Khoảng vài năm trở lại đây, khán giả bắt đầu có sự hoài nghi mỗi khi một nghệ sĩ bất ngờ công khai chuyện đời tư của họ. Trong câu chuyện rapper Hieuthuhai úp mở chia tay bạn gái vừa qua, số ít người cho rằng nam ca sĩ đang gặp vấn đề trong chuyện tình cảm. Còn lại, đa phần nhận ra rằng chắc hẳn nam ca sĩ chuẩn bị ra sản phẩm mới và sự úp mở này chỉ là cách để "dọn đường" cho chiến dịch quảng bá.
Cũng không còn nhiều người tỏ ra lạ lẫm khi Hồ Quang Hiếu công khai bạn gái dù nhiều năm nay, anh sống khá tín tiếng bởi khán giả biết rằng việc công khai nửa kia chỉ là một bước trên hành trình PR cho sản phẩm sắp ra mắt của nam ca sĩ sinh năm 1986.
Càng ngày, càng nhiều nghệ sĩ chọn cách móc nối đời tư để PR cho sản phẩm. Đây là cách không mới, nhưng được cho là có hiệu quả để thu hút sự chú ý. Đúng là khán giả sẽ dành sự quan tâm cho câu chuyện của nghệ sĩ bởi bản chất con người là tò mò, thế nhưng chú ý tới đời tư khác với quan tâm và yêu thích sản phẩm.
Khán giả càng tò mò, nghệ sĩ càng móc nối đời tư
Chia sẻ với PV Tiền Phong , chuyên gia truyền thông Dy Khoa cho rằng: "Vốn dĩ trong mỗi chúng ta đều có tính tò mò, quan tâm những điều được giấu kín. Điều đó được thể hiện rõ khi các thông tin liên quan đến giới nghệ sĩ trở thành đề tài chuyện phiếm của nhiều người. Rõ ràng sức hút của các thông tin như vậy là rất lớn, có tầm ảnh hưởng rộng".
Chuyên gia nhận định có thể nghệ sĩ hiểu được việc khán giả quan tâm đến đời tư nên nhiều người chọn cách "bật mí" cuộc sống riêng để thu hút.
Tuy nhiên, với chuyên gia, nếu một nghệ sĩ chỉ được công chúng bàn tán, xì xầm về đời tư mà không được tán dương về sản phẩm thì đó là sự thụt lùi danh tiếng. Vì vậy, mỗi nghệ sĩ cần lường trước được điều sẽ xảy ra trước khi quyết định mang chuyện đời tư ra với hy vọng thu hút sự quan tâm.
Với chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh, việc dùng đời tư để PR sản phẩm là cách đã được làm từ nhiều năm trước. Ở nước ngoài, nghệ sĩ cũng sử dụng cách này tuy nhiên có chăng, họ biết dùng một cách khéo léo.
"Tôi không nghĩ cách PR này là xấu hay lạc hậu. Đồng ý là nó cũ nhưng nếu khán giả vẫn muốn 'ăn' thì nghệ sĩ vẫn bày ra, giống như việc ăn cơm hàng ngày, điều này đã trở nên quen thuộc đối với công chúng mỗi lần một số nghệ sĩ ra sản phẩm. Tất nhiên có 'cơm ngon', 'cơm dở', điều đó phụ thuộc vào khả năng “nấu nướng" của người nghệ sĩ. Cốt lõi của nghệ sĩ vẫn là giọng hát và thẩm mỹ nghệ thuật", Hồng Quang Minh nói.
Anh Hồng Quang Minh cho rằng có không ít nghệ sĩ hạng A, có vị thế trong nền giải trí, họ cũng không ngại kể những câu chuyện cá nhân. Nếu người thật, việc thật, bản thân nghệ sĩ là những người thú vị, làm việc có ích cho xã hội thì dù kể nhiều, khán giả vẫn bị hấp dẫn và muốn nghe. Chuyên gia khẳng định khả năng kể chuyện cá nhân là khả năng cần có, nhưng không được lạm dụng.
Với chuyên gia Dy Khoa, anh khẳng định: "Mục đích cuối cùng của tất cả phương pháp truyền thông là tạo dựng, giữ nhiệt và bảo vệ hình ảnh của nghệ sĩ trước công chúng. Tuy nhiên, tôi khá lo lắng cho nghệ thuật nước nhà bởi đến một ngày tất cả thông tin trên đại chúng chỉ là thông tin đời tư về nghệ sĩ thì nghệ thuật sẽ ở vị thế nào".
Nghệ sĩ nên tính toán kỹ tránh hiệu ứng ngược
Nói về việc tại sao xu hướng móc nối đời tư ngày càng phổ biến trong chiến dịch quảng cáo sản phẩm của nghệ sĩ, chuyên gia Dy Khoa cho rằng không thể phủ nhận chính khán giả là những người tác động đến cách truyền thông, quảng bá của nghệ sĩ.
"Nghệ sĩ và ê-kíp của họ nắm bắt được tâm lý này nên đã tận dụng để tung ra nhiều chiêu trò câu dẫn. Từ đó tạo nên một cú pháp truyền thông là tung đời tư trước, tung sản phẩm sau như chúng ta thấy nhan nhản như hiện nay".
Chuyên gia phân tích rằng xu hướng truyền thông hiện nay là storytelling (kể chuyện), có nghĩa là công chúng muốn được tiếp cận các thông điệp truyền thông thông qua các câu chuyện. Đó chính là lý do các cuốn sách viết về cuộc đời nghệ sĩ, tự truyện hay talk show có sự tham gia của nghệ sĩ để kể về quá trình làm nghề, thường nhận được sự quan tâm lớn của công chúng.
"Rõ ràng phương pháp này không sai, chỉ là hiện tại bị biến tướng đi bởi các thông tin đi ngược chuẩn mực xã hội để câu view đang được sử dụng quá nhiều. Nghệ sĩ và ê-kíp của họ cần tính toán là phát ngôn nội dung gì và nên nói vào thời điểm nào, có nhất thiết phải nói ngay trước ra mắt sản phẩm hay không. Nếu buộc phải nói khi ra mắt sản phẩm thì nên cân nhắc nói về sản phẩm hay đời tư nhiều hơn, cái nào không bị phản cảm. Đặc biệt, nên nghĩ tới việc nếu nói về đời tư quá nhiều thì khán giả có quên đi sản phẩm hay không".
Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành truyền thông và quản lý nghệ sĩ, chuyên gia Hồng Quang Minh đưa ra lời khuyên nghệ sĩ hãy "truyền thông từ lõi", có nghĩa là lọc kỹ những thứ hấp dẫn nhất từ lõi của sản phẩm để truyền thông.
"Thời điểm đó nhiều người vẫn nghĩ truyền thông là nói lời hay ý đẹp về một sản phẩm hay một nghệ sĩ. Đôi khi, nhiều người còn bịa ra thông tin với hy vọng sản phẩm được chú ý. Tuy nhiên, khi xã hội và dân trí ngày càng phát triển, khán giả đã biết chọn lọc và tỉnh táo hơn", anh Minh nói.
Vì thế, chuyên gia khẳng định thay vì chỉ nói những cái hay, đẹp của sản phẩm, người nghệ sĩ cần tập trung nghĩ đến những điểm thu hút nhất của một sản phẩm họ phát hành và chắt lọc kỹ càng trước khi quyết định mang lên truyền thông. Nói đúng, đủ, vào trọng tâm vấn đề, cách truyền tải hấp dẫn sẽ hiệu quả hơn nhiều so với những lời khen sáo rỗng.
Đi kèm với đó, nghệ sĩ trẻ phải có cá tính rõ ràng, một ê-kíp truyền thông chuyên nghiệp, hiểu thị trường. Chuyên gia cho rằng trong tương lai, có lẽ các nghệ sĩ khó có thể hoạt động đơn lẻ mà cần làm việc theo nhóm, với những người có kinh nghiệm trong việc truyền thông để "xử lý" hình ảnh khéo léo, bài bản, tránh hiệu ứng ngược.