Nghi vấn tên lửa 'bất khả chiến bại' Sarmat của Nga phát nổ ở bãi thử

Minh Hạnh |

Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat được cho là đã phát nổ trong cuộc thử nghiệm ở Plesetsk (Nga), dự án MeNMyRC cho biết, dựa trên hình ảnh vệ tinh.

 - Ảnh 1.

Hình ảnh hố đen lớn ở bãi thử.

MeNMyRC viện dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy một hố lớn đã xuất hiện ở Plesetsk, có thể do một tên lửa phát nổ trong silo.

Các vệ tinh NOAA-20 và SUOMI NPP đã phát hiện đám cháy ở bãi thử.

 - Ảnh 2.

Hình ảnh vệ tinh được cho là đám cháy ở bãi thử.

Cùng lúc đó, một máy bay trinh sát Boeing RC-135S Cobra Ball của Mỹ đã cất cánh từ căn cứ ở Alaska để quan sát vụ thử tên lửa Sarmat , MeNMyRC cho biết, trích dẫn dữ liệu FlightRadar24 . Tuy nhiên, máy bay này không ghi lại được vụ phóng.

 - Ảnh 3.

Dữ liệu về chuyến bay của trinh sát cơ Mỹ.

Các chuyên gia tin rằng, vụ nổ có thể không xảy ra trong quá trình phóng, mà trong quá trình nạp nhiên liệu.

Trước đó, truyền thông phương Tây từng đưa tin về năm lần phóng thử Sarmat, trong đó có bốn lần thất bại.

Theo CNBC , chuyến bay thử nghiệm dài nhất của Sarmat chỉ kéo dài hơn hai phút, tên lửa bay hơn 35 km trước khi mất kiểm soát và rơi.

Lần phóng thành công duy nhất của tên lửa này được cho là diễn ra vào ngày 20/4/2022.

Quân đội Nga hiện chưa bình luận về các thông tin trên.

Tháng 9/2023, ông Yury Borisov - người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos tuyên bố tên lửa Sarmat, một trong những vũ khí hạt nhân mạnh nhất của Nga, đã được phê duyệt để đưa vào hoạt động.

Sarmat được cho là tên lửa có tầm bắn xa nhất và nặng nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Nga, thay thế cho tên lửa R-36M2 Voevoda đã lỗi thời. Tầm bắn của Sarmat ước tính ít nhất là 11.000 km.

Sarmat được thiết kế để vượt qua tất cả các hệ thống phòng không hiện có, với tốc độ cao hơn nhiều so với Voevoda và "có thể tấn công mục tiêu ở phạm vi hầu như không giới hạn".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi Sarmat là vũ khí mang lại cơ hội mới để đánh bại các hệ thống chống tên lửa đạn đạo. Ví dụ, các ICBM tầm ngắn hơn chỉ có thể đến Mỹ từ Nga bằng cách bay qua Bắc Cực, và Mỹ có các hệ thống đánh chặn trên mặt đất để đối phó với tên lửa có đường bay như vậy.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại