CJ CGV Việt Nam, một chi nhánh của tập đoàn CJ Hàn Quốc, vừa khai trương rạp chiếu phim thứ 50 tại Việt Nam vào ngày cuối cùng của tháng 8 tại TP HCM. Như vậy, số phòng chiếu của CGV tại Việt Nam hiện lên tới 313 phòng, với 42.800 ghế.
Phía Hàn Quốc cho biết, họ sẽ đổ thêm 200 triệu USD nữa để nâng cấp và mở rộng các rạp chiếu tại Việt Nam, nhằm nhanh chóng đưa thương hiệu cụm rạp này đến cả những vùng sâu vùng xa. Ông Dong Won Kwak, Tổng giám đốc của CJ CGV Vietnam, cho biết, Nhờ thị trường giải trí sôi động của người Việt đạt mức tăng trưởng tới 20%/năm mà CGV đã thu về tới 1.800 tỷ đồng riêng trong năm 2016, đạt lợi nhuận 93 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm trước đó.
Theo kế hoạch, mỗi năm sẽ có từ 12-15 cụm rạp CGV được đầu tư mới, với chi phí 4-7 triệu USD/rạp. Cùng với việc thử nghiệm một số công nghệ màn hình lớn, dịch vụ mới tại TP HCM và Hà Nội, CGV định chi khoảng 70 triệu USD để nâng cao chất lượng màn chiếu tại các rạp ở Việt Nam, nhằm cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ.
Với dân số lớn gấp đôi Hàn Quốc, thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam có dư địa tăng trưởng rất lớn, đặc biệt là trong một thập kỷ tới. Năm ngoái, 140 cụm rạp toàn quốc ghi nhận doanh thu 130 triệu USD, và dự kiến còn tăng lên 200 triệu USD vào năm nay. Trước đó, một cuộc khảo sát về tiêu dùng tại Việt Nam cho thấy, 55% dân số sẵn sàng bỏ iền và thơi gian để tới rạp phim ít nhất mỗi tuần một lần, và rút hầu bao tối thiểu 100.000 đồng cho mỗi người.
Điều đặc biệt là thị trường Việt hiện nằm trong tay các ông lớn thế giới, nhưng CGV chiếm 43% thị phần, đồng hương Lotte năm 30%, Platinum Cineplex của Indonesia giữ 10%, và phần còn lại dành cho 2 nhà khai thác địa phương là Galaxy và BHD Star Cineplex, giữ lần lượt 9% và 6%. Tuy nhiên, sự thu hẹp của Platinum Cineplex trong thời gian qua rất có thể sẽ khiến bản đồ thị trường thay đổi trong bảng tổng kết cuối năm, và bất cứ doanh nghiệp nào trong ngành cũng muốn thâu tóm càng nhiều càng tốt phần bánh mà doanh nghiệp Indonesia này để trống.