“Gần đây, Triều Tiên đã công bố máy bay không người lái trinh sát và đa năng có thể phóng tên lửa bản sao của Hellfire. Các UAV này cũng có hình dạng tương tự như UAV MQ-9 Reaper và RQ-4 Global Hawk của Mỹ”, Chuẩn tướng Patrick Costello phát biểu tại Hội nghị Hiệp hội Lục quân Mỹ ngày 15/10.
Theo ông Costello, người chịu trách nhiệm giám sát phòng không và phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Triều Tiên chủ yếu phát triển máy bay không người lái nặng khoảng 600kg trở xuống.
Ông Costello được cho là ám chỉ đến một cặp máy bay không người lái do Triều Tiên trưng bày vào tháng 7/2023, trông gần giống hệt MQ-9 Reaper và RQ-4 Global Hawk, hai trong số những UAV tiên tiến nhất của quân đội Mỹ.
Vào thời điểm đó, truyền thông Triều Tiên nói rằng các UAV này “mới được phát triển”, đồng thời công bố đoạn video UAV phóng một tên lửa. Phương Tây sau đó so sánh tên lửa này với tên lửa dẫn đường Hellfire mà UAV của Mỹ sử dụng.
Khả năng chính xác của UAV Triều Tiên cũng như tên lửa mà chúng phóng đi vẫn chưa được làm rõ. Nếu tên lửa của Triều Tiên thực sự có khả năng dẫn đường, cũng không rõ chúng sử dụng hệ thống nào.
Quân đội Mỹ đánh giá rằng các máy bay không người lái này ít nhất đã được chế tạo với một số hiểu biết về vũ khí Mỹ.
Hellfire (AGM-114 Hellfire) là tên lửa dẫn đường bằng laser, chủ yếu được sử dụng cho các nhiệm vụ tấn công chính xác cao. Tên lửa này được phát triển vào cuối thập niên 1970, ban đầu được sử dụng để tiêu diệt các phương tiện bọc thép, đặc biệt là xe tăng, nhưng sau này chúng được cải tiến để phù hợp với nhiều mục tiêu khác nhau, từ công sự, tàu thuyền đến mục tiêu di động.
Tên lửa Hellfire hiện nay đã trở thành một trong những vũ khí tấn công chính xác phổ biến nhất trong quân đội Mỹ, nhờ tính linh hoạt và khả năng tiêu diệt mục tiêu hiệu quả.
MQ-9 Reaper là UAV vũ trang do tập đoàn General Atomics chế tạo cho lực lượng không quân của Mỹ. UAV này có thể bay ở độ cao hơn 15.000 m và hoạt động liên tục trong 24 tiếng. Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết mỗi chiếc MQ-9 Reaper có giá xuất xưởng khoảng 30 triệu USD.
RQ-4 Global Hawk do hãng Northrop Grumman của Mỹ chế tạo và sản xuất từ những năm 1990. Máy bay không người lái này được trang bị hệ thống điện tử hiện đại bao gồm radar, cảm biến và các camera hiện đại, nhờ đó RQ-4 Global Hawk có thể chụp hình, đo đạc thông số và vẽ tọa độ về các căn cứ của đối phương. UAV này được thiết kế để đối phó với hệ thống phòng không của đối phương nhờ thiết kế tàng hình, khả năng bay cao và kích thước không quá lớn.
Ngoài nhiệm vụ trinh sát, RQ-4 Global Hawk cũng có thể đóng vai trò là thiết bị chỉ huy, điều khiển các máy bay không người lái khác và thu thập thông tin hoạt động của các hệ thống phòng không để lên kế hoạch tấn công. UAV Global Hawk có thể mang được 2 tên lửa Hellfire.
Nhận xét trên của ông Costello là một phần của bài thuyết trình về các mối đe dọa từ phương tiện không người lái ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh giới lãnh đạo quân đội Mỹ muốn chuẩn bị tốt hơn cho chiến tranh UAV, đặc biệt là khi có sự nổi lên của UAV cỡ nhỏ trong các cuộc xung đột gần đây như ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu ngân sách 2,4 tỷ USD cho các hệ thống UAV trong năm tài chính 2025 kết thúc vào ngày 30/9. Tuy nhiên, các nhánh của quân đội Mỹ vẫn hy vọng sẽ có thêm kinh phí cho công nghệ này.
Ngành công nghiệp UAV cũng đang thúc đẩy sự phát triển của các nhà thầu quốc phòng mới, như Anduril đang thực hiện hợp đồng 10 năm trị giá 1 tỷ USD với Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt Mỹ để phát triển công nghệ chống UAV. Đầu tháng 10, Lầu Năm Góc ký hợp đồng 250 triệu USD với công ty khởi nghiệp này để có 500 UAV Roadrunner tái sử dụng và công nghệ phá sóng pulsar của hãng.