Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tháng qua, do giá mít tăng cao, mặc dù đã có khuyến cáo nhưng nhiều nơi vẫn ồ ạt mở rộng diện tích. Đến nay, Tiền Giang là địa phương có diện tích cây mít lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích hơn 6.000 ha.
Ngoài Tiền Giang, một số địa phương tại Đồng Tháp cũng đang lên tiếp trồng mít trên đất ruộng hoặc phá bỏ các loại hoa màu, cây ăn trái khác để trồng mít. Hiện tại, mít Thái giá trên 50.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến 70.000 đồng/kg.
Giá mít tăng cao hiện ở mức 50.000-70.000 đồng/kg (ảnh minh họa).
Điều đáng nói là thị trường tiêu thụ trái mít hiện nay lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vì thế có lúc giá mít tăng đột biến nhưng có lúc lại lao dốc không phanh.
Chỉ cách đây 3-4 tháng, vào tháng 6/2019 là thời điểm mít Thái đang vào vụ thu hoạch rộ, nhưng giá bán chỉ ở mức 15.000 đồng/kg đối với loại 1, 12.000 đồng/kg với loại 2 và 8.000 đồng/kg đối với loại 3. Bình quân giảm gần 35.000 đồng/kg so với các tháng trước.
Nguyên nhân giá mít Thái xuống thấp do thương lái Trung Quốc không thu mua, trong khi đó, các nhà máy chế biến trái cây đã có kế hoạch sản xuất riêng.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, hiện giá chanh đã tăng lên đến 15.000 - 16.000 đồng/kg.
Nguyên nhân là do vụ thu hoạch chanh năm 2018 khi giá xuống đáy, chỉ 2.000-3.000 đồng/kg, nhiều nông dân ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang... đã chặt chanh làm củi, nay giá chanh lại lên cao do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tăng mạnh.
Trong khi chanh, mít tăng giá thì cam lại giảm giá mạnh. Hiện giá cam sành, cam mật và cam xoàn tại nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 1 tháng.
Tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long... cam mật được nhiều nông dân bán xô cho thương lái với giá chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg; cam sành bán xô với giá 8.000 - 9.000 đồng/kg; cam xoàn giá khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg.
“Giá cam giảm chủ yếu do nguồn cung tăng mạnh vì đang rộ mùa thu hoạch và nhiều loại cam chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong khi đó, các loại cam trong nước cũng đang chịu nhiều sự cạnh tranh bởi cam nhập khẩu từ Úc và Mỹ”, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay.