Nghị lực của nữ sinh xinh đẹp mắc chứng bệnh lạ, chỉ nhìn được tối đa 10 cm

Lan Chi |

10 cm là giới hạn tối đa mà Thanh Nhi (SN 2002) có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, từ thời thơ bé cho đến khi trưởng thành, cô chưa bao giờ giới hạn cuộc đời mình trong sự mặc cảm.

10 cm là chiều dài của một cây bút chì, một cuộn chỉ, hay chiếc thìa. Nhưng 10 cm, cũng chính là giới hạn xa nhất là Thanh Nhi (SN 2002) có thể nhìn thấy được. Sau 10 cm đó, tất cả đều là bóng tối. 

Làm sao một cô bé có học lực kém nhất lớp, lại có thể vươn lên trở thành học sinh giỏi Sử? Một cô gái khiếm thị có thể sống độc lập ở thành phố lớn? Tâm sự với chúng tôi, Thanh Nghi đã kể về quãng thời gian thật không hề dễ dàng của mình...

Bóng dáng của mẹ và chị

Mình đã học cách thích nghi với đôi mắt này từ lúc 3 tháng tuổi. Mẹ kể, mình sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Khi mình bước sang tháng thứ 4, trong lúc mẹ ấp ôm mình trên tay, bà đã phát hiện ra vết lạ trong mắt mình. Tuy nhiên, thời điểm đó y học vẫn chưa phát triển, đến khi vết thương sưng tấy lên mình phải thực hiện phẫu thuật để loại bỏ. Từ đó, mình học cách chung sống với bóng tối...

Nghị lực của nữ sinh xinh đẹp mắc chứng bệnh lạ, chỉ nhìn được tối đa 10 cm - Ảnh 1.

Thanh Nhi

Mình không phân biệt được xanh dương hay xanh lá, chưa bao giờ nhìn thấy rõ dáng hình của mẹ. Mình chỉ biết bà là người phụ nữ có dạt dào yêu thương. Mình lớn lên ở một vùng quê thuộc tỉnh Bình Định, ở đó không có trường chuyên biệt dành cho những đứa trẻ như mình. Mùa tựu trường đến, mẹ đã tất tả ngược xuôi để mình có thể học tại ngôi trường tiểu học gần nhà, nơi mình có thể ngồi cùng với những bạn bè có đôi mắt bình thường. 

Mẹ còn là người có sự nhẫn nại tuyệt vời. Vì khiếm khuyết ở mắt nên mình chưa bao giờ kẻ được một đường thẳng. Nhà chẳng khá giả gì, vở lại đắt đỏ nhưng mẹ vẫn đầu tư, mua rất nhiều vở cho mình để tập kẻ. Dần dà, từ một đứa học chậm nhất lớp, mình có thể nhớ hết được các con số, mặt chữ.

Mình có một chị gái sinh đôi. Những ngày thơ bé, chị là người chở mình đến trường, dìu dắt mình đi qua dãy hành lang đầy nắng, nắm tay mình bước qua vạch cửa lớp... Hằng ngày, chị đọc bài cho mình chép, nhẫn nại khi mình ghé sát mắt vào quyển vở, nắn nót con chữ đầu tiên. 

Tủi thân hả? Có chứ! Mình từng bật khóc và tức giận khi không làm được nhiều thứ như các bạn. Mình không thể nhảy dây, đọc sách rất chậm, đi đâu cũng phải có người dìu... Tuy nhiên, mình chưa bao giờ bỏ cuộc, biến những khó khăn thành sự nỗ lực.

Vì phải ghé sát mắt vào sách, nên mình đọc rất chậm. Vì đọc chậm, nên mình đọc rất kỹ. Năm lớp 11, mình lấy hết can đảm để giơ cánh tay lên xin vào đội tuyển Sử. Năm đó, mình nhận được giải thưởng từ tỉnh. Nhưng đối với mình, sự cố gắng đêm ngày, cởi bỏ nỗi mặc cảm mới là tấm huy chương rực rỡ nhất đời.

Bước vào Đại học 

Hết cấp 1, cấp 2, cấp 3 rồi vào Đại học, những đứa trẻ trong huyện của mình đều như thế. Nhưng đối với mình, nó là cả một hành trình cố gắng, có cả nước mắt và những nụ cười hạnh phúc. Ba mẹ từng không muốn mình đi lên TP.HCM học Đại học. Bởi lẽ, ba mẹ làm sao có thể yên tâm được khi để đứa con gái 18 tuổi, khiếm thị một mình lên thành phố. 

Nghị lực của nữ sinh xinh đẹp mắc chứng bệnh lạ, chỉ nhìn được tối đa 10 cm - Ảnh 2.

Cô hiện đang là sinh viên năm 2 của trường Đại học Sư phạm TP.HCM

Bước qua ngưỡng cửa cấp 3, mình và chị là hai con đường riêng. Không còn chị, ai sẽ chở mình đi học, đọc bài cho mình viết, ai sẽ nhẫn nại với những bước chân chậm rãi của mình. Mình có thể học ngành nào, rồi xin việc ra sao? Hàng trăm câu hỏi bủa vây đã khiến mình dường như chùn bước. Một ngày, cô giáo gọi mình đến và bảo: "Hay con nộp hồ sơ vào Khoa Giáo dục đặc biệt của trường Đại học Sư phạm TP.HCM đi?". Sau này, con có thể dạy những đứa trẻ giống con, cho chúng biết rằng cuộc sống này sẽ có biết bao điều diệu kỳ, dù đôi mắt chúng chỉ thấy được bóng tối. Và hơn hết, nếu không bước vào ngưỡng cửa Đại học, mình sẽ mãi trở thành gánh nặng của bố mẹ. 

Nghị lực của nữ sinh xinh đẹp mắc chứng bệnh lạ, chỉ nhìn được tối đa 10 cm - Ảnh 3.

Với đôi mắt bị giới hạn đó, Nhi vẫn tự đến trường mỗi ngày

Sau cùng, mình quyết định điền tên vào bộ hồ sơ của trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Năm đó, mình trúng tuyển. 

Nhờ người quen, mình xin vào một mái ấm tại TP.HCM để lưu trú. Lần đầu tiên dắt mình đến, ba mẹ đã không khỏi ngỡ ngàng và rưng rưng xúc động. Tại đây, có những đứa trẻ mù lòa cả hai mắt, chúng bước đi với đôi chân khập khiễng nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Ba mẹ đứng đó, chứng kiến và quyết định cho mình ở lại. 

Sơ (nữ tu-PV) là người dìu mình những bước đầu tiên, cho mình quen với phố xá, những con đường, ngã rẽ từ trường về nhà. Thời gian đầu, mình còn không dám ngủ trên xe buýt, cứ sợ lỡ trạm rồi không biết đường về. Dần dà, mọi thứ mới thực sự vào nếp...

Tại mái ấm, mình đã có rất nhiều người bạn, chúng mình xem nhau là một gia đình, chưa bao giờ để khiếm khuyết cơ thể là thứ giới hạn bản thân. Khi bị rớt đồ, muốn đi vệ sinh, mình sẽ tự làm lấy. Chưa bao giờ, chúng mình xem nhau là người khuyết tật. 

20 năm sống cùng với đôi mắt đó bị bóng tối bao trùm, mình đã trải qua những mặc cảm, tủi hờn để không ngừng vươn lên. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại