Mặc dù biết rằng thị trường có lên có xuống và "bong bóng" (hiện tượng giá cổ phiếu tăng quá mức so với giá trị phù hợp của nó) có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nhưng nhiều người vẫn cứ bất chấp đổ xô đi mua.
Tại sao? Tâm lý lo sợ bỏ lỡ cơ hội "hái ra tiền" đã khiến nhiều người chơi chứng khoán điên cuồng đầu tư vào những danh mục, mã cổ phiếu có tính rủi ro cao.
Là hệ người chơi chứng khoán, từng bao phen lao đao... khi tự nói về chính tình cảnh éo le này của mình, họ sẽ nói gì đây. Cùng tìm hiểu nào!
Mua nhanh còn kịp, sẽ không còn cơ hội thứ hai, và… thị trường đã "vả tôi không trượt phát nào"
Đây là bài học xương máu mà T.T. Tâm, 25 tuổi, một kế toán viên đang làm việc tại Hải Dương cho biết.
"Dù biết các mã cổ phiếu này đang ở mức giá khá cao nhưng tôi vẫn mua bất chấp bởi tâm lý lo sợ rằng nếu không 'múc' ngay lập tức, tôi sẽ không còn cơ hội nào mua chúng với mức giá đó nữa", Tâm kể lại. Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều người khi tham gia thị trường chứng khoán, khiến các nhà đầu tư này "lỗ sấp mặt".
Với tâm lý mua nhanh còn kịp, T.T. Tâm đã phải đối mặt với bài học đắt giá
"Khi chứng kiến người khác kiếm được nhiều tiền từ một mã cổ phiếu nào đó đang có đợt tăng giá mạnh mẽ, tâm lý đám đông đã lấn át mọi phân tích, thúc đẩy tôi phải đầu tư ngày để tranh thủ kiếm chác thêm một chút lợi nhuận", cô bạn nhớ lại.
Khi được hỏi về lần đầu tư "đau đớn" nhất của mình, Tâm cho biết đó là vào thời điểm tháng 4/2021, Tâm đã quyết định "all in" số tiền đầu tư vào cổ phiếu Tesla (công ty sản xuất xe điện của tỷ phú Elon Musk) và một số mã cổ phiếu công nghệ khác khi chứng kiến thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ và "nghe nói" qua các hội nhóm, cộng đồng người chơi chứng khoán rằng giá của nhiều mã cổ phiếu sẽ x2, x5 và nhiều hơn nữa vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, cổ phiếu công nghệ nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung đã có cú quay xe bất ngờ vào đợt tháng 5 vừa qua. Việc giá của chúng không những không "lên mặt trăng" mà lại còn "đi sâu vào lòng đất" đã khiến không ít nhà đầu tư, trong đó có Tâm cháy tài khoản, thậm chí, lâm vào cảnh nợ nần.
Lãi sau 30 phút và cũng có thể mất trắng xong khi uống xong ly trà sữa
Khi biết bạn bè và người quen đã đầu tư vào một mã cổ phiếu nào đó và thành công, tâm lý của bạn sẽ rất dễ bị dao động. Với một sự tự tin vô định rằng bản thân cũng có thể thu được lợi nhuận khi đầu tư vào nó, bạn có thể sẽ quên khuấy đi những lời khuyên đầu tư đến từ các chuyên gia.
Nhiều người đầu tư luôn kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận nhanh chóng nên họ sẽ dễ có nguy cơ bị "sa lầy" vào những khoản đầu tư có nguy cơ rủi ro cao.
Sự biến động về giá quá nhanh quá nguy hiểm nhưng cũng không kém phần hấp dẫn của các "cổ phiếu meme", chỉ số hay tiền tệ khiến chúng trở nên rủi ro hơn nhiều so với các khoản đầu tư truyền thống.
Bạn có thể lãi sau chưa đầy 30 phút đầu tư nhưng cũng có thể mất trắng chỉ sau khi nhâm nhi một tách cà phê. Sẽ không ngoa khi nói rằng chứng khoán có thể khiến bạn "lên voi xuống chó" chỉ trong vòng một nốt nhạc!
Sự phấn khích khi tham gia đầu tư vào một đợt tăng giá của thị trường có thể khiến bạn "mất trí" và đưa ra những quyết định cảm tính, sai lầm. Người chơi nên tìm một đối tác để thảo luận, tham khảo ý kiến về một khoản đầu tư tiềm năng nào đó, có thể là bạn bè, người thân hoặc cao hơn là cố vấn tài chính trước khi quyết định.
Thực tế, rất ít người có thể cưỡng lại được sự hấp dẫn của thị trường và ngay cả những nhà đầu tư, nhà giao dịch nổi tiếng cũng không ngoại lệ. "Tôi cảm thấy mình như một kẻ ngốc", ông chia sẻ khi nói về lần đầu tư thất bại của mình trong quá khứ.
Trước đó, ông từng chơi lớn, đầu tư 6 tỷ USD vào các cổ phiếu công nghệ và chứng kiến tài khoản của mình "bay màu" 3 tỷ USD chỉ trong vòng 6 tuần. "Tôi giống như một cái túi chứa đầy cảm xúc và không thể làm được gì để giúp chính bản thân mình", tỷ phú Druckenmiller nhớ lại.
Khi bạn nhìn thấy những người khác kiếm được lợi nhuận khủng từ các cổ phiếu tăng nóng, bạn cảm thấy mình đang "mất cơ hội kiếm tiền", và rồi bạn gia nhập đám đông mua cổ phiếu đó hoặc mua một loại cổ phiếu tương tự với lý do đơn giản là những người khác kiếm được tiền từ cổ phiếu này thì tôi cũng vậy. Và điều gì đến cũng sẽ đến, kết quả sẽ là vô số lần bạn sẽ "đu đỉnh".
Cô Vy, mạng xã hội đang khiến giới trẻ "bạo" hơn khi đầu tư
Tại sao lại như vậy? Đơn giản là như thế này. Đại dịch khiến nhiều người phải ở nhà làm việc, thậm chí là nghỉ việc.
Việc nhiều thời gian rảnh rỗi hơn cùng với tương lai mông lung sau đại dịch đặc biệt khiến những người trẻ thúc ép bản thân phải tìm kiếm một con đường kiếm tiền mới và đầu tư chứng khoán là một trong những con đường như vậy.
Các nhà đầu tư trẻ đặc biệt là thế hệ Gen Z, thế hệ được tiếp cận với nhiều kênh truyền thông đa dạng khác nhau, bao gồm Facebook, Twitter, TikTok… Họ dễ dàng nghe người này người kia "phím hàng" để mua những mã cổ phiếu được cho là tiềm năng. Mạng xã hội thực sự đang tạo ra một thế hệ đầu tư mới, trẻ và đầy liều lĩnh.
Tiếp cận được nhiều kênh thông tin đa dạng là một điều tốt nhưng nếu bạn không có kiến thức, tiêu chuẩn và phương pháp đầu tư hoàn thiện mà chỉ đầu tư theo những mách nước sốt dẻo trên các diễn đàn, hội nhóm thì bạn sẽ rất dễ dao động cảm xúc theo diễn biến thị trường.
Tâm bất biến giữa dòng thị trường vạn biến, hãy sợ hãi khi người khác tham lam
Thị trường chứng khoán luôn biến động, hãy cố gắng đừng để thị trường "dắt mũi". Khi được hỏi về kinh nghiệm xương máu khi đầu tư sau những lần "mất máu", cô bạn Tâm cho rằng người đầu tư không nên miễn cưỡng mua bán.
Không phải cơ hội kiếm tiền nào cũng đến dễ dàng và không nhất thiết phải kiếm tiền bằng mọi giá. Nên nhớ rằng giữ tiền cũng là một vị thế, thậm chí là một vị thế mạnh khi đầu tư và hãy kiên định với quyết định, phân tích của bản thân.
Bên cạnh đó, để tránh dính bẫy FOMO thị trường, đừng ngần ngại cắt lỗ. Việc cắt lỗ chí ít sẽ giúp bạn giữ lại được số vốn để tìm kiếm cơ hội khác.
Có một câu châm ngôn nổi tiếng mà giới đầu tư thường rỉ tai nhau, đó là "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam". Thị trường luôn có những cơ hội, một khi thấy cơ hội không còn nữa, hãy kiên nhẫn, đứng ngoài cuộc và chờ đợi cơ hội tiếp theo.