà vẫn đang cần tiền, NHNN cần có sự điều chỉnh chính sách phù hợp với tình thế hiện tại để các ngân hàng thương mại có thể yên tâm cho vay. Ví dụ như cơ cấu lại nợ công, không chuyển xếp hạng nhóm nợ, giảm bớt mức dự trữ hay những chính sách khác để tạo ưu đãi và giảm chi phí cho ngân hàng thương mại.
Đồng thời, giảm bớt trách nhiệm quản lý nhà nước về tầm vĩ mô để có thể yên tâm cho vay trong những lĩnh vực khó khăn. Điều này các doanh nghiệp đang rất cần”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.