Nghị sĩ Mỹ phản đối kế hoạch "đấm chảy máu mũi" Triều Tiên nếu đàm phán Trump-Kim thất bại

Tất Đạt |

Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton từng nói rằng Mỹ chỉ có một lựa chọn duy nhất là "chấm dứt chính quyền Triều Tiên" bằng cách tung đòn quân sự phủ đầu nhằm vào quốc gia này.

Giải pháp ngoại giao và quân sự

Theo SCMP, một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã "gạt thẳng thừng" ý tưởng tấn công quân sự phủ đầu lên Triều Tiên nếu các cuộc gặp sắp tới giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi vào bế tắc.

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và nhiều thành viên Nhà Trắng khác được cho là những người ủng hộ rất nhiệt tình ý tưởng này.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hồi năm ngoái, ông Bolton đã quả quyết rằng Mỹ chỉ còn một lựa chọn duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên là "kết thúc chính quyền Bình Nhưỡng" và tấn công phủ đầu.

Nghị sĩ Mỹ phản đối kế hoạch đấm chảy máu mũi Triều Tiên nếu đàm phán Trump-Kim thất bại - Ảnh 1.

Thượng nghị sĩ Mỹ Edward Markey. Ảnh: Bloomberg.

"Nỗ lực ngoại giao là chuyện vô ích. Tiếp tục đàm phán với Bình Nhưỡng, hay áp đặt thêm cấm vận lên Triều Tiên và Trung Quốc, là tạo cơ hội cho Triều Tiên có thêm thời gian tăng cường kho vũ khí hạt nhân của nước này. Chúng ta đã tốn 25 năm cho vấn đề phi hạt nhân bán đảo. Đàm phán thêm chỉ khiến vấn đề ngày càng nghiêm trọng," ông Bolton nói.

Nhưng ngày hôm qua (4/5), Edward Markey - thượng nghị sĩ đảng Dân chủ thuộc tiểu ban Thượng viện Đông Á - đã đưa ra tuyên bố rằng "kể cả khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim thất bại, đó không thể coi là bước đà cho chiến tranh dưới bất kì hình thức nào được khơi mào bởi nước Mỹ."

Gặp gỡ người Triều Tiên ở Hà Nội : Ôi vui lắm , sắp thống nhất rồi

"Ngoại giao kết hợp với áp lực quốc tế là cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Tấn công phủ đầu là hoàn toàn vô lí kể cả trong trường hợp đàm phán Mỹ-Triều thất bại," ông Markey nói.

Mặc cho những nỗ lực đàm phán ngoại giao trong thời gian gần đây nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, ông Trump vẫn thường nhắc lại nhiều lần rằng "mọi lựa chọn đều nằm trên bàn", trong đó bao gồm đòn tấn công mà chính quyền Mỹ gọi là "cú đấm chảy máu mũi" nhằm vào Bình Nhưỡng.

Nỗ lực đàm phán từ phía Mỹ

Theo ông Markey, chiến thuật "đấm chảy máu mũi" có thể đẩy tình hình chính trị ở bán đảo liên Triều "xuống vực thẳm", kéo theo hàng loạt hệ quả khó lường trên thế giới.

"Chúng ta cần tránh viễn cảnh đó bằng mọi giá," ông nói.

Ông Markey đã bày tỏ quan điểm này tới tổng thống Mỹ sau khi ông dẫn đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ tới thăm Đan Đông, một thành phố của Trung Quốc ở khu vực biên giới với Triều Tiên.

Thượng nghị sĩ cũng thúc giục chính quyền ông Trump tuyển dụng thêm các vị trí ngoại giao còn thiếu trước cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong Un.

Bộ Ngoại giao Mỹ hiện tại có ít nhất 4 vị trí liên quan tới vấn đề Triều Tiên, bao gồm đặc phái viên về chính sách Triều Tiên, một đại sứ tại Seoul, một điều phối viên về vấn đề cấm vận và một chuyên viên về vấn đề nhân quyền Triều Tiên.

Hồi tháng 1, Nhà Trắng đã hủy bỏ đề cử ông Victor Cha - một cựu thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời tổng thống George W. Bush - vào vị trí đại sứ tại Seoul bởi ông Cha tỏ ý quan ngại về phương án tấn công quân sự Triều Tiên.

Nếu không đủ số lượng nhân viên ngoại giao, chính quyền ông Trump sẽ không có nguồn lực cần thiết để phát triển mối quan hệ cũng như thiếu nhân sự đàm phán với Triều Tiên và buộc nước này phải thừa nhận trách nhiệm trong việc phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ.

Dù các mối lo ngại về cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo vẫn còn hiện hữu rất rõ nét, ông Trump đã đồng ý gặp mặt ông Kim, 

Hôm qua (4/5), ông Trump tuyên bố "hai hoặc ba" địa điểm và "ba hoặc bốn" ngày đã được cân nhắc cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Mỹ và Triều Tiên.

Mặc cho các lần đàm phán giữa Hàn - Triều Tiên vào năm 2000 và 2007 không đem lại nhiều kết quả khả quan, cuộc gặp ngày 27/4 vừa qua giữa ông Kim Jong Un và ông Moon Jae-in được cho là thành công rực rỡ, giúp bán đảo liên Triều xích lại gần hòa bình, ổn định hơn bao giờ hết.

Theo dự định, hiệp ước hòa bình sẽ được kí kết trong năm nay, kết thúc 65 năm hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên từ năm 1953.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại