Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt, với ý nghĩa tốt đẹp hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Trong đoạn clip nhận được hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng xã hội, Đỗ Ngọc Phúc (25 tuổi, quê Hưng Yên) dẫn một đoàn khách nước ngoài người Bồ Đào Nha tới tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám. Anh cầm trên tay một xấp tiền vàng mã rồi giải thích một cách dễ hiểu, ngắn gọn ý nghĩa về nét văn hoá tâm linh Việt Nam.
Đoàn khách Tây hào hứng nghe thuyết minh về tiền vàng mã
Sau khi nghe chăm chú thuyết minh, đoàn khách lần lượt xin được cầm thử tiền vàng mã và chụp ảnh kỷ niệm. Họ tỏ ra khá bất ngờ trước mối liên kết chặt chẽ với tổ tiên trong tiềm thức người Việt.
"Mình giới thiệu về vàng mã vì đây cũng là một phần của văn hoá nước ta. Mình thấy đây là tín ngưỡng khá thú vị, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Một số du khách còn hỏi thêm ngoài tiền ra còn đốt gì nữa không rồi mình có ngày cho người đã khuất không? Ngoài ra họ cũng thắc mắc về số người theo đạo Phật, Công giáo, rồi tại sao lại đốt hương, tại sao đi chùa...", Phúc cho biết.
Một số du khách xin tiền vàng mã chụp ảnh kỷ niệm
Một lần khác, Phúc dẫn cả đoàn tới cửa hàng bán đồ hàng mã ở phố cổ Hà Nội. Du khách Tây rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những chiếc ô tô, điện thoại, đồng hồ, thậm chí cả ngôi nhà làm bằng giấy.
"Tất nhiên mình sẽ giải thích rõ công dụng của vàng mã là để đốt cho người đã khuất và cũng nói thêm tục này hiện đang vận động giảm bớt để bảo vệ môi trường", Phúc nói.
Không chỉ hứng thú với tín ngưỡng văn hoá Việt, du khách Tây cũng rất phấn khích khi tìm hiểu chủ đề lịch sử, địa lý, ẩm thực Việt Nam.
Phúc thấy rằng, nếu chỉ dẫn tour đơn thuần với việc thuyết minh sẽ rất nhàm chán. Anh nhận ra trải nghiệm mới là thứ đọng lại trong lòng du khách sau mỗi chuyến đi. Mỗi tour, Phúc đều cố gắng tìm một hoạt động ngẫu nhiên nào đó để khách trải nghiệm, ví dụ như đi tham quan khu chợ địa phương, đến các khu đền chùa miếu mạo...
Phúc đã có 5 năm kinh nghiệm dẫn tour
Nam HDV hướng dẫn đoàn cách thắp hương, cầu khấn thần Phật, tìm hiểu người dân mua bán ở các khu chợ truyền thống ra sao.
"Các du khách thường sẽ thích thú với các thông tin mới lạ, liên quan chặt chẽ với văn hoá, truyền thống của Việt Nam. Ví dụ như vàng mã, phong thuỷ, tử vi, lấy chồng, lấy vợ... và họ cũng rất thích những hoạt động trải nghiệm thực tế nữa vì qua trải nghiệm họ sẽ có ấn tượng sâu sắc hơn.
Trong tour mình luôn cố mang lại những trải nghiệm mới lạ cho khách hàng và sử dụng những cách diễn dải ngắn gọn, dễ hiểu pha chút hài hước thì họ sẽ tiếp nhận tốt hơn thông tin mình truyền đạt", 9X bộc bạch.
Anh luôn cố gắng tìm trải nghiệm mới mẻ, độc đáo tới cho du khách
Phúc tốt nghiệp khoa Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành của trường Đại học Thương Mại (Hà Nội). Anh biết 3 thứ tiếng gồm tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.
Có gần 5 năm kinh nghiệm dẫn tour, Phúc hiện đang cộng tác với nhiều công ty lữ hành. Mỗi công ty lại có những lịch trình riêng đưa khách tới điểm đến riêng. Chuyến đi ấn tượng nhất với Phúc có lẽ là lần dẫn đoàn khách tới Văn Miếu trong thời gian vừa qua.
"Đoàn khá đông khách lại toàn khách có tuổi, đây cũng là đoàn khách cực kì quan trọng đối với công ty mình. Lúc nhận tour mình chỉ nghĩ là mình đi phụ thôi chứ không phải làm hướng dẫn chính vì mình vẫn đang ôn tiếng Bồ Đào Nha.
Cách gần một tháng mới biết mình là HDV chính nên cuống cuồng ôn lại tiếng cũng như kiến thức để chuẩn bị.
Cũng may mọi thứ diễn ra tốt đẹp, khách rất vui vẻ, hài lòng. Điều khó nhất khi đi tour là kiểm soát các hoạt động sao cho diễn ra đúng theo lịch trình mà vẫn làm cho du khách vui vẻ, thoải mái", Phúc nói.
Ảnh: NVCC