Tính trung bình, mỗi trận Công Phượng được vào sân khoảng 44 phút. Incheon United vốn không phải đội giỏi về cầm bóng nên thường thua thiệt về thời lượng kiểm soát. Ngoài ra, Công Phượng nhiều khi bị rơi vào tình trạng đói bóng.
Đã có ít bóng, lại còn 8 phút để mất một lần, vậy thì làm thế nào để tiền đạo xứ Nghệ tạo ra được đột biến cho Incheon United? Câu hỏi này được rất nhiều người hâm mộ đặt ra.
Công Phượng chưa thể hiện được nhiều tại Incheon
Nhưng hãy thử nhìn vào siêu sao Lionel Messi, người đi bóng và kiến tạo tài ba bậc nhất thế giới. Cụ thể hơn, hãy thử chọn một trận đấu mà Messi tỏa sáng rực rỡ, như chiến thắng 4-0 của Barca trước Man City vào tháng 10/2016 chẳng hạn.
Hôm đó, ngôi sao người Argentina ghi 3 bàn, kiến tạo 1 bàn. Ngay cả những chuyên gia hay tờ báo khó tính nhất thế giới cũng khó mà chấm Messi điểm thấp hơn 9. Dù vậy, trong 95 phút trên sân, Messi mất bóng 11 lần. Tính trung bình cứ 8,6 phút anh lại để mất bóng một lần. Nếu chỉ nhìn vào số lần mất bóng, rất có thể người ta sẽ đánh giá El Pulga có một trận đấu không tốt.
Messi là niềm cảm hứng của Barca
Cũng theo InStat, trong giai đoạn từ tháng 7 đến hết tháng 11 năm 2016, Messi đá trung bình 82 phút/trận và mất bóng 13 lần/trận. Con số tính ra là cứ 6,3 phút El Pulga lại mất bóng.
Messi đóng vai trò cực kỳ quan trọng ở Barca, gần như mọi đường tấn công đều qua chân anh. Khi cố gắng đi bóng xộc thẳng vào đội hình đối phương hoặc chuyền một đường hiểm hóc xuyên qua rừng người, Messi có thể thất bại và để mất bóng. Còn nếu thành công, anh sẽ đứng trước cơ hội ghi bàn hoặc tạo thời cơ lớn cho đồng đội.
Trở lại với Công Phượng, đúng như HLV Incheon United đánh giá, tiền đạo xứ Nghệ gặp những vấn đề nhất định trong cả việc hòa nhập, hiểu ý đồng đội cũng như sức mạnh để tranh chấp với các đối thủ cao to. Chính vì thế, các đường chuyền hay nỗ lực đi bóng của Phượng kém phát huy tác dụng so với khi đá cho ĐT Việt Nam hoặc HAGL.
Dĩ nhiên, Messi ở một đẳng cấp khác xa Công Phượng. Song lối chơi và vị trí trên sân của cả 2 đều cần chấp nhận rủi ro để tạo nên đột biến. Sự khác biệt nhìn rõ giữa 2 người là tính hiệu quả. Messi ghi bàn và kiến tạo liên tục, còn Phượng vẫn là con số 0.
Để có được một "sản phẩm" thực tế (bàn thắng, kiến tạo) cho Incheon, Công Phượng sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Con số 8 phút nên được coi là động lực để tiền đạo xứ Nghệ làm sao xử lý bóng một cách hiệu quả nhất chứ không nên biến thành rào cản tâm lý, khiến Phượng ít dám mạo hiểm hơn. Bởi một Công Phượng chơi "an toàn" sẽ không còn là Công Phượng nữa.
vp
Màn trình diễn của Công Phượng trong trận đấu với Daegu FC