Nghịch lý khó giải của chiến tranh hạt nhân hủy diệt toàn cầu

Trung Hiếu |

Thế giới thực sự khó xóa bỏ tuyệt đối nguy cơ chiến tranh hạt nhân do có các nghịch lý khó giải, theo nhận định của một lý thuyết gia Mỹ. Phải chăng đấy là định mệnh của loài người, khi tự họ chế tạo ra thứ vũ khí hủy diệt vô cùng đáng sợ?

LTS: Báo điện tử VOV xin giới thiệu góc nhìn của Giáo sư Joseph S. Nye - một lý thuyết gia của Đại học Havard - về nguy cơ chiến tranh hạt nhân và nghịch lý khó giải trong vấn đề đó. Các tít phụ do VOV.VN đặt.

***

Nghịch lý ám ảnh của chiến tranh hạt nhân

Việc Nga tấn công Ukraine và nguy cơ chiến tranh hạt nhân đi kèm với xung đột đã nhắc nhở loài người chúng ta rằng khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân là vấn đề của cả xác suất độc lập lẫn xác suất phụ thuộc lẫn nhau. Điều nghịch lý là, giảm xác suất một thảm họa chiến tranh tổng lực lại đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận một mức độ rủi ro và bất định nhất định.

Nghịch lý khó giải của chiến tranh hạt nhân hủy diệt toàn cầu - Ảnh 1.

Ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. Đồ họa: Getty.

Xung đột Ukraine - Nga và câu chuyện chiến tranh hạt nhân đã làm hồi sinh cuộc tranh cãi về vũ khí hạt nhân. Năm 2021, khi một hiệp ước của Liên Hợp Quốc về cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân có hiệu lực, không có nước nào trong 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới lại nằm trong số 86 nước ký kết hiệp ước đó.

Vậy làm thế nào mà 9 quốc gia này biện minh cho việc sở hữu vũ khí hạt nhân có thể khiến toàn nhân loại gặp nguy hiểm?

Câu hỏi trên là đích đáng, nhưng cần xem xét nó cùng với một câu hỏi nữa: Nếu Mỹ ký kết hiệp ước đó và phá hủy kho vũ khí hạt nhân của mình, liệu họ có thể răn đe hành động của Nga ở Ukraine? Nếu câu trả lời là không thì phải tính đến việc liệu chiến tranh hạt nhân có là điều tất yếu hay không.

Thực ra vấn đề này không phải mới. Năm 1960, nhà khoa học kiêm tiểu thuyết gia người Anh C.P. Snow đã kết luận rằng chiến tranh hạt nhân trong vòng một thập kỷ tiếp theo là “điều chắc chắn về mặt toán học”. Đây có thể là sự phóng đại nhưng nhiều người vẫn tin rằng tiên đoán của Snow sẽ được biện minh nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra trong vòng một thế kỷ tiếp theo. Đến thập niên 1980, những người vận động cho phong trào Đóng băng Hạt nhân như Helen Caldicott đã lặp lại ý tưởng của Snow khi cảnh báo rằng việc tích trữ, mở rộng vũ khí hạt nhân “sẽ khiến cho chiến tranh hạt nhân trở thành một điều chắc chắn toán học”.

Những ai cổ xúy cho việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân thường nhận xét rằng nếu ta búng một đồng xu, xác suất có được mặt ngửa của đồng xu là 50%. Nhưng nếu tung đồng xu 10 lần, thì cơ hội nhận được mặt ngửa rốt cuộc vẫn tăng lên tới 99,9%. Khả năng 1% nổ ra chiến tranh hạt nhân trong 40 năm tới trở thành 99% trong 8.000 năm nữa. Sớm hay muộn, điều bất lợi sẽ xảy đến với chúng ta. Ngay cả khi chúng ta giảm nguy cơ đi một nửa sau mỗi năm, chúng ta vẫn không bao giờ có thể giảm xuống mức 0.

Tương tác liên nhân quá phức tạp, không chỉ trắng và đen

Nhưng hình ảnh ẩn dụ về đồng xu sấp ngửa có thể gây hiểu lầm khi bàn về vấn đề vũ khí hạt nhân, vì đồng xu sấp ngửa mới chỉ liên quan đến các xác suất độc lập, trong khi các tương tác của con người (liên quan đến chiến tranh hạt nhân) thì giống với xúc xắc nhiều bất định hơn. Điều gì xảy ra trong một lần lắc và đổ xúc xắc có thể làm thay đổi xác suất trong lần tiếp theo.

Chẳng hạn, có nguy cơ thấp xảy ra chiến tranh hạt nhân vào năm 1963 ngay sau cuộc Khủng hoảng Hạt nhân Cuba năm 1962, chính là vì xác suất vào năm 1962 cao hơn.

Hình thức đơn giản của luật trung bình không nhất thiết áp dụng được vào các tương tác phức tạp giữa con người với nhau. Về nguyên tắc, các lựa chọn đúng đắn của loài người có thể giảm xác suất chiến tranh hạt nhân vốn dựa trên xác suất độc lập và xác suất phụ thuộc tương hỗ.

Một cuộc chiến tranh xảy ra hoàn toàn do tình cờ phù hợp với mô hình đồng xu sấp ngửa, nhưng các cuộc chiến như thế rất hiếm và các sự cố có thể chỉ ở mức giới hạn. Hơn nữa, nếu xung đột do tình cờ đó vẫn ở mức giới hạn, thì đến lượt mình, xung đột đó lại giới hạn hơn nữa xác suất của một cuộc chiến lớn hơn. Nhưng thời gian càng dài, thì càng có cơ may mọi thứ lại thay đổi. Trong 8.000 năm, con người có thể có thêm nhiều mối quan ngại cấp bách hơn cả chiến tranh hạt nhân.

Chúng ta đơn giản không biết các xác suất phụ thuộc lẫn nhau là gì. Nhưng nếu phân tích dựa trên lịch sử hậu Thế chiến II, chúng ta có thể mặc định rằng xác suất hàng năm không nằm trong trường phân bố cao hơn.

Trong cuộc Khủng hoảng Hạt nhân Cuba, Tổng thống Mỹ Kennedy được cho là đã ước tính xác suất chiến tranh hạt nhân ở mức từ 33% đến 50%. Nhưng điều này không nhất thiết đồng nghĩa với chiến tranh hạt nhân không giới hạn. Trong các cuộc phỏng vấn với những người tham gia sự kiện này nhân kỷ niệm 25 năm, người ta thấy rằng dù Mỹ có ưu thế về kho vũ khí hạt nhân, ông Kennedy vẫn bị răn đe bởi triển vọng chiến tranh hạt nhân kể cả ở mức thấp nhất. Kết cục là Mỹ cũng không giành được chiến thắng tuyệt đối. Họ đã phải thỏa hiệp bằng cách lặng lẽ rút tên lửa Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ (gần Liên Xô).

Một số vị sử dụng lập luận về tính tất yếu toán học để thúc đẩy việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Nhưng không thể xóa bỏ tri thức về hạt nhân và cực kỳ khó phối hợp hoạt động hủy bỏ hạt nhân giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có các hệ tư tưởng khác nhau và đa dạng. Các bước đi cắt giảm đơn phương không được hồi đáp tương ứng có thể thúc đẩy một bên nào đó có hành động hung hăng, từ đó làm gia tăng kết cục không tốt đẹp.

Chúng ta phải làm sao?

Nghĩa vụ đạo đức của chúng ta là phải đối xử rất cẩn thận với sự sống còn của nhân loại, nhưng nhiệm vụ đó vẫn khó tránh khỏi rủi ro.

Răn đe hạt nhân dựa trên nghịch lý về khả năng sử dụng được vũ khí hạt nhân. Nếu vũ khí hạt nhân hoàn toàn bất khả dụng, chúng không còn tác dụng răn đe. Nếu chúng quá khả dụng, chiến tranh hạt nhân với tất cả sức hủy diệt của nó có thể nổ ra.

Với nghịch lý về độ khả dụng và các xác suất phụ thuộc tương hỗ liên quan đến các tương tác giữa con người, chúng ta không thể tìm kiếm câu trả lời tuyệt đối cho định nghĩa về “răn đe chính nghĩa, răn đe phù hợp”. Răn đe hạt nhân không hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai. Việc chấp nhận răn đe phải gắn với điều kiện cụ thể.

Trong cuộc chiến tranh chính nghĩa truyền thống, phải tính đến 3 yếu tố: Mục đích chính nghĩa và thích hợp, giới hạn về phương tiện, và tính toán khôn ngoan đến tất cả các hậu quả.

Về động cơ, tự vệ là điều chính nghĩa nhưng có thể mang tính giới hạn. Về phương tiện, chúng ta không nên coi vũ khí hạt nhân như vũ khí thông thường, chúng ta phải giảm xuống mức tối đa các nguy hại cho người vô tội. Về hậu quả, chúng ta cần giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân ở ngắn hạn và nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân theo thời gian.

Cuộc chiến hiện nay ở Ukraine nhắc nhở chúng ta rằng không có cách tuyệt đối nào để tránh rủi ro và bất định.

Richard Garwin - nhà thiết kể ra quả bom khinh khí đầu tiên, tính toán rằng: “Nếu xác suất chiến tranh hạt nhân năm nay là 1%, và nếu mỗi năm chúng ta cố gắng giảm xác suất đó xuống chỉ 80% của năm trước thì xác suất cộng dồn của toàn bộ thời gian sẽ là 5%”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại