Vừa qua, tại chương trình Người kể chuyện đời, diễn viên Thân Thúy Hà đã tâm sự về lí do chất lượng phim truyền hình đi xuống và cái khó của người diễn viên.
Cô nói: "Phim truyền hình hồi xưa từng sản xuất ồ ạt nhưng giờ chững lại, có thể do chất lượng kịch bản, chất lượng diễn xuất, bối cảnh, trang phục, đi xuống. Cái khó của nhà sản xuất là không có kinh phí nên dựng bối cảnh không chất lượng được.
Ví dụ, vai giám đốc tập đoàn phải đi một chiếc xe hơi đắt tiền, sang trọng nhưng giá thuê xe để quay rất đắt. Chẳng hạn, thuê một chiếc Mercdes, Camry thì giá cao. Có đoàn phim phải mượn xe của diễn viên để làm đạo cụ.
Chưa kể, diễn viên bây giờ chạy show nhiều nên không thuộc thoại, bản thân tôi cũng có giai đoạn bị như vậy, chạy show nhiều nên không có thời gian học thoại. Vào phim thì có người nhắc thoại rồi sau đó mới lồng tiếng hậu kỳ nên thường thì diễn viên không phải thuộc thoại, chỉ cần nắm được vai diễn. Nhưng tôi lại thấy đó là điều khiến chất lượng phim giảm xuống. Tôi thấy rõ ràng khi diễn viên thuộc thoại thì nhập tâm lý nhân vật tốt hơn.
Thêm nữa, giá cát xê cho diễn viên bây giờ quá thấp. Nhiều diễn viên có suy nghĩ, nếu vai này mình không nhận thì người khác cũng nhận, nên chấp nhận giá cát xê thấp để diễn vai đó rồi diễn nhiều phim để có tiền.
Nếu là tôi, tôi sẽ mạnh dạn từ chối. Có thể một năm tôi chỉ đóng hai phim còn hơn đóng 10 phim mà giá cát xê không xứng đáng. Tôi muốn giữ giá trị của bản thân để họ biết giá cát xê của tôi là bao nhiêu, đủ thì mời không thì thôi. Đã hạ giá cát xê một lần thì sẽ bị hạ mãi, không bao giờ lên lại được.
Diễn viên của chúng ta không đồng lòng, cũng hoạt động tự do, không qua công ty quản lý nào nên tự đưa giá với nhau, thành ra giá cát xê không giữ được, cứ bị tụt đi. Chúng tôi hay bảo nhau, cái gì cũng lên chỉ có giá cát xê diễn viên là không lên thôi.
Giá như diễn viên đồng lòng với nhau thì phía sản xuất sẽ buộc phải trả giá cát xê xứng đáng với tên tuổi người đó.
Có những giai đoạn tôi nản tới mức muốn bỏ nghề vì đi làm tiền lương không xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Diễn viên không đồng lòng khiến giá trị của nghề không còn nữa".
Nghệ sĩ Trung Dân nghe vậy cũng tâm sự về nỗi khổ của nghệ sĩ kịch: "Người diễn viên sân khấu kịch chúng tôi còn khổ hơn. Nhận một vai diễn, tập mấy tháng trời nhưng phải được duyệt mới được bán vé diễn.
Nhưng đâu phải ngày nào cũng được diễn, một tuần diễn được một lần là may, có khi vài tuần mới diễn một lần. Công sức mình bỏ ra với cái thu lại đâu có là bao. Như tôi tập vài tháng cho một vai diễn nhận về có vài triệu bạc.
Thêm nữa, nếu trúng vào tập thể yêu thương nhau, không phe đảng thì may. Nếu xui có thể rơi vào tập thể băng nhóm, bè phái ghét nhau, hại nhau nọ kia, không thích mình thì toi.
Chúng tôi đến với sân khấu vì tình yêu, diễn một đêm để thỏa đam mê, và chỉ được vài giây phút được trực tiếp đứng với khán giả, cảm nhận giá trị người nghệ sĩ đang cống hiến, còn lại là chua chát nhiều hơn trái ngọt".