Nghị lực vượt khó của nam sinh từng vào viện tâm thần

Công Tuấn |

Chuyển trường 13 lần, chứng kiến cảnh bạo hành của bố và vào viện điều trị chứng trầm cảm…là những gì mà tuổi thơ 9x Quảng Ninh từng trải qua.

Vào bệnh viện tâm thần, chuyển trường 13 lần

Trong cuộc sống, Đinh An Khang (SN 1998, Quảng Ninh) là đại diện tiêu biểu cho lớp giới trẻ tài năng, có thể nói là thành công sớm. 

Hiện tại, Khang đang là trưởng nhóm truyền thông của một công ty giải trí và tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trước khi có được như ngày hôm nay, cậu đã từng phải tự vươn lên từ những điều vô cùng khổ cực.

Sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, ngay từ lúc mới chào đời, Khang đã chịu sự lạnh nhạt và thờ ơ của bố. Theo lời mọi người kể, lúc đó bố không chào đón Khang, thậm chí không chấp nhận cậu chỉ vì cậu là con trai, mà bố lại chỉ thích có…con gái.

Nghị lực vượt khó của nam sinh từng vào viện tâm thần - Ảnh 1.

Khang từng bị bố lạnh nhạt, thờ ơ vì cậu không phải là con gái

Kinh tế gia đình khó khăn, bố làm công nhân nhưng lại hay rượu chè cờ bạc nên tài sản trong nhà cũng đội nón ra đi. Khang chia sẻ, bố cậu thường xuyên đánh đập mắng chửi mẹ và không có bữa cơm nào mà không có tiếng mắng chửi, bát đũa vỡ.

"Mẹ viết đơn ly dị rất nhiều lần nhưng vì nghĩ cho con cái nên cuối cùng lại thôi. Thời gian mình lên lớp 1, mẹ phải đưa mình cùng anh trai đến một nơi khác sống để tránh cảnh bạo hành của bố.

Cuộc sống rất bấp bênh, nay chuyển trường, mai chuyển trường. Mình đã chuyển tổng cộng 13 trường, ở Quảng Yên, Cẩm Phả, Thái Nguyên..."

Chuyển trường tới 13 lần khiến cho Khang rơi vào cảnh khủng hoảng về nơi sống. Chưa kịp làm quen với môi trường mới đã phải chuyển đi đến một môi trường khác. 

Ở mỗi trường lại có một cách dạy khác nhau nên chuyển trường liên tục làm cho cậu không thể tiếp thu kiến thức một cách tối ưu. Nhất là việc chuyển trường, cảnh "ma cũ bắt nạt ma mới" khiến Khang nhiều phen lao đao, lên phòng hiệu trưởng liên tục.

Nghị lực vượt khó của nam sinh từng vào viện tâm thần - Ảnh 2.

Cậu bạn đã phải chuyển trường tới 13 lần khi còn nhỏ.

Cuối năm lớp 11, Khang bệnh rất nặng do bị bố gây áp lực, rồi cả những suy nghĩ về tương lai khi không có nhiều cơ hội để đi học, cảm giác tự ti với bạn bè... dẫn đến việc trầm cảm và rối loạn tâm lý. Cậu phải nghỉ học một tháng để chữa bệnh ở bệnh viện tâm thần.

"Mình bị đau đầu thường xuyên, bị choáng váng, nghe thấy tiếng người gọi và hay bị mộng du. Lúc đó phải điều trị một tháng và bác sĩ nói rằng mình bị rối loạn tâm thần nhẹ nên phải dùng thuốc hàng ngày. 

Đến giờ mình vẫn phải dùng thuốc để giảm đau hàng ngày và thuốc anh thần", Khang chia sẻ.

Cuối năm lớp 12, bố của Khang sức khỏe yếu dần. Cậu quyết định xin nghỉ học một tháng để chăm sóc cho bố được chu đáo. Lúc đó bố bệnh nằm liệt giường, sống trong trạng thái như người thực vật. Cậu là người đút từng thìa cháo cho bố ăn, lau người, giặt giũ cho bố.

"Dù đúng hay sai thì bố vẫn là người sinh thành ra mình, là người mà mình cần phải trân trọng. Lúc đó mình không còn giận bố nữa. Nghĩ lại bố cũng không được hạnh phúc, sống không có vợ con, không người chăm sóc.

Hôm bố mất, mình ngồi cạnh nắm tay bố, chứng kiến cảnh bố lên cơn co giật rồi trút hơi thở cuối cùng. Hình ảnh đau lòng đó, mãi mãi mình không thể quên được".

Nghị lực vượt khó của nam sinh từng vào viện tâm thần - Ảnh 3.

Những biến động về tuổi thơ khiến chàng trai này mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Vượt khó để vươn lên, tìm tương lai cho chính mình

Dù tuổi thơ không được trọn vẹn với nhiều sự biến động nhưng suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, Khang luôn đạt học sinh giỏi cấp thành phố, thị xã. 

Tuy nhiên đến năm lớp 12, Khang bàng hoàng nhận được tin từ mẹ, rằng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên mẹ muốn cậu phải nghỉ học, ở nhà đi bán điện thoại để trang trải kinh tế.

"Mình không muốn một cuộc sống tù túng và một tương lai mù mịt như vậy. Mẹ không ủng hộ việc học, vậy nên thời gian ôn thi lớp 12 mình vẫn ôn nhiều lớp nhưng chỉ xin tiền mẹ một lớp, số còn lại thì mình tự kiếm tiền để theo học.

Trước hôm thi tốt nghiệp một ngày, mình bị mẹ mắng không cho đi thi, nhưng sau tất cả, mình vẫn quyết tâm đi thi để có cơ hội thay đổi cuộc đời".

Nghị lực vượt khó của nam sinh từng vào viện tâm thần - Ảnh 4.

Dù không được ủng hộ đi học tiếp nhưng Khang vẫn luôn cố gắng để theo đuổi việc học.

Hiện tại, Khang đang là sinh viên năm nhất của ngành Quan hệ công chúng của Đại học Nguyễn Trãi. Dù mới là tân sinh viên nhưng bạn bè đồng trang lứa đã phải ngã mũ thán phục khi cậu bạn đã trưởng nhóm truyền thông của một công ty giải trí và tổ chức sự kiện.

"Mình nhớ hôm công ty tuyển cộng viên truyền thông, mình có nộp CV cho bên tuyển dụng nhưng họ không đồng ý vì mình quá trẻ và chưa có kinh nghiệm. 

Nhưng mình vẫn bỏ qua điều đó mà tới buổi phỏng vấn, và có thể họ thấy được mình là một người có sự nỗ lực nên đã nhận. Sau nhiều cơ hội thể hiện bản thân, từ một cộng tác viên, mình đã lên làm trưởng nhóm, một điều mà trong tưởng tượng mình cũng chưa nghĩ đến".

Trung bình một tuần công ty của Khang tổ chức 2 đến 3 show diễn ca nhạc. Và công việc của Khang là triển khai kế hoạch để quảng cáo chương trình, liên hệ khách mời, quản lý khách và quản lý ca sĩ.

Ngoài ra cậu bạn còn lên ý tưởng, trao đổi nội dung công việc với các bạn cộng tác viên, nhận phản hồi và chỉnh sửa.

Bận rộn là vậy nhưng chính công việc này đã giúp Khang hiểu được phần nào đặc thù của lĩnh vực mình đang theo học. 

Mỗi sự kiện, mỗi chương trình là một trải nghiệm tuyệt vời, nơi mà cậu học hỏi được những kỹ năng, cách lập kế hoạch tổ chức các chương trình, cách giải quyết và đối diện với khủng hoảng…

Và đồng nghĩa với các chương trình được tổ chức thành công, thu nhập của Khang cũng dần ổn định. Cậu có thể tự lập, trang trải được các nhu cầu cuộc sống của mình. Dự định của Khang là sẽ cố gắng tích đủ vốn rồi mở một công ty tổ chức sự kiện trong tương lai gần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại