1. Những tác động của âm nhạc lên cảm xúc và tâm trạng của con người
Âm nhạc không thể thiếu được với đời sống tinh thần. Ảnh minh họa.
Con người biết tới âm nhạc từ rất sớm, ngay từ những buổi sơ khai của nền văn minh nhân loại thì âm nhạc thô sơ đã xuất hiện với nhịp, phách... khi người ta dùng cây gỗ gõ vào đá.
Ngày nay, con người xem âm nhạc như một yếu tố bẩm sinh, ngay từ khi sinh ra chúng ta đã yêu âm nhạc. Không có ai lại ghét âm nhạc cả, dường như âm nhạc trở thành một yếu tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mọi người.
Nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Beethoven từng nói: “Âm nhạc làm trái tim của người nam sôi sục và khóe mắt của người nữ đẫm lệ”..
Âm nhạc tác động thể chất và tinh thần chúng ta. Ảnh nguồn Internet.
Âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn của trái tim và nhịp đập cuộc sống. Có lẽ âm nhạc thật sự đã nằm trong gene của chúng ta!
Không chỉ giúp con người cảm thấy thư thái, thoải mái, âm nhạc còn có tác dụng thần kỳ lên não bộ:
- Tăng IQ ngôn ngữ, tư duy và vận động: Chơi nhạc sẽ giúp tăng khả năng thị giác và ngôn ngữ khi chúng kích thích não phải.
Nghiên cứu trẻ từ 8-11 tuổi cho thấy những bé tham gia các lớp ngoại khóa âm nhạc phát triển chỉ số IQ ngôn ngữ cùng khả năng thị giác cao hơn các em không tập luyện âm nhạc.
Ngoài ra trí nhớ, khả năng tưởng tượng, trí thông minh vận động cũng được trau dồi qua âm nhạc khi các đầu ngón tay liên tục bị kích thích. Âm nhạc đã giúp con người trở thành hoàn thiện trong muôn vàn tri thức của nhân loại.
- Nghe nhạc chủ động sẽ tăng cảm giác hạnh phúc: Trong nghiên cứu do Ferguson và Sheldon (2013) thực hiện cho thấy:
Những người tham gia được nghe một nhạc phẩm cổ điển tươi vui của Aaron Copland và chủ động cố gắng cảm thấy hạnh phúc hơn sẽ nhận thấy tâm trạng của mình được cải thiện nhiều hơn so với những người nghe nhạc một cách thụ động.
Những bản nhạc đưa chúng ta tới nhiều cung bậc cảm xúc. Ảnh nguồn Internet.
- Tác động tới sức khỏe: Không chỉ tác động đời sống tinh thần, âm nhạc còn tác động lên thể chất, sức khỏe như giúp giảm stress, điều trị bệnh tim, lo âu, hồi phục vùng não tồn thương sau đột quỵ,
Qua việc tổng hợp 23 nghiên cứu trên tổng cộng gần 1500 bệnh nhân cho thấy việc nghe nhạc giúp bệnh nhân có bệnh tim mạch hạ nhịp tim, giảm áp huyết và lo âu (Bradt & Dileo, 2009).
- Xoa dịu tâm hồn: Âm nhạc đem lại sự an ủi, giải tỏa, tạo ra xúc cảm mạnh mẽ, đây là lý do âm nhạc trở thành món ăn tinh thần yêu thích của mọi người.
Âm nhạc còn khơi gợi cảm xúc khi bài nhạc đó gắn liền với một ký ức nào đó. Bạn có thể khóc hay cười khi nghe một bản nhạc đã lâu không nghe và nó gắn với một kỳ niệm tuổi thơ, mối tình đầu, người thân,...
- Tác động tới cảm xúc: Không khó nhận ra tác dụng của âm nhạc lên cảm xúc khi bạn xem một bộ phim kinh dị, tiếng nhạc rùng rợn báo hiệu điều đáng sợ sắp xảy ra sẽ khiến cảm xúc của bạn như hòa vào với nhân vật.
Những bản nhạc sôi động, vui tươi làm chúng ta cảm thấy phấn chấn, yêu đời, nhún nhảy theo nhịp điệu, ngâm nga giai điệu của chúng. Vậy những bài nhạc buồn, tâm trạng não nề chắc sẽ mang lại cảm xúc buồn bã, chán nản,...
2. Nghe nhiều nhạc buồn có ảnh hưởng tiêu cực tới chúng ta?
Vậy nghe nhạc buồn quá nhiều sẽ ảnh hưởng thế nào? Ảnh nguồn Internet.
Theo nghiên cứu mới đây của nhiều nhà khoa học trên thế giới âm nhạc chính là một loại thần dược của tâm hồn và sức khỏe của con người.
Những bản nhạc có tiết tấu nhanh như thể loại nhạc Pop, Chachacha, Disco…giúp cho con người tỉnh táo năng động nhạy bén hơn khi xử lý các tình huống diễn ra trong cuộc sống.
Còn ngược lại, những bản nhạc tiết tấu chậm, buồn liệu có ảnh hưởng sức khỏe và tâm trạng của bạn, liệu nghe nhạc buồn quá nhiều sẽ khiến bạn... chết sơm?
Tin vui cho chúng ta là nghiên cứu của Đại học Free (Berlin -Đức) do Liila Taruffi và Stefan Koelschthực hiện lại chỉ ra điều trái ngược: Nghe nhạc buồn sẽ giúp... hạnh phúc hơn (Nghiên cứu này vừa công bố trên tạp chí PLOS ONE, tạp chí của thư viện Public Library of Science).
Nghiên cứu cho thấy nghe nhạc buồn lại giúp chúng ta vui hơn! Ảnh nguồn Internet.
Nghe có vẻ ngược đời đúng không nào, vì khi nghe những bản nhạc sôi động, vui tươi,... chúng ta cũng cảm thấy vui vẻ hơn. Vậy nhưng nghe những bản nhạc buồn cũng giúp chúng ta hạnh phúc, nâng cao tinh thần hơn!
Hai nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm 722 người từ khắp nơi trên thế giới và kết luận: Nghe nhạc buồn có tác động khá tích cực trong việc tạo ra cảm giác hạnh phúc.
Tại sao vậy?
Nghiên cứu cho thấy con người thường nghe nhạc buồn khi tâm trạng không vui, đau khổ, tuyệt vọng, chán nản... lúc đó họ tìm đến các bản nhạc buồn như tìm kiếm sự an ủi, đồng cảm...
Các cung bậc khác nhau của nỗi nhớ, cảm giác yên bình, nhẹ nhàng, trải nghiệm và băn khoăn…được khơi gợi.
Nguyên nhân là do âm nhạc buồn kích thích trí tưởng tượng của con người, giúp họ suy nghĩ lạc quan hơn và tìm ra được cách thoát khỏi nỗi buồn.
Nhóm nghiên cứu cho hay:
"Các giai điệu buồn thường gợi lên những cảm xúc khá đa dạng, đối với nhiều người, những bài hát buồn sẽ mang tới lợi ích về mặt cảm xúc.
Nỗi buồn gợi lên từ âm nhạc không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn góp phần tạo cảm giác được an ủi, giúp điều chỉnh tâm trạng và cảm xúc tiêu cực của con người”.
Nhiều người sẽ tìm thấy cảm xúc hoài nghi tích cực, an lạc và dịu dàng... giúp họ giải tỏa được tâm trạng nặng nề, khao khát được khơi dậy, niềm tin và cảm xúc tích cực được vực dậy.
Âm nhạc khơi dậy những ký ức trong quá khứ. Ảnh nguồn Internet.
David Huron, một giáo sư âm nhạc tại Đại học Ohio ở Mỹ khẳng định, nghe nhạc buồn kích thích não sản xuất hormone prolactin (chất hóa học có tác dụng hạn chế đau buồn do não tiết ra).
Như vậy những bản nhạc buồn lại tạo ra những cảm xúc tích cực cho người nghe, giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt. Đây cũng là lý do nhiều người rất thích nghe nhạc buồn và tâm trạng.
Âm nhạc tạo ra nhiều lợi ích tích cực tới tinh thần và thể chất. Ảnh nguồn Internet.
Vậy nên hãy yên tâm dù bạn có là người thích các bản nhạc buồn tâm trạng vì âm nhạc là một liệu pháp thần kỳ cho con người vì dù nhạc vui hay buồn, nó cũng tạo nên cảm xúc tích cực cho người nghe!
"Âm nhạc không nằm ở các nốt nhạc mà nằm ở khoảng lặng giữa chúng" - Wolfgang Amadeus Mozart.
*Nguồn tham khảo: Bestbinauralbeats, Tiasang, Thanhnhac, Nhuthenao