“Nghỉ lễ chỉ có một ngày, mà còn giữa tuần thì nghỉ làm gì? Công việc vẫn đang bề bộn lắm, nên mình chọn đi làm để kịp xong hết. Tăng ca vừa được sếp, đồng nghiệp tán dương, yêu quý, vừa có thêm tiền, chứ ở nhà cũng vẫn phải làm mà”, Trần Minh Thắng (27 tuổi, Hà Nội) nói về cách sử dụng ngày nghỉ Tết Dương lịch của mình.
Thắng đang làm trưởng phòng sáng tạo của một công ty truyền thông lĩnh vực ẩm thực. Khách của đơn vị thường là các nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê. Vào ngày lễ, khối lượng công việc cũng nhiều hơn. Thứ Tư này, Thắng sẽ lên công ty từ 7h30, sớm hơn ngày thường 1 tiếng.
Thắng chia sẻ thêm: “Ngày lễ thì khối lượng công việc của tôi chắc chắn gấp 3 lần ngày thường. Những dịp như này, khách hàng thường muốn thu hút lượng lớn người quan tâm trên nền tảng mạng xã hội nên các chiến dịch truyền thông chạy liên tục, họ cần là phải hỗ trợ ngay. Mình rút kinh nghiệm các kỳ nghỉ trước là đi chơi vẫn phải ôm laptop, đang ăn phải buông đũa mở máy lên. Do đó năm nay tôi xin sếp lên công ty, ngồi làm nguyên ngày Tết Dương lịch”.
Thắng cũng nhấn mạnh, tăng ca vào ngày nghỉ được coi là tiêu chuẩn của ngành truyền thông hiện đại. Mạng xã hội luôn vận động và người làm nghề phải bắt “trend” (xu hướng) ngay. Các kỳ nghỉ dài, nhân viên của Thắng vẫn phải chia nhau trực; còn các kỳ nghỉ ngắn thì anh sẽ chủ động đảm nhận luôn.
Mọi người đã quen với việc được nghỉ ba ngày dịp Tết Dương lịch mấy năm trước nên kỳ nghỉ duy nhất một năm nay trở nên quá ngắn, không đủ để tổ chức cuộc đi chơi "ra tấm ra món". Tết Nguyên đán năm nay lại rất gần, lượng công việc cần giải quyết trong tháng Chạp rất lớn, do đó rất nhiều bạn trẻ giống như Thắng, quyết định dùng ngày này để tăng ca.
"Tăng ca ngày nghỉ được nhân 3 lương, núi việc thì vẫn phải làm, nghỉ một ngày chả bõ, thà đi làm còn hơn", Tường Lâm, 24 tuổi, Hà Nội, nói. Theo cô, đây là tính toán có lợi nhất, vì kỳ nghỉ cuối tuần thậm chí còn xông xênh thời gian hơn nghỉ Tết Dương lịch; lấy tiền tăng ca để uống cốc trà sữa cao cấp gần 100 nghìn đồng thay cho cốc 40 nghìn đồng hay uống thì "phê" hơn nhiều.
Còn Đỗ Huyền Nhung (23 tuổi) đưa ra quyết định này sau cú giật mình vì nhẩm tính các khoản cần tiêu trong Tết Ất Tỵ sắp tới. Đã trưởng thành đi làm, cô muốn có tiền biếu bố mẹ, mua quà cho em, mua quần áo cho bản thân và chuẩn bị tiền lì xì... tổng cộng khoảng 20 triệu đồng. Đó là cô tự đi xe máy về nhà ở Sơn Tây (Hà Nội) nên không tốn tiền tàu xe.
"Áp lực nhất vẫn là tiền lì xì. Mình đã ra trường đi làm được một năm nên cũng tính toán để có lì xì cho người lớn, vừa lì xì cho các em, các cháu nhỏ. Khoản tiền lì xì có thể từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng, ước chừng phải mừng đến khoảng 10 người lớn và 20 em nhỏ, cháu chắt", Nhung đau đầu tính toán, cho biết cô phải nghĩ cách tối ưu thu nhập từ giờ đến Tết Nguyên đán.
Tết Dương lịch, Nhung sẽ đi làm để kiếm thêm. Hiện tại cô làm nhân viên pha chế đồ uống tại một quán cà phê trên gác mái khách sạn. Mỗi ngày công là 300.000 đồng, thêm tiền bo thì thu nhập mỗi tháng được khoảng 10 triệu đồng. Khi được quản lý hỏi ai có thể đi làm ngày lễ, Nhung liền xung phong làm hẳn 12 tiếng. Ngày lễ mà đi làm thì thù lao tăng gấp ba, lượng khách đông nên tiền bo cũng sẽ nhiều hơn.
“Nghỉ một ngày cũng chẳng làm được gì, chẳng chơi được gì, cũng chỉ ngủ, nên mình cảm thấy việc tăng ca, chắt bóp từng chút để có một cái Tết đủ đầy là vô cùng cần thiết. Gia đình bảo rằng không cần mua quà cáp, chuẩn bị gì đâu, nhưng bản thân mình về tay không lại thấy mất tự tin, nên phải cố gắng”, cô gái gen Z chia sẻ.
Thành Trung (26 tuổi, Hà Nội) đang làm quản lý kho bãi trong lĩnh vực vận tải. Thời điểm cuối năm thường là lúc bận nhất. Ngày nào anh cũng phải dậy từ 4h để đi làm và kết thúc công việc khi đã 20h.
“ Tết thường là thời điểm hàng hóa gửi đi nhiều nên rất cần người làm việc. Công việc đúng là không thể nào ngưng trệ. Mình cũng phải căng mình cố gắng chứ không thể nghỉ ngơi, chỉ hy vọng tiền thưởng cuối năm xứng đáng. Cố gắng tí có tiền thì mới tự tin về quê để không bị soi mói hay đem ra so sánh với con nhà người ta. Chuyện nghỉ ngơi sẽ để sau ”, anh nói.
Ngoài chuyện tranh thủ kiếm tiền, lựa chọn đi làm vào Tết Dương lịch còn liên quan đến xu hướng của gen Z về cách vui chơi giải trí. Các bạn trẻ thế hệ này yêu thích các kỳ nghỉ dài hơn thế hệ trước. Theo dữ liệu từ nền tảng nhân sự Gusto, nhóm nhân viên 22-26 tuổi có tỷ lệ nghỉ phép dài cao nhất, tiếp đến là nhóm 27-34 tuổi. Các kỳ nghỉ ngắn ngày dần không còn được họ yêu thích, đặc biệt trong dịp cuối năm bận rộn.
Cũng theo khỏa sát từ công ty tư vấn Boston Consulting Group, gen Z là nhóm chi tiêu nhiều nhất cho các hoạt động và trải nghiệm. Nhóm này thường dành 13% thu nhập để chi tiêu cho các chuyến du lịch. Vì vậy, kỳ nghỉ dài ngày mới phù hợp sở thích của họ.
Thành Trung cho biết, anh rất mê du lịch. Sau khoảng thời gian lăn lộn kiếm tiền trước Tết Nguyên đán, anh dự định ra giêng sẽ xin nghỉ phép khoảng 10 ngày để đi đảo Phú Quý. Thời điểm đó công việc quản lý kho bãi của anh sẽ rảnh rỗi, đi chơi một chuyến dài, tâm tư không bị hàng hóa hay khách hàng, đối tác làm vướng bận, anh mới cảm thấy mình thật sự được phục hồi.
Tuy nhiên, không phải người trẻ nào cũng chê một ngày nghỉ là quá ít. Mỹ Hồng (27 tuổi, giáo viên ở TP.HCM) cho biết sẽ dành ngày nghỉ Tết Dương lịch cho việc thiết kế vài mẫu lì xì vẽ tay để bán, vừa là giải trí vừa là kiếm thêm.
“Với tôi, ngày nghỉ lễ nào cũng đáng quý. Cả năm vừa qua, tôi đã rất tất bật với công việc rồi, nên cuối năm muốn tranh thủ chút thời gian có được để nghỉ ngơi, làm những việc mình thích. Tôi dự định sẽ dành nửa ngày để ngủ nướng, sau đó làm nốt các dự định cá nhân đang dở dang mà chưa thực hiện được”, Hồng chia sẻ.
Cô cũng cho biết người trẻ bây giờ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi cảm giác bản thân bắt đầu mệt mỏi, cô muốn được nghỉ ngơi, coi kỳ nghỉ ngắn này là cơ hội để làm mới mình, cũng là để kích thích sự sáng tạo và quay lại với công việc với nhiều năng lượng hơn.