Mới đây, trong cuộc làm việc với Sở VH – TT TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM về hiện trạng bức tranh Vườn Xuân Trung Nam Bắc, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành đã thông tin do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí nên ông Lưu Minh Phụng, thợ sơn mài ở TP.HCM đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 để vệ sinh.
Điều này đã khiến bề mặt bức tranh bị can thiệp quá mức trong quá trình làm vệ sinh, dẫn đến hư hại lớn với bảo vật quốc gia, là tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc.
Bức tranh hư hại về tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn của tác phẩm trên 30%. Xét ở góc độ hư hại về vật chất bề mặt tác phẩm thì bức tranh bị hư hại khoảng 15%. Và không thể phục hồi nguyên trạng bức tranh này.
Tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc trước (dưới) và sau khi được vệ sinh bằng... nước rửa chén
Tại sao lãnh đạo bảo tàng lớn lại không có chuyên môn hội họa mỹ thuật?
Sự việc này cũng đã làm dấy lên những luồng ý kiến, chủ yếu cảm thấy "khó hiểu" và bức xúc trước việc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM lại vô tư ký kết hợp đồng với một nghệ nhân sơn mài để vệ sinh một tác phẩm là bảo vật quốc gia. Từ đó, nhiều người nghi ngờ năng lực của lãnh đạo Bảo tàng này.
Họa sĩ Lê Bảo Lưu (TP.HCM) cho rằng vẫn không hiểu vì sao lại bổ nhiệm người không có chuyên môn hội họa, mỹ thuật làm lãnh đạo ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
"Nếu có chuyên môn, hiểu biết, sẽ không bao giờ để xảy ra tình trạng đau lòng như thế. Sẽ có cách bảo vệ, vệ sinh một cách khoa học và bài bản, chứ không phải là vệ sinh bằng nước rửa chén", ông Lưu nói thêm.
Theo ọa sĩ Thành Chương (Hà Nội), thì ông Trịnh Xuân Yên là một người ngoài nghề và không có chuyên môn về hội họa, mỹ thuật. Vậy nhưng đang là Phó giám đốc, lãnh đạo ở một Bảo tàng về nghệ thuật của một thành phố lớn, tầm cỡ quốc gia như TP.HCM.
Theo họa sĩ Siu Quý, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, trong vụ việc đáng buồn này, lỗi xuất phát từ nhiều bên. Đó là người trực tiếp thực hiện vệ sinh thiếu kiến thức chuyên môn. Nhưng hơn hết là trình độ chuyên môn của các cấp quản lý, nhất là lãnh đạo của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Bức tranh đã bị hư hại về tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn của tác phẩm cũng như bị hư hại về vật chất bề mặt tác phẩm
Người đã thuyết phục UBND TP.HCM mua bức Vườn xuân Trung Nam Bắc vào năm 1991 là họa sĩ Trang Phượng cũng bức xúc và lên tiếng: "Đây là thực tế chứng minh rằng lãnh đạo của Bảo tàng TP.HCM không hề có chuyên môn mỹ thuật".
Họa sĩ Phạm Hà Hải, nguyên chuyên viên Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho rằng: "Đây là sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của một ban lãnh đạo thiếu năng lực".
Những hoài nghi về năng lực của lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM ngày càng nhiều, vì ngoài việc để hư hại lớn với bảo vật quốc gia, là tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc, thì cũng chính Bảo tàng này cũng từng để xảy ra việc gây bức xúc dư luận đó là triển lãm với chủ đề "Những bức tranh từ châu Âu trở về" nhưng có 15/17 tác phẩm là tranh giả vào năm 2016.
Có một điều khá ngạc nhiên là dù hoạt động xuyên suốt, nhưng cả 4 năm nay, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM không hề có giám đốc.
Để tránh lặp lại những câu chuyện đáng buồn như vừa qua, các chuyên gia mỹ thuật cho rằng UBND TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM nên đề xuất và chọn lựa người có chuyên môn về hội họa, mỹ thuật lãnh đạo Bảo tàng này.
Suốt 4 năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM không có giám đốc
Nên truy tố tội phá hoại báu vật, tài sản quốc gia?
Họa sĩ Huỳnh Văn Mười (bút hiệu là Uyên Huy), Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, bức xúc: "Không thể tin là họ lại có cách vệ sinh tùy tiện như thế. Một bảo vật quốc gia, là tác phẩm tiêu biểu của nền mỹ thuật hiện đại VN và độc bản, vậy mà họ lại mang hóa chất đổ lên trên ấy rồi chà bằng giấy nhám.
Đó là cách làm phản khoa học, là cách ứng xử thô bạo với bảo vật quốc gia".
"Ở TP.HCM hiện nay có nhiều chuyên gia mỹ thuật mà chắc chắn là sẽ có cách để vệ sinh bức tranh này theo đúng phương pháp khoa học. Vậy mà đằng này họ (Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM – NV) lại mời một người không có chuyên môn vệ sinh bằng... nước rửa chén một cách tùy tiện, để rồi giờ làm hư hỏng bảo vật quốc gia. Giờ đây, nhìn vào bức tranh ấy mà quá xót".
Cũng theo ông Mười, trong việc này không thể chỉ rút kinh nghiệm, mà phải chịu trách nhiệm. Bởi ứng xử với một bảo vật quốc gia như thế mà không ai phải chịu trách nhiệm là chưa thỏa đáng.
Theo họa sĩ Thành Chương, sự việc vừa xảy ra là một sai lầm rất lớn của lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và trách nhiệm phải thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Đồng thời nên truy tố tội phá hoại báu vật, tài sản quốc gia.
Được biết hiện nay Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã lập dự án tu sửa lại tác phẩm một cách thận trọng và khoa học theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt (TP.HCM) nhìn nhận: "Nếu bây giờ gia cố chỉ có thể khôi phục 80% cho bức tranh. Quá trình gia cố mất khoảng nửa năm để đắp lại vật liệu, nhưng tác phẩm chắc chắn không còn được như xưa".
Họa sĩ Lê Bảo Lưu thì nói: "Giờ mà có phục chế tu sửa lại, thì vẫn không thể nào như nguyên bản được. Có thể nhìn thấy giống, nhưng cái "tinh thần" ẩn chứa trong tác phẩm sẽ không còn nữa".
Lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nói gì?
Theo ông Trịnh Xuân Yên, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, thì "đúng là bức tranh đã bị ảnh hưởng sau quá trình thực hiện vệ sinh.
Trong quá trình thực hiện vệ sinh, ban giám đốc của Bảo tàng đã tiến hành đầy đủ các bước xây dựng kế hoạch, thông qua hội đồng nội dung thực hiện và đều có báo cáo gửi Sở VH-TT TP.HCM xin chủ trương và được chấp thuận. Tuy nhiên khi vệ sinh xong thì đúng là có bị ảnh hưởng".
Ông Yên thừa nhận: "Cái sai của tôi là thiếu kiểm tra, giám sát cụ thể quá trình sửa chữa. Nhưng cũng cần xác định mức độ thế nào, cũng như xem nghệ nhân sơn mài có tự tiện tự ý sửa chữa hay không.
Hiện tại đã có văn bản của Cục kết luận. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM sẽ chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM và Sở VH-TT nên tôi chưa thể nói cụ thể gì thêm vào lúc này".